Về Địa Linh, nơi "ông Táo" chào đời
Thoăn thoắt lấy đất sét cho vào chiếc khuôn, ông Nhật gạt phần đất thừa, nhanh tay lấy ít đất bù vào phần lõm rồi gõ mạnh, một tượng ông Công ông Táo ra đời.
Công việc này được ông Võ Văn Nhật lặp đi lặp lại như cái máy đã được lập trình sẵn. Chỉ trong một khoảng thời gian, xung quanh ông Nhật là vô số “ông Táo” còn thơm mùi đất.
Tượng ông Công ông Táo
Không chỉ gia đình ông Nhật mà một số ngôi nhà cạnh đó cũng đang ngày đêm “sản xuất” ra tượng ông Công ông Táo. Làng Địa Linh, thuộc phường Hương Vinh, thành phố Huế là nơi duy nhất ở Thừa Thiên Huế còn làm nghề đúc tượng ông Táo.
Từ Địa Linh, ông Táo đi khắp nơi, đến từng nhà trong dịp Tết ông Táo.
Từ đây, hàng vạn ông Táo đến từng nhà trong mỗi dịp ngày 23 tháng Chạp - ngày tiễn ông Táo về trời cầu mong sự hưng thịnh, may mắn cho gia đình.
Từ bao đời nay, người dân Địa Linh cần mẫn đúc ra tượng vị thần cai quản bếp núc. Những ngày tháng Chạp, hai bên đường ở Địa Linh có hàng nghìn ông Táo được người dân mang phơi nắng.
Đất sét được người dân chuẩn bị để nhào nặn, đúc ra bức tượng ông Táo
Trong ngôi nhà của mình, ông Võ Văn Nhật nhanh tay lấy đất sét cho vào khuôn gỗ có đục lõm tượng hai ông, một bà Táo. Tiếp đó, ông Nhật dùng nề làm bằng dây phanh xe tải gạt phần đất thừa, nếu bị lõm, cho thêm ít đất vào. Gõ chiếc khuôn vào khúc gỗ, một tượng ông Táo ra đời. Tiếp tục lấy tro rắc vào khuôn gỗ để ông Táo tiếp theo không bị dính đất. Cứ thế, ông Nhật tạo ra được khoảng 300 tượng/ngày.
Ông Nhật cần mẫn đúc tượng ông Táo
Có khoảng 40 năm theo nghề truyền thống của cha ông để lại, ông Nhật chia sẻ: “Để tượng ông Táo đẹp, bền, quan trọng và vất vả nhất là làm đất sét và đúc. Phải chọn loại đất sét vàng, ít tạp chất, sau đó, nhào đất chín. Khi nhồi vào khuôn, ép phải chặt nếu không thì tượng sau này bị méo. Còn loại tro phải màu trắng để bức tượng đẹp hơn”.
Công việc gắn bó với ông Nhật hàng chục năm qua
Nói xong, ông Nhật đặt một tượng vừa rời khỏi khuôn xuống những viên gạch đỏ để rút nước trước khi mang phơi. Sau đó, cả nghìn ông Táo được nung trong lò. Một mẻ nung ông Táo mất khoảng hai ngày và thêm hai ngày làm nguội.
Đối diện nhà ông Nhật, vợ chồng ông Võ Văn Nam cẩn thận xếp tượng vào lò nung. “Hơn nghìn bức tượng ông Táo được xếp thành từng hàng nhiều lớp, trên dưới xen kẽ. Giữa các lối có khoảng trống để lửa cháy đều, tránh bị nổ và vỡ nát khi nung”, ông Nam, người có hơn 30 năm làm nghề đúc tượng ông Táo, vừa xếp tượng vừa nói.
Hiện nay chỉ còn vài hộ gia đình theo nghề
Ông Táo sau khi ra lò được người dân Địa Linh trang trí bằng màu, rắc kim tuyến lên. Theo tìm hiểu, trước đây, tượng ít được trang trí. Những năm trở lại đây, nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, ông Táo được tô thêm lớp màu.
Từ đây, hàng vạn ông Táo đến từng gác bếp của người dân khắp nơi, cả trong và ngoài tỉnh.
Nung một mẻ ông Táo khoảng hai ngày, thêm hai ngày làm nguội
Các cụ cao niên kể thêm rằng, nghề làm tượng ông Táo ở tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời sớm nhất ở làng Địa Linh và làng Sình (thuộc huyện Phú Vang). Về sau, Địa Linh làm ông Táo, làng Sình chỉ làm áo ông Táo.
Trang trí tượng ông Táo
Trước đây, nhà nào ở Địa Linh hầu như cũng làm tượng ông Táo, còn hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo lãnh đạo UBND phường Hương Vinh, hiện làng này chỉ còn 4 hộ theo nghề. Do công việc vất vả trong khi thu nhập thấp, nhiều người dân không muốn theo nghề nữa nên nghề làm ông Táo dần mai một...
Sơn và bột kim tuyến
Các hộ dân còn lại làm tượng ông Táo để giữ cái nghề truyền thống của cha ông. Ngoài gắn bó với nghề đúc tượng ông Táo, họ còn kiếm thêm nghề khác để lo cuộc sống “cơm áo gạo tiền”.
Từ miếng đất sét, người dân “biến đất thành cơm” tạo ra ông Công ông Táo đi khắp nẻo đường. Rời ngôi làng gần cạnh sông Hương, âm thanh gõ gõ, mùi đất thơm ở Địa Linh cứ vang vọng đâu đây như báo hiệu một cái Tết đang đến thật gần...
Thứ bánh in ngũ sắc này nổi tiếng không chỉ vì từng được tiến Vua, mà nó còn đi vào đời sống, tâm thức của những...