TP.HCM ưu đãi vốn vay cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP
Các chủ thể tham gia chương trình OCOP có thể được hỗ trợ lãi suất vay lên đến 100%.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là một chương trình quốc gia nhằm phát triển các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Quảng bá sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch
Để xây dựng nông thôn mới, trong nhiều năm qua TP.HCM đã có những chính sách hỗ trợ và ưu đãi nhằm giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hướng tới ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện chương trình OCOP.
Chủ thể có sản phẩm OCOP có thể được ưu đãi lãi suất vay lên đến 100%
Theo Quyết định 1943 phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, các chủ thể sản xuất OCOP sẽ được hỗ trợ các chính sách về vốn, cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực. Theo đó, ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tối đa 5 năm khi các chủ thể có nhu cầu vay vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm thuộc chương trình OCOP của Thành phố.
Đối với các chủ thể OCOP muốn vay vốn mục đích đầu tư mua giống, vật tư, nhiên liệu, thức ăn chăn nuôi, trả công cho người lao động thì ngân sách Thành phố hỗ trợ 60-80% lãi suất với thời hạn hỗ trợ lãi vay tối đa 36 tháng cho một phương án.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc chương trình OCOP của Thành phố sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ 60% lãi suất trong tối đa 36 tháng.
Nhờ các chính sách này, mà nhiều doanh nghiệp và chủ thể có thể đầu tư cơ sở hạ tầng và chế biến sản phẩm nhằm đáp ưng các tiêu chí đánh giá, công nhận cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Theo thống kê của UBNDTP thì tính đến ngày 20 tháng 9 năm 2021, Ủy ban nhân dân quận - huyện, Thành phố đã phê duyệt các phương án vay vốn đầu tư các sản phẩm OCOP với 1.835 lượt vay, tổng vốn đầu tư 2.126.408 triệu đồng, tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 1.290.135 triệu đồng. Bình quân vốn đầu tư/phương án là 1.158 triệu đồng; bình quân vốn vay/phương án là 703 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn 2019 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các quận huyện thực hiện tư vấn vận động thành lập mới 43 HTX, góp phần nâng số lượng HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề nông thôn lên 114 HTX.
Ngoài ra, để phát triển các mô hình kinh tế tập thể, thành phố chú trọng thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại HTX bằng việc ban hành chính sách hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020 (hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng/cán bộ có trình độ đại học; 0,8 triệu đồng/tháng/cán bộ có trình độ cao đẳng; hỗ trợ tối đa 02 cán bộ/hợp tác xã). Điều này giúp tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao có năng lực quản lý và sản xuất các sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn trong và ngoài nước.
Cùng với đó, các HTX nông nghiệp, dịch vụ thành lập mới trên địa bàn thành phố cũng được hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu tối đa 100 triệu đồng/hợp tác xã. Kết quả là đã có 33 HTX được nhận kinh phí hỗ trợ 2.708,24 triệu đồng (bình quân 82,1 triệu đồng/hợp tác xã). Riêng trong giai đoạn 2019 - 2020, đã có 14 hợp tác xã được nhận kinh phí hỗ trợ 1.383,5 triệu đồng.
Vẫn cần thêm nhiều cơ chế thông thoáng hơn để người nông dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
Mặc dù đã có những chủ thể OCOP được vay vốn ưu đãi và tạo ra những sản phẩm tốt, giúp mang lại thu nhập cho người nông dân trên địa bàn. Song để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho các chủ thể OCOP nhằm duy trì và nâng hạng sao đồng thời tăng thêm số lượng sản phẩm OCOP theo kế hoạch thì vẫn cần nhiều cơ chế thông thoáng hơn.
Ông Lưu Cẩm Hùng - Giám đốc HTX hoa lan Đa Phước (huyện Bình Chánh) cho biết, do diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng nên các HTX, doanh nghiệp đều có nhu cầu chuyển đổi sang các mô hình công nghệ cao và xây dựng thương hiệu cho nông sản. Thế nhưng, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường đòi hỏi nguồn vốn lớn.
Mặc dù được chính quyền địa phương hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhưng theo yêu cầu của Ngân hàng, doanh nghiệp phải tài sản thế chấp. Tuy nhiên, việc định giá tài sản là đất nông nghiệp lại rất thấp, mức định giá tài sản còn nhiều bất cập. Vì thế, các chính sách dù đưa ra mức lãi suất hỗ trợ khá hấp dẫn song các hộ thành viên trong HTX cũng không được vay nhiều.
Ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức) cho rằng, rất nhiều đơn vị làm nông nghiệp ở TP.HCM có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn từ Trung ương hoặc từ các ngân hàng thương mại bỏ ra để hỗ trợ phải tương tác với nguồn vốn của đơn vị sản xuất kinh doanh. Đây là điểm nghẽn khiến nhiều HTX khó tiếp cận vốn vay khi không có tài sản thế chấp đủ lớn.
Ngoài khó khăn về tài sản thế chấp, các HTX chưa được đào tạo bài bản về xây dựng phương án kinh doanh. Theo TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thông II (TP.HCM), các ngân hàng chưa mạnh dạn rót vốn đầu tư có nguyên nhân từ phương án kinh doanh của HTX chưa khả thi.
Để giải bài toán này, ngoài nỗ lực nâng cao năng lực nghiệp vụ cho HTX thì ngân hàng phải hỗ trợ tập huấn cho các lực lượng cán bộ tín dụng hiểu hơn về các mô hình và hoạt động của HTX. Từ đó, ngân hàng xây dựng cho các HTX phương án kinh doanh tốt. Khi các HTX đã có phương án khả thi thì khả năng thu hồi vốn của ngân hàng sẽ lớn hơn.
Đánh giá về chính sách ưu đãi dành cho nông nghiệp, bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết đây là chính sách rất hiệu quả được Sở NNPTNT TP.HCM triển khai hơn 10 năm nay trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Sở NNPTNT TP.HCM sẽ tiếp tục tham mưu UBND trình HĐND TP triển khai chính sách này giai đoạn đến năm 2030.