TP.HCM triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Thành phố có 66 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 27 sản phẩm hạng 4 sao và 39 sản phẩm hạng 3 sao.

TP.HCM mở rộng chương trình OCOP

Sau 5 năm triển khai đồng bộ, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang có sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trên cả nước, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới. 

TP.HCM triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP - 1

Hiện chương trình OCOP tại TP HCM đã được mở rộng hơn về phạm vi, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, gồm hộ sản xuất, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp ở tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức tham gia (giai đoạn trước giới hạn phạm vi ở 5 huyện ngoại thành). Sự mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của TP.HCM đang tập trung nhiều ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và TP.Thủ Đức.

Theo thống kê, đến nay toàn TP HCM có 66 sản phẩm trên địa bàn 4 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ được công nhận sản phẩm OCOP TP HCM. Trong đó, năm 2021 có 11 chủ thể với 27 sản phẩm được công nhận (21 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm 3 sao) và 1 sản phẩm đề xuất Trung ương đánh giá, công nhận 5 sao; năm 2022 có 11 chủ thể với 39 sản phẩm (15 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao).

Công tác kiểm tra và giám sát cần được tăng cường

Tuy nhiên, qua theo dõi ở nhiều địa phương cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được công nhận chưa được quan tâm, chú trọng; việc sử dụng logo OCOP trên sản phẩm OCOP còn một số bất cập, như: sử dụng logo OCOP chưa đúng với sản phẩm được công nhận OCOP; sử dụng logo OCOP cho các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng); sử dụng logo OCOP không đúng theo quy định,…

TP.HCM triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP - 2

Do đó, để nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu của các sản phẩm OCOP, Thành phố đã ban hành các chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm này theo Công văn số 337/VPĐP-OCOP ngày 30 tháng 5 năm 2023 của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Công văn số 2390/SNN-VPĐP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, Thành phố quy định cấp quận/huyện đánh giá và công nhận sản phẩm hạng 3 sao; cấp Thành phố đánh giá và công nhận sản phẩm hạng 4 sao; Trung ương xem xét, đánh giá, công nhận sản phẩm hạng 5 sao. Thời gian hết hạn công nhận là 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định.

Ngoài ra, Thành phố yêu cầu các chủ thể OCOP sử dụng logo OCOP đúng loại sản phẩm và hạng sao đã được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm OCOP đã hết hạn mà chưa được công nhận lại hoặc có sự thay đổi về mức đạt sao sau khi đánh giá, công nhận lại sản phẩm; kiên quyết xử lý, cung cấp thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối và cơ quan quản lý thị trường đối với những chủ thể OCOP cố tình sử dụng không đúng quy định.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ thể OCOP, các đơn vị phân phối và người tiêu dùng về giá trị sản phẩm, hình ảnh logo OCOP góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường.

Thành phố cũng khẩn trương thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm và tổ chức đánh giá theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (đối với các đơn vị cấp huyện chưa thành lập). Đồng thời, khẩn trương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm khi nhận được hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP của các chủ thể trên địa bàn (nếu có). Đối với các sản phẩm đánh giá cấp huyện (quận/huyện/thành phố Thủ Đức) đạt từ 4 sao trở lên (từ 70 điểm trở lên) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổ chức, triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy định.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT