Xăng tăng giá, dân văn phòng ở TP.HCM đạp xe, mang cơm trưa đi làm

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mỗi ngày, anh Khương đạp xe 6 km từ nhà ở quận 5 đến công ty tại quận 1. Dù chạy xe máy nhanh và tiết kiệm thời gian hơn, anh lại rất thích cảm giác thong dong trên chiếc xe đạp.

Giá xăng tăng từng ngày khiến chi phí sinh hoạt đắt đỏ theo nhưng lương, thu nhập gần như không đổi. Bên cạnh đó, khó khăn kinh tế vì dịch bệnh vẫn đeo bám nhiều lao động.

Trong hoàn cảnh này, dân văn phòng tại TP.HCM phải tìm cách thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó để ổn định cuộc sống trước "cơn bão giá".

Tự chuẩn bị cơm trưa

Sau khi nhận được món quà sinh nhật là một chiếc xe đạp vào giữa năm 2021, Nguyễn Ngọc Vân Anh (26 tuổi, ngụ ở quận 7) bắt đầu thói quen đạp xe thể dục vào buổi sáng sớm và chiều tối. Hiện tại, cô còn thường đạp xe tới siêu thị, đến phòng tập yoga và đi cà phê với bạn bè.

"Trước đây, có một lần tôi cũng thử đạp xe đi làm. Dù dư sức đạp từ nhà đến nơi làm việc ở quận 8, tôi thấy khá bất tiện vì đồ đạc lỉnh kỉnh và đổ nhiều mồ hôi nên đã từ bỏ".

Xăng tăng giá, dân văn phòng ở TP.HCM đạp xe, mang cơm trưa đi làm - 1

Vân Anh đạp xe tập thể dục sáng cuối tuần.

Như nhiều người sống độc thân khác, Vân Anh từng ít khi quan tâm đến giá xăng dầu. Nhưng trong thời gian gần đây, khi giá xăng tăng từng ngày và nghe bạn bè, đồng nghiệp bàn tán xôn xao, cô cũng để ý hơn.

"Trước đây, tôi tốn khoảng 500.000 đồng đổ xăng/tháng. Nhưng lần gần đây nhất, đổ xăng đầy bình hết 120.000 đồng, chưa bao giờ tốn nhiều tiền như vậy trong mỗi lần đổ nên cũng cảm thấy bất ngờ và lo lắng".

Tuy nhiên, Vân Anh cho biết mục đích chính của cô khi duy trì thói quen đạp xe là luyện tập sức khỏe, không hoàn toàn vì muốn tiết kiệm chi phí xăng xe.

Thay vào đó, để thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn khó khăn này, nữ nhân viên văn phòng thường tự chuẩn bị cơm trưa, hạn chế ăn bên ngoài và giảm bớt mua sắm mỹ phẩm, quần áo.

"Tôi sống theo quan điểm là những gì mình không thể tác động, không thể thay đổi thì sẽ tập bớt quan tâm cho nhẹ đầu. Giá xăng cũng vậy, tôi không thể làm cho nó giảm. Chi phí cho ăn uống thì sẽ tiết kiệm được khoảng 20%, không thể nhiều hơn vì đó là các khoản thiết yếu. Còn những thứ chưa thực sự cần như mua sắm thì tôi sẽ cố gắng hạn chế hết mức có thể".

Đi làm bằng xe đạp

Vài năm trở lại đây, anh Lê Tấn Khương (42 tuổi) đi làm bằng xe đạp thay vì chạy xe máy như trước. Mỗi ngày, anh mất khoảng 20 phút đạp xe từ nhà riêng ở quận 5 đến công ty trên đường Nguyễn Du (quận 1).

Dù di chuyển bằng xe máy sẽ nhanh và tiết kiệm thời gian hơn, anh Khương cho biết đạp xe lại mang đến cảm giác thoải mái, thong dong và giúp mình thoát khỏi "ác mộng" kẹt xe giờ cao điểm.

"Tôi đạp xe đi làm chủ yếu vì sở thích. Nhưng hiện tại, xăng tăng giá mỗi ngày thế này thì đạp xe cũng giúp tiết kiệm khá khá. Tôi thấy đi làm bằng xe máy cực kỳ hao xăng, nếu nhà ở xa công ty và chưa kể còn phải đưa đón con cái đi học".

Xăng tăng giá, dân văn phòng ở TP.HCM đạp xe, mang cơm trưa đi làm - 2

Anh Khương ăn trưa tại một quán ăn trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1).

Vào giờ ăn trưa, anh Khương thường đi bộ đến các quán cơm bình dân gần văn phòng, mỗi bữa ăn tốn khoảng 40.000-45.000 đồng. Thỉnh thoảng, anh thuê xe đạp công cộng rồi chạy đến các quán bún, phở ở xa hơn để đổi món.

"Thời gian gần đây tôi thấy một số quán điều chỉnh giá bán. Trong hoàn cảnh hiện tại thì cũng dễ hiểu. Với dân công sở thì mỗi người có một cách thích ứng riêng như đạp xe đi làm hay mang cơm trưa tới văn phòng. Thuyền lên thì nước lên, phải tập thích ứng thôi chứ biết làm sao giờ", anh Khương chia sẻ.

Hạn chế đặt đồ ăn

Thời gian dịch bùng phát, Nguyễn Lan Phương (25 tuổi, giáo viên) chủ yếu dạy học online. Thường xuyên ở nhà nên khoảng một tháng nay cô không phải đổ xăng cho xe máy.

Lan Phương tính toán trước đây đổ khoảng 100.000 đồng đã đầy bình, nay với số tiền đó có thể cô chỉ đổ được hơn nửa bình xăng.

Xăng tăng giá, dân văn phòng ở TP.HCM đạp xe, mang cơm trưa đi làm - 3

Nhân viên văn phòng chuẩn bị đồ ăn sẵn từ nhà để tiết kiệm chi phí. Ảnh: NVCC.

Do ít phải đi lại, nữ giáo viên không bị áp lực bởi giá xăng tăng liên tục, song cô lại bị ảnh hưởng ở khía cạnh khác đó là giá gas, dịch vụ giao hàng ăn uống bị đẩy lên cao.

“Mấy ngày gần đây, giá đơn đặt đồ ăn qua app đã tăng lên. Nếu ngày trước đặt món hết khoảng 45.000-47.000 đồng, đã áp mã giảm giá, thì giờ phải tốn 52.000-53.000 đồng. Dù chỉ nhỉnh lên khoảng 5.000 đồng nhưng ngày nào cũng đặt, tính ra tốn khá nhiều”.

Giá gas tăng đột biến cũng khiến Lan Phương giật mình. Cách đây 3 tháng, bình gas 12 kg chỉ có giá 360.000 đồng nhưng vừa thay bình mới, cô bất ngờ khi đã lên 450.000 đồng.

“Giờ đặt đồ ăn ở ngoài hay tự nấu ăn ở nhà cũng đều tốn kém”.

Không dạo phố bằng xe máy

Hà Huyền Phương (26 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết với mức thu nhập trung bình, cô khá áp lực khi giá xăng và nhiều mặt hàng đồng loạt tăng lên trong thời điểm này.

Sau thời gian dịch bệnh, thu nhập bị ảnh hưởng, Huyền Phương đã phải tính toán kỹ hơn các khoản chi tiêu hàng ngày.

Xăng tăng giá, dân văn phòng ở TP.HCM đạp xe, mang cơm trưa đi làm - 4

Huyền Phương phải giảm bớt thói quen chạy xe đi hóng gió để tiết kiệm tiền xăng.

“Thời gian này, tôi có một nỗi buồn mới khi nhìn kim xăng trên xe tụt xuống. Công việc yêu cầu lên văn phòng mỗi ngày nên tôi không tránh được khoản phí đổ xăng tăng lên. Trước đây, mỗi tháng tôi tốn 300.000 tiền đổ xăng, giờ chắc phải tăng lên 1,5 lần dù có hạn chế đi lại”.

Trước đây, Huyền Phương có sở thích chạy xe máy dạo phố, hóng gió mỗi khi rảnh rỗi. Đến lúc giá xăng tăng, cô phải giảm bớt thói quen này.

“Bình thường chạy xe đi dạo khoảng 30 phút thì nay tôi chỉ đi tầm 15 phút rồi về. Tôi thật sự nhớ giai đoạn trước, khi 45.000 đồng đã có thể đổ đầy bình xăng”.

Huyền Phương đang có ý định đổi xe mới vì chiếc xe hiện tại đã cũ và khá hao xăng. Bên cạnh mẫu mã, một trong những tiêu chí quan trọng khi cô chọn mua xe mới là dòng xe tiết kiệm nhiên liệu.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huệ Lâm - Đào Phương (Zing News)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.