TP.HCM mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm OCOP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product - Chương trình OCOP) tại TP.HCM được triển khai từ năm 2019 đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với các đặc điểm chung là xuất phát từ nguồn nguyên liệu địa phương, đặc sản địa phương, được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thông qua chế biến sâu, gia tăng giá trị phục vụ người tiêu dùng; các sản phẩm được gắn sao OCOP đã được sự tin tưởng lựa chọn của người tiêu dùng.

TP.HCM mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm OCOP - 1

Sản phẩm OCOP vào siêu thị tại TP.HCM

Những cái tên như cà phê trái cây Meet More, bột rau má sấy lạnh, yến sào Cần Giờ, bưởi da xanh Bình Chánh…đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến rộng rãi nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đây cũng là điểm thuận lợi mà nhiều chủ thể sản xuất tại TP.HCM có được kể từ khi sản phẩm được gắn sao OCOP.

Trước đây sản phẩm mật ong rừng sữa ong chúa và hà thủ ô của Công ty Xuân Nguyên chỉ vào được vài siêu thị nhưng kể từ khi được công nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), hầu hết các hệ thống siêu thị lớn hiện nay đều có sản phẩm.

Chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty XNK Thiên Nhiên Việt, đánh giá trước đây, sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến thì nhờ được gắn sao OCOP, sản phẩm càng tiêu thụ được nhiều hơn, bởi đã được cơ quan chức năng đánh giá nghiêm ngặt trước khi quyết định gắn sao.

Sau một thời gian đánh giá chất lượng và nhu cầu, mới đây, sản phẩm bột rau sấy lạnh đạt OCOP 4 sao của công ty này cũng đã lên kệ các siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op. Với độ phủ rộng của siêu thị, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều kênh để mua sản phẩm hơn.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, để hỗ trợ khâu đầu ra, TP.HCM đã tổ chức lễ ký kết giữa Satra, Saigon Co.op với các chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP nhằm đưa các sản phẩm này vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

TP.HCM mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm OCOP - 2

Thương hiệu cafe Meetmore lên kệ hàng ở siêu thị nước ngoài.

Với các sản phẩm đã được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, TP.HCM sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá để người dân trong và ngoài TP biết đến thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP trong và ngoài TP, như chợ phiên nông sản an toàn, hội chợ, hội nghị triển lãm, hội thi của ngành nông nghiệp, các sự kiện, chương trình do Sở Du lịch, Sở Công Thương tổ chức. Trong giai đoạn 2019-2020, bình quân mỗi năm, Sở đã tổ chức 146 phiên chợ nông sản tại khu vực đông dân cư, quảng bá sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của TP.HCM.

Bên cạnh việc đưa sản phẩm vào các kênh truyền thống, Thành phố cũng hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, mekongexpo.vn, foodmap.asia, ketnoicungcau.vn, tiki.vn, lazada.vn, shopee.vn…

Thành phố cũng đã ký kết Biên bản Ghi nhớ Hợp tác Xây dựng Chương trình: "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP", "Thương hiệu Nông sản Cần Giờ," "Sàn Giao dịch thịt lợn Thành phố Hồ Chí Minh."

Cũng theo chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty XNK Thiên Nhiên Việt cho biết, hệ thống phân phối hiện nay mở rộng khá nhiều so với giai đoạn trước. Ngoài kết nối đưa sản phẩm vào các siêu thị thì các sản phẩm OCOP 4 sao của công ty hiện nay gồm bột rau má không đường Orama, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen và bột chùm ngây đã "lên sàn" thương mại điện tử.

Theo chị Hương, việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử khiến các khách hàng đã sử dụng các loại bột rau của công ty dễ dàng ngồi tại nhà, chọn mua và được giao tận nơi. Trong khi đó, nhờ sàn thương mại điện tử, công ty cũng tiếp cận được thêm nhiều khách hàng mới từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) cho biết: "Sản phẩm của chúng tôi hầu như đã phủ đầy đủ các sàn thương mại điện tử. Các sàn cũng hỗ trợ nhiệt tình các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp với những sản phẩm chất lượng. Kênh thương mại điện tử giúp chúng tôi tiếp cận tệp khách hàng mới, nhất là khách hàng tại khu vực đô thị".

Trên sàn thương mại điện tử chuyên về nông sản Foodmap, sản phẩm mật dừa nước đạt chuẩn OCOP 4 sao và đường dừa nước (sản phẩm mới của Vietnipa) xuất hiện trong "khu vực" đặc sản vùng miền. Nhiều khách hàng để lại đánh giá tích cực về chất lượng mật dừa nước cũng như tốc độ giao hàng nhanh - một tiêu chí quan trọng, được khách hàng yêu thích khi mua sắm qua kênh thương mại điện tử.

Đề án Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định 1943 của UBND TP.HCM ngày 8/6/2022) cũng xác định đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử là nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh mới.

Theo đó, ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, Sở NNPTNT, Sở Công Thương cũng hỗ trợ về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, phát triển thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử trong việc mở rộng thị trường, gồm xây dựng website, tập huấn, đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến, livestream và các nội dung ứng dụng thương mại điện tử khác có liên quan.

Trong nhiều năm liền, xác định triển khai hiệu quả chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm nên TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP như: Hỗ trợ công nghệ tạo sản phẩm, vay vốn tín dụng, liên kết phát triển, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm... góp phần nâng cao chất lượng, số lượng và cả thương hiệu của sản phẩm, tăng thu nhập hộ dân vùng nông thôn.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh có 66 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (36 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 30 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao). Một số sản phẩm của Thành phố đang trong quá trình xem xét, đánh giá và kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn 5 sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT