Khám phá hang động bên trong núi Mắt Thần Nà Ma
Hành trình đến với núi mắt thần phải vượt qua vách đá đựng đứng không vết chân người, xung quanh cỏ cây chen lá, chằng chịt dây leo, có những điểm phải treo người qua những phiến đá rêu phong trơn trợt, bên dưới là vực sâu hun hút đáy…
Chuyến đầu tiên vào cuối tháng 7; mùa mưa, núi Thủng Nà Ma lọt thỏm giữa 36 hồ lớn nhỏ do chàng Sung để lại ngày trước
Với tôi, Cao Bằng quyến rũ nhất vào khoảng cuối tháng 9, thời điểm thác Bản Giốc ầm ào thác đổ, mịt mù trắng xóa. Hay dịch lên phía Bắc về phía huyện Trà Lĩnh đúng vào thời điểm hồ Nậm Trá mênh mông đã rút gần cạn nước. Xa xa thấp thoáng sau dãy núi Phục Ưng là cả một vùng đồng cỏ mơn man mát mắt, trải dài đến tận chân núi, nơi có ngọn núi mắt thần Phja Piót trầm ngâm.
Phja Piót theo tiếng Tày nghĩa là Núi Thủng, bà con thường gọi Mắt Thần núi Nà Ma - ngọn độc nhãn sơn trông xa như một vị thần đang tĩnh tọa thiền định giữa miền bình nguyên Nậm Trá.
Truyện kể rằng, miền đất này xưa kia có chàng trai trẻ tên Sung, học đâu nhớ đó, thông minh đỉnh ngộ hơn người. Tuổi mới đôi mươi đã thi đỗ chức quan cao trong triều. Hôm vinh quy bái tổ về quê, tình cờ gặp nàng con gái tên Boóc, chàng đâm si tình, cưới về làm vợ. Mãi mê với mối lương duyên mới mà quên mất ngày hồi kinh nhậm chức.
Đến khi sực nhớ, chàng Sung vội vàng chia tay vợ và bố mẹ, chạy liền về kinh, liên tục ngày đêm không nghỉ. Đến vùng rừng tối lúc nữa đêm, chạy được 36 bước thì vấp ngã đập đầu vào núi.
36 bước chân nay trở thành 36 hồ lớn nhỏ, dân địa phương đặt nhiều tên gọi khác nhau, hồ lớn nhất nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thang Hen.
Những cái hang động rải rác do ngón tay bấu vào vách đá tạo nên. Khi ngã xuống, chàng Sung vẫn quyến luyến, với tay về hướng người vợ; ngón tay vô tình chọc xuyên qua vách núi, hình thành nên Núi Thủng ngày nay.
Từ ngã ba TL 205 rẽ vào xóm Bản Danh đến đỉnh dốc khoảng 2 cây số là có thể ngắm nhìn Mắt Thần Núi uy nghiêm tĩnh tọa
Hàng rào đá quanh co hai bên đường, bà con tỉ mẩn xếp chồng từng phiến đá lên nhau
Lên hết con dốc, ngọn Độc nhãn sơn bất ngờ hiện ra giữa thung lũng với vô số hồ lớn nhỏ bao quanh
Chuyến tiền trạm lần trước, ngỡ ngàng trước phong cảnh sơn thủy hữu tình với ngọn Núi Thủng lừng lững nhô lên giữa miền thảo nguyên mênh mông xanh mát.
Xuất phát từ trung tâm Thành phố Cao Bằng, qua cầu Bằng Giang, chúng tôi bon bon xe máy chạy dọc QL3 về hướng Đông khoảng 20 km, đến đỉnh đèo Mã Phục thì rẽ vào hướng Tỉnh lộ 205 đi Na Hang. Chạy tiếp thêm 4 km đến ngã ba, rẽ trái vào xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh.
Từ đây tiếp tục trên con đường mòn băng qua các bản làng bà con dân tộc Tày, Nùng với những nếp nhà ngói xám, tường gạch cũ kĩ, đơn sơ; qua những thửa ruộng bậc thang thấp lè tè cùng nương ngô, rẫy sắn. Thi thoảng, bắt gặp vài đàn trâu, bò đang nhẩn nha gặm cỏ.
Con đường mới trải đá dăm lạo xạo vui tai; càng ấn tượng hơn bởi hàng rào được người dân kì công xếp chồng từng phiến đá, uốn lượn quanh quanh theo các thửa ruộng, vườn cây, vòng quanh khuôn viên ngôi nhà sàn lợp ngói âm dương.
Đoạn cuối, vượt lên con dốc ngắn chắn ngang bởi dãy núi Phục Ưng che khuất tầm nhìn thung lũng núi Mắt Thần.
Tiếp tục đổ dốc chạy xuống đồng cỏ xanh rì mơn man đến tận rìa mép nước
Chuyến du ngoạn này sử dụng Flycam để có những bức ảnh để đời từ trên cao
Bắt gặp từng đàn trâu, bò, ngựa, dê... thì ung dung gặm cỏ, vẩy vùng tắm mát trong làn nước thẳm xanh.
Bức tranh sơn thủy hữu tình e ấp núi mây khác nào miền thảo nguyên mênh mông vó ngựa
Đoạn dốc xuống độ chênh hơi gắt, bạn đọc cẩn thận tay lái, vào mùa mưa dễ bị trượt bánh. Hết dốc là miền bình nguyên, mênh mang cỏ mọc. Nơi này dựng lều cắm trại ngủ đêm bên hồ Nặm Trá và có vị thần núi Độc nhãn sơn canh gác thì còn gì tuyệt thú bằng.
Thung lũng Nậm Trá mùa rút nước bị ngăn cách bởi các khe rạch sâu, vách dựng đứng không thể đu bám để băng qua bờ bên kia. Chạy thêm vài trăm mét, lại bị con thác Nậm Trá chắn ngang, bít lối. Chúng tôi đành nhờ “mắt thần” Flycam để dò đường từ trên cao. Tiếc thật, từ hướng này quả thật không còn lối nào có thể tiếp cận đến gần chân núi.
Lại phải quay ngược trở lại thị trấn Trà Lĩnh, rồi theo con đường liên xã khoảng độ 4 - 5 km qua làng Nà Ma để tìm đường vào mặt bên kia núi Thủng. Từ đây, tiếp tục men theo đường mòn quanh co sườn núi thêm một đoạn tầm 1,5 km là đến núi Mắt Thần. Ngửa cổ nhìn lên, khung cảnh ngoạn mục với lỗ thủng Mắt thần đường kính tới 50m.
Một nhánh khác để vào diện kiến vị thần núi “độc nhãn” theo đường mòn nhỏ hẹp, quanh co đèo dốc vào làng Nà Ma
Thấp thoáng ngọn núi trong tầm mắt, con đường độc đạo vắng vẻ không một bóng người
Quyết định để xe lại, hai anh em cuốc bộ thêm đoạn nữa đến sát chân núi
Hành trình điểm nhãn Mắt Thần núi chuyến này coi vậy mà gian nan hơn tôi nghĩ. Loay hoay mãi đến xế chiều mới chính thức bắt đầu. Chiều muộn, xem ra khó tìm được thổ địa để dẫn đường; chúng tôi quyết định tự lực cánh sinh, vạch lá tìm đường để leo lên.
Cắt rừng, xuyên qua tán cây và dây leo đan nhau dày đặc, rồi chuyền tiếp qua các mỏm đá đầy rêu phong. Độ dốc gần như dựng đứng, có những đoạn chúng tôi phải bám sát vào nhau để bắt cầu leo qua.
Con dao mèo đã vung mỏi cả đôi tay khiến chúng tôi quên bẵng mất ghi lại hình ảnh chặng đường vô cùng gian nan này.
Khi thì nhảy qua các tảng đá lô xô, lúc thì chuyền tay nhau bám vào các rễ cây đu dần lên
Càng leo cao, cây cối thưa dần, thay vào đấy là những khối đá tảng ngổn ngang che lối
Cảm xúc dâng trào sau bao gian nan chinh phục Mắt thần núi Nà Ma
Gần đến “mắt thần”, cây cối thưa dần, quang đãng hơn, áng chừng lên đến độ cao khoảng chừng 40 – 50m, những khối đá lớn nhô ra che khuất lối đi nhưng để ý kỹ, đến gần hơn sẽ có các khe hẹp, luồn vào trong có thể leo tiếp lên trên.
Cứ thế, chúng tôi nhắm hướng khe sáng Mắt thần lấp ló chiếu qua rèm cây làm động lực thi nhau vượt lên.
Chuyền qua các tảng đá phủ đầy rêu phong, trơn trượt không dấu chân người, không cẩn thận có thể trượt chân, ngã nhào rất nguy hiểm.
Cuối cùng sau bao gian nan anh em chúng tôi đã đặt chân giữa lòng mắt Thần núi Nà Ma, cảm giác thật sung sướng vỡ òa.
Cửa vòm nhìn về phía xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh khá khuất bởi các hàng cây báng, cây nghiến mọc cao che mất, chúng tôi lại tiếp tục men theo vách đá xuyên qua lòng núi đến đến miệng hang thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh.
Tính ra mắt Thần núi Nà Ma mùa này, độ cao so với mặt nước hồ chỉ khoảng 70 – 80m, đã hút hết bao sinh lực và mồ hôi để chinh phục.
Kiến tạo từ núi đá vôi, bên trong lòng hang, các phiến đá bị phong hóa, nứt nẻ xếp chồng ngổn ngang, xen kẽ giữa đám cỏ cây rậm rạp. Có lẽ trải qua hàng ngàn năm xâm thực và rơi vỡ đã tạo thành hốc lõm của Mắt thần. Phía cao trên trần hang, các vòm thạch nhủ nhiễu xuống những nanh đá sắc nhọn, bén ngót, mọc lỉa chỉa như hàm răng bén nhọn.
Khuất bên dưới những tảng đá và hàng cây bên dưới có lối đi hẹp giữa 2 vách đá
Những khối thạch nhũ trên vòm hang nhìn về phía xã Cao Chương lởm khởm, nhọn hoắt
Flycam bay là là dọc từ cửa hang bên này qua tới bên kia, hang sâu khoảng 60m, vòm trần hang dày chưa tới 30m, cao khoảng 50m
Miệng hang phía xã Quốc Toản lại khá trơn tru, men theo rìa đá ra đến hốc lõm có thể ngắm toàn bộ cảnh quan các hồ Nậm Trá bị chia cắt nhỏ sau khi nước rút đi
Chiều muộn, nhưng lòng hang vẫn còn khá sáng sủa; dễ dàng thấy hàng khối đá tảng chông chênh, xếp chồng lên nhau, trông như bị rơi vỡ văng xuống từ đâu đó từ hàng nghìn năm trước.
Để ý có thể tìm thấy lối đi hẹp khuất giữa các khe đá bên dưới; men theo lối này, chúng tôi lần mò ra tới cửa hang nhìn về hướng xã Quốc Toản, nơi có con dốc bị che khuất bởi dãy núi Phục Ưng ban sáng chúng tôi vượt lên.
Từ vị trí miệng hang có thể thấy con đường mòn vắt vẻo bên trái ảnh, nơi mà ban sớm chúng tôi vừa vượt dốc chạy lên
Đứng từ vị trí này, cảnh quan thực tuyệt đẹp không bõ công leo. Men theo rìa đá nhích sang bên trái vách núi có một hốc lõm tầm 2 mét, từ đây có thể yên tâm đặt chân, phóng tầm mắt bao quát toàn bộ hồ Nậm Trá và thảm cỏ xanh ngút ngàn.
Mùa này nước đã rút bớt, nổi lên khá nhiều đầm hồ bên dưới thung lũng Nậm Trá, đếm sơ phải hơn mười mấy hồ lớn nhỏ và vệt đường mòn quanh co uốn lượn bao quanh.
Hoàng hôn muộn, mặt hồ phẳng lặng soi bóng Mắt Thần Núi Thủng
Khuất trong khói lam chiều, miền đồng cỏ xanh um, ôm ấp lấy các đầm hồ quanh co, phản chiếu lấp loáng qua mặt hồ phẳng lặng, trong xanh màu ngọc bích; bức tranh thủy mặc của miền thảo nguyên chìm dần vào tịch mịch.
Những tháng cuối năm, mới tầm 5 - 6 giờ chiều, khung cảnh núi rừng đã dần ngã bóng. Chúng tôi vội vàng lần mò trở xuống trong khung cảnh tối tăm mù mịt, cây rừng che khuất lối…
Theo thông tin Cục Di sản Văn hóa, Di tích quốc gia Mắt Thần Núi Thủng nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh hồ Thăng Hen, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Danh thắng độc đáo thuộc Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận.
Núi Thủng thuộc dạng hang khô, hang hóa thạch được hình thành cách nay hơn 300 triệu năm. Do vận động kiến tạo nâng lên gồm các khối núi dạng tháp và dạng nón đan xen với hệ thống 36 hồ nước lớn nhỏ liên thông nhau.
Nằm xen kẽ, bao quanh Mắt Thần Núi là các dãy núi đá trập trùng, bên dưới có các con suối uốn lượn bao bọc lấy thảm cỏ mênh mông, xanh mướt tạo nên vẻ đẹp độc đáo hiếm nơi nào có được…