Tiết trời xứ Huế se se lạnh. Trong căn nhà ba gian, bàn tay thoăn thoắt của người làng Thanh Tiên lần lượt cho ra đời biết bao bông hoa giấy rực rỡ màu sắc, báo hiệu một cái Tết lại về.
Tiết trời xứ Huế se se lạnh. Trong căn nhà ba gian, bàn tay thoăn thoắt của người làng Thanh Tiên lần lượt cho ra đời biết bao bông hoa giấy rực rỡ màu sắc, báo hiệu một cái Tết lại về.
Thanh Tiên là vùng quê yên bình nằm ở hạ lưu con sông Hương thơ mộng. Ngôi làng này thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hàng trăm năm qua, Thanh Tiên được du khách trong và ngoài nước biết đến với làng nghề làm hoa giấy tuyệt đẹp. Cái tên hoa giấy gắn liền với tên làng vang danh gần xa, ra khỏi phạm vi hình chữ S đến với bạn bè năm châu thông qua đông đảo du khách quốc tế ghé đến tham quan, mua quà lưu niệm tặng bạn bè và người thân.
Hoa giấy Thanh Tiên nổi tiếng khắp vùng.
Những bông hoa giấy báo hiệu cái Tết sắp về.
Thời gian dần trôi về cuối năm, người dân ở làng cũng bận rộn hơn với việc làm hoa giấy phục vụ thị trường dịp Tết. Những ngày tháng 12 âm lịch, các gia đình ở Thanh Tiên hoạt động tối đa công suất để làm ra bông hoa giấy rực rỡ sắc màu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cần mẫn bên khung cửa sổ với công việc làm hoa giấy.
Trong không gian xung quanh ngập tràn hoa giấy, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm tỉ mẩn với thứ giấy nhiều màu. Thoăn thoắt và cẩn thận, từ thứ giấy vô hồn ban đầu, qua bàn tay và khối óc của bà Tâm, một bông hoa giấy được thành hình, trông chẳng khác gì hoa thật là bao.
Đục cánh hoa giấy.
Hoa giấy rực rỡ sắc màu.
Theo bà Tâm, hàng chục năm qua, các thành viên trong gia đình bà đã làm nghề hoa giấy này. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, hàng nghìn đóa hoa giấy của gia đình bà len lỏi trên các nẻo đường, đến với các gia đình vui xuân đón Tết.
Nhiều loại hoa khác nhau.
Hình ảnh chông hoa giấy trên chiếc xe đạp, trên vai người bán xuất hiện ở các con phố như báo hiệu một thời khắc quan trọng sắp về - Tết đoàn viên. Những cành hoa giấy sẽ thay thế hoa cũ và được cắm lên am thờ, Trang Ông, Trang Bà và trên bếp trong ngày ông Táo về trời, Tết Nguyên đán tạo nên sự trang nghiêm nơi thờ tự.
Mỗi công đoạn cần mỗi yêu cầu khác nhau.
Người làm hoa giấy Thanh Tiên tiết lộ, để có cành hoa giấy với 5 màu (vàng, đỏ, lục, hồng, xanh), từ tháng 10, họ chuẩn bị tre và phơi nắng. Trải qua nhiều công đoạn từ đục hình hoa, tạo hình đến lấy tre làm cuống… bông hoa giấy mới thành hình. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận của người thợ.
Hoa giấy và hoa sen giấy là hai sản phẩm nổi tiếng của làng Thanh Tiên.
Chăm chỉ làm hoa giấy, ông Nguyễn Văn Hiến tâm sự: “Làm nghề này vất vả lắm vì phải trải qua nhiều khâu. Tôi làm nghề hoa giấy truyền thống này cũng đã hơn 30 năm rồi. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, công việc này bận rộn hơn cả.”
Ông Thân Văn Huy hướng dẫn du khách làm hoa sen giấy.
Cạnh những bông hoa giấy, nhiều năm trở lại đây, hoa sen giấy đã xuất hiện trở lại sau thời gian dài thất truyền. Nhìn từ xa, cứ như hoa sen thật. Nhiều người ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nó càng thán phục tài năng, sự khéo léo của người thợ.
Hoa sen giấy điểm tô vẻ đẹp cho đời.
Hơn 13 năm trước, một họa sĩ, nghệ nhân trong làng là ông Thân Văn Huy đã sáng tạo ra hoa sen giấy, khôi phục hoa sen giấy bị thất truyền hơn 60 năm. Sau đó, bắt tay truyền nghề cho người dân. Do hoa sen khó làm hơn hoa giấy nên có người biết làm. Một người thợ lành nghề làm ra khoảng từ 15 đến 20 bông/ngày.
Vị khách trải nghiệm một công đoạn làm hoa sen giấy.
Tỉ mẩn từng công đoạn.
Để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, làng hoa giấy Thanh Tiên sản xuất hàng chục nghìn cặp bông. Họ đam mê và muốn giữ nghề truyền thống của ông cha nên hằng năm đều làm hoa giấy. Bên cạnh đó, có một số người đã bỏ nghề, do công việc vất vả mà thu nhập cũng chỉ đủ sống…
Một hoa sen dần được hoàn thiện.
Năm 2015, làng hoa giấy Thanh Tiên được bình chọn là Làng nghề được yêu thích nhất Việt Nam.
Trong khi hoa giấy mang tính thời vụ (dịp Tết), hoa sen giấy được làm quanh năm, nhất là trong dịp năm mới. Ngoài thờ cúng, hoa sen giấy được cho vào bình hoa, lắp đèn điện để trang trí phòng khách hay tạo điểm nhấn cho căn phòng.
Con trai ông Nguyễn Hóa chăm chỉ làm hoa sen giấy.
Có hơn 40 năm theo nghề truyền thống này, ông Nguyễn Hóa cho hay, trước năm 2000, nghề hoa giấy có nguy cơ chững lại do hoa nhựa phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2000 trở lại, Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế và Festival làng nghề truyền thống nên hoa giấy được người dân khắp nơi biết đến. Từ đó, hoa giấy từng bước vực dậy.
Hoa sen giấy chưng vào bình hoa đẹp như hoa thật.
Ông Hóa nói: “Theo quan niệm của người dân Huế, hoa giấy là loại hoa tinh khiết, không có sự ảnh hưởng uế tạp do không dùng phân bón như hoa tươi hoặc dùng nhựa như hoa giả nên phù hợp trong việc thờ cúng. Ngoài ra, hoa giấy có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông. Tôi tin rằng, hoa giấy sẽ không bị mai một...”
Hoa sen giấy được trang trí trang trọng trên bàn thờ.
Chở những chông hoa giấy lên phố.
Các thế hệ ở làng hoa giấy Thanh Tiên ý thức rất rõ việc tiếp nối nghề làm hoa giấy của tổ tiên. Trong những ngôi nhà, bên cạnh thế hệ lớn tuổi, có một số người trẻ cũng đã phụ giúp ông bà, cha mẹ làm hoa giấy. Cứ thế, hàng trăm năm qua, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước tạo ra những bông hoa giấy truyền thống, làm cho cái Tết đậm đà hương vị dân tộc.