TP.HCM phát triển OCOP theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hoá

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nông nghiệp đô thị đang là đòn bẩy giúp nông dân TP.HCM phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Xây dựng nông thôn mới theo hướng phát huy nội sinh, liên kết sản xuất và gia tăng giá trị

Mặc dù là đô thị lớn nhất cả nước, TP.HCM hiện vẫn còn có 121.313 ha diện tích đất nông nghiệp (số liệu năm 2008). Do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đô thị hóa diễn ra rất nhanh, đặc biệt trong 15 năm gần đây, nên diện tích đất nông nghiệp giảm liên tục hằng năm. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm TP giảm 700ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000ha.

TP.HCM phát triển OCOP theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hoá - 1

Sản phẩm nông nghiệp thay đổi diện mạo vùng nông thôn TP.HCM.

Tuy nhiên, giá trị sản xuất trên 1ha đất vẫn tăng hằng năm. Năm 2015, giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 375 triệu đồng/ha/năm. Theo Trung tâm (Quản lý nông nghiệp công nghệ cao (AHTP), GRDP ngành nông nghiệp TP.HCM tăng từ 3.413 tỉ đồng (năm 2010) lên 4.462 tỉ đồng năm 2015.

Kết quả này giúp tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,51%/năm và tăng lên 5.268 tỉ đồng năm 2020, đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,38%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP nông nghiệp cả nước (2,54%/năm).

Một trong những hành động nhằm nâng cao giá trị nông sản, giá tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn, từ năm 2019, UBND TP.HCM đã triển khai Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) theo Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 919 phê duyệt Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của Chương trình OCOP tại TP.HCM là phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình cũng nhằm xây dựng, phát triển nông thôn theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhằm phát triển và khuyến khích các chủ thể tham gia nhiều hơn vào Chương trình OCOP, TP. HCM đã có những hoạt động nhằm biểu dương, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt 3 sao, 4 sao như: Lễ công bố công nhận 27 sản phẩm OCOP năm 2021, Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP, Hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, chợ phiên nông sản cuối tuần...

TP.HCM phát triển OCOP theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hoá - 2

Trung tâm quảng bá sản phẩm OCOP tại TP.HCM.

Đồng thời, các Sở, ngành của Thành phố đã làm việc với các hệ thống siêu thị để có khuôn viên riêng dành cho các sản phẩm OCOP; làm việc với các tỉnh khu vực Tây Nam bộ, khu vực Tây Nguyên kích cầu du lịch, qua đó giới thiệu các phẩm OCOP của TP. Hồ Chí Minh với du khách.

Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia chương trình cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi như: ưu đãi về vay vốn xây dựng cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn cán bộ; Hỗ trợ về công nghệ, chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Sau 5 năm triển khai, đến nay toàn TP HCM có 66 sản phẩm trên địa bàn 4 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ được công nhận sản phẩm OCOP TP HCM. Trong đó, năm 2021 có 11 chủ thể với 27 sản phẩm được công nhận (21 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm 3 sao) và 1 sản phẩm đề xuất Trung ương đánh giá, công nhận 5 sao; năm 2022 có 11 chủ thể với 39 sản phẩm (15 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao).

Lý giải về điều này, bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) cho rằng có 4 nguyên nhân chính, đó là do tốc độ đô thị hóa ở TP.HCM diễn ra nhanh chóng khiến diện tích sản xuất đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố còn thấp nên sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền của Thành phố so với các tỉnh không nhiều.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm mang tính chất đặc trưng của Thành phố do bị vướng về nguồn gốc nguồn nguyên liệu, pháp lý về tư cách pháp nhân, đối tượng công nhận nên chưa đáp ứng được tiêu chí công nhận sản phẩm OCOP như Bánh tráng, rau móp, hoa lan, cây cảnh, cá kiểng, dịch vụ du lịch cộng đồng…

Thêm vào đó, Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2021 chỉ thực hiện giới hạn tại 5 huyện ngoại thành nên số lượng sản phẩm cũng bị hạn chế. Hơn nữa, trước đó chưa có phân quyền cho địa phương đánh giá công nhận sản phẩm nên việc phát hiện và đánh giá còn bị giới hạn.

Tuy nhiên, xác định OCOP là một chương trình dài hạn để phát triển bền vững kinh tế khu vực nông thôn, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, Thành phố chủ trương phát triển sản phẩm OCOP dù chậm nhưng phải chất lượng, phải độc đáo và quan trọng hơn là sản phẩm sau khi đạt chứng nhận phải được nâng tầm hơn, có đầu ra tốt hơn.

Theo định hướng, Thành phố sẽ phát triển sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp đô thị thông minh và phát triển chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, thành phố hiện có những sản phẩm tiềm năng để tham gia Chương trình OCOP trong thời gian tới. Với những chủ trương và quy định mới hiện nay, Thành phố có thể tăng số lượng sản phẩm OCOP nhờ sự vào cuộc hỗ trợ và kết nối của các ngành chức năng, đồng thời ngày càng nâng cao giá trị sản phẩm.

Phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu và "nâng tầm giá trị"

Mặc dù không có lợi thế về diện tích đất nông nghiệp, song bà Hoàng Thị Mai cho rằng, TP.HCM cũng có những lợi thế đặc thù nếu khai thác theo chiều sâu có thể giúp tăng số lượng sản phẩm cũng như nâng tầm giá trị cho sản phẩm.

TP.HCM được biết đến là cửa ngõ giao thương, buôn bán và du lịch, do đó, để gia tăng số lượng và giá trị sản phẩm, thành phố sẽ hướng đến việc phát triển các sản phẩm mang tính sáng tạo (giao thoa vùng miền như cà phê trái cây đã được công nhận), sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Thành phố có vùng trái cây, vùng sản xuất hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống,..- đây là những sản phẩm mang lợi thế của Thành phố.

TP.HCM phát triển OCOP theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hoá - 3

Thêm mô hình giới thiệu sản phẩm OCOP tại TP.HCM

Bên cạnh đó, để có thể phát triển mạnh về số lượng sản phẩm OCOP trong thời gian tới, TP đã ban hành Quyết định mới về việc triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025 với nhiều điểm mới, cụ thể:

Thứ nhất, Thành phố đã mở rộng phạm vi tham gia Chương trình OCOP. Thay vì chỉ có 05 huyện như trước đây thì hiện nay, chương trình đã được được mở rộng trên toàn địa bàn Thành phố, bao gồm các quận và Thành phố Thủ Đức.

Thứ hai, Thành phố đã mở rộng về đối tượng công nhận sản phẩm OCOP, nếu như trước đây chỉ tập trung vào 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, làng nghề nông thôn thì hiện nay mở rộng ở 6 nhóm đối tượng sản phẩm (trong đó có bổ sung nhóm ngành sinh vật cảnh, gồm: Hoa, cây cảnh, động vật cảnh).

Thứ ba, Thành phố đã phân cấp đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP. Trước đây, cấp Thành phố sẽ thực hiện đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm 03, 04 sao. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định mới, cấp huyện (huyện/quận/thành phố Thủ Đức) sẽ đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm 3 sao. Điều này, giúp địa phương chủ động công tác tuyên truyền về Chương trình và phát hiện những sản phẩm đặc trưng và chủ động đánh giá, công nhận theo phân cấp.

TP.HCM phát triển OCOP theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hoá - 4

Sản phẩm OCOP tại TP.HCM

Theo cập nhật hiện nay, Nhà Bè đã đánh giá, thông qua hội đồng cấp huyện, đang hoàn thiện hồ sơ công nhận cho 2 sản phẩm (Nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, nước đông trùng hạ thảo. Quận Bình Thạnh chuẩn bị đánh giá công nhận cho 17 sản phẩm (chế biến từ thịt heo thảo mộc), dự kiến tháng 8 năm 2023. Tương tự trong năm 2023, dự kiến Củ Chi có thêm 10 sản phẩm, Nhà Bè 10 sản phẩm, Bình Chánh 23 sản phẩm, Cần Giờ có thêm 30 sản phẩm, quận 12 có 4 sản phẩm (chế biến từ cá sấu), Thủ Đức có 2 sản phẩm. Như vậy, trong năm 2023, dự kiến, Thành phố sẽ có thêm tối thiểu gần 100 sản phẩm (98 sản phẩm) OCOP đánh giá, phân hạng cấp 3 sao trở lên.

Bên cạnh việc phát triển số lượng sản phẩm theo đặc thù địa phương thì việc quan trọng hơn là phải nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người nông dân gia tăng thu nhập. Để làm được điều đó, việc hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm cần được quan tâm đẩy mạnh.

Để nâng cao giá trị và tăng mức độ nhận diện, độ tin cậy của sản phẩm OCOP, các quy trình đánh giá sản phẩm OCOP được thực hiện với nhiều tiêu chí khắt khe như: sản phẩm phải có câu chuyện, phải chứng minh được xuất xứ, chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất; bao bì, nhãn mác sản phẩm phải đẹp, bắt mắt phù hợp với xu hướng, yêu cầu của người tiêu dùng; về giá trị của sản phẩm, phải tính toán được nguồn thu đã và đang mang về từ sản phẩm, dự kiến những năm sau…

Đây cũng là một bảo chứng giúp sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn. Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên chia sẻ: "Lý do người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm này xuất phát từ chỗ sản phẩm có nguồn nguyên liệu địa phương, đặc sản địa phương, được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thông qua chế biến sâu, gia tăng giá trị phục vụ người tiêu dùng.

Trước đây, các sản phẩm của Xuân Nguyên đã vào được nhiều hệ thống siêu thị nhưng kể từ khi các sản phẩm được công nhận OCOP, kênh bán lẻ qua siêu thị tiếp tục được mở rộng hơn. Hiện hầu hết hệ thống siêu thị hiện nay đều có sản phẩm của Xuân Nguyên”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty XNK Thiên Nhiên Việt (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) - đánh giá, trước đây sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến nhưng từ khi được gắn sao OCOP, sản phẩm càng tiêu thụ được nhiều hơn, bởi đã được cơ quan chức năng đánh giá nghiêm ngặt trước khi quyết định gắn sao.

Trong khi đó bộ 5 sản phẩm cà phê nông sản gồm cà phê xoài, cà phê khoai môn, cà phê bạc hà, cà phê trái nhàu và cà phê dừa mang thương hiệu Meet More của Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu dù đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới song ở thị trường nội địa lại khá mới. Tuy nhiên việc được xếp hạng OCOP 4 sao đã giúp những sản phẩm này có một bước tiến mới tại thị trường nội địa.

Chương trình OCOP là chương trình tận dụng lợi thế của địa phương về nguồn nguyên liệu, đặc trưng vùng miền nên sản phẩm OCOP không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn mang cả giá trị tinh thần, giá trị văn hóa của địa phương đó. Vì vậy, thành phố yêu cầu các địa phương cần chú trọng việc đánh giá, phân hạng sản phẩm theo chiều sâu, ưu tiên sản phẩm đặc trưng, đặc sản của từng địa phương, lựa chọn sản phẩm mang tính đại diện cho địa phương để đánh giá, tránh trường hợp dàn trải và chạy theo số lượng. Như vậy, mỗi sản phẩm OCOP mới có thể được coi là “sứ giả văn hóa” của địa phương đó.

Nhằm phát triển và khuyến khích các chủ thể tham gia nhiều hơn vào Chương trình OCOP, TP. HCM đã có những hoạt động nhằm biểu dương, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt 3 sao, 4 sao như: Lễ công bố công nhận sản phẩm OCOP, Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP, Hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, chợ phiên nông sản cuối tuần...

Đồng thời, các Sở, ngành của Thành phố đã làm việc với các hệ thống siêu thị như Saigon Co-op, Satra Mart…và hỗ trợ bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, như: ketnoiocop.vn, portal.ocop247.vn, PostMart.vn, Voso.vn, Tiki, Lazada, Shopee, Sendo,…

Bên cạnh việc hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP được hưởng chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất lượng từ đó giá tăng giá trị sản phẩm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT