Tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chương trình OCOP tại TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chương trình OCOP tại TP.HCM đã vượt qua nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai. Mặc dù đã ghi dấu ấn với sự phát triển đáng kể của nhiều sản phẩm địa phương, nhưng những câu chuyện từ doanh nghiệp và chuyên gia cùng những thành công và thách thức mà họ đã trải qua vẫn là điểm đáng chú ý.

Sự nổi bật của các thương hiệu đạt chứng nhận OCOP

Trong vài năm trở lại đây, nhiều thương hiệu đã đạt chứng nhận OCOP tại TP.HCM đã nổi bật không chỉ trên thị trường nội địa mà còn ghi điểm tại các thị trường quốc tế khó tính.

Tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chương trình OCOP tại TP.HCM - 1

Sản phẩm bột rau má uống liền của công ty Thiên Nhiên Việt tham gia triển lãm tại TP.HCM.

Các sản phẩm sản phẩm bột rau sấy lạnh của Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt được công nhận Ocop 4 sao hiện nay đã có mặt tại các kênh bán lẻ khắp cả nước, các cửa hàng thực phẩm sạch và đặc biệt là đã xúc tiến xuất khẩu thành công sang nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Âu khác. Hay như Cà phê Meetmore của cộng ty Liên kết Thương mại Toàn cầu có mặt trên 20 thị trường thế giới .

Chất lượng sản phẩm: Bài toàn không dễ giải

Một trong những khó khăn lớn nhất đối diện với các sản phẩm OCOP tại TP.HCM là đảm bảo chất lượng. Theo quyết định số 1292 của UBND TP.HCM, các sản phẩm OCOP phải đánh giá và phân hạng từ 3 sao trở lên theo bộ tiêu chí gồm 7 nhóm, bao gồm cả tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác, quản lý chất lượng, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và môi trường, cùng sự sáng tạo và độc đáo.

Điều này đã đặt ra một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp và tổ hợp tác, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp như rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh, cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh) - một doanh nghiệp đã đạt 4 sao OCOP, đã chia sẻ về những khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng này.

Tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chương trình OCOP tại TP.HCM - 2

Loạt sản phẩm đạt chứng nhạn OCOP của Công ty Cổ Phần Tập đoàn Xuân Nguyên.

Ông nói: "Chúng tôi đã phải trải qua nhiều cấp đánh giá (huyện, tỉnh, Trung ương) với Hội đồng đánh giá chuyên nghiệp gồm nhiều ngành: Y tế, công thương, tài chính, môi trường... Riêng đối với các sản phẩm OCOP 4 sao trở lên, chúng tôi còn phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO...".

Điều này khiến cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như người nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và đạt được chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.

Khó khăn trong xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP

Mặc dù nhiều sản phẩm OCOP tại TP.HCM đã đạt chất lượng cao, nhưng chúng vẫn chưa được biết đến rộng rãi và thị phần của họ so với các sản phẩm cùng loại từ các địa phương khác vẫn còn nhỏ.

Nhiều người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác hiện vẫn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng trong việc tiếp cận thị trường và khách hàng. Liên kết trong chuỗi giá trị sản phẩm OCOP cũng chưa mạnh mẽ. Cần có các biện pháp hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan quản lý nhà nước để xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP.

Bà Đỗ Thị Dậu, Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ của SATRA, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động truyền thông và quảng bá sản phẩm OCOP. Việc này là rất cần thiết để đảm bảo rằng người tiêu dùng hiểu về Chương trình OCOP, những sản phẩm OCOP có sẵn, và từ đó, họ có thể chấp nhận việc mua các sản phẩm OCOP, dù giá có cao hơn so với các sản phẩm cùng loại.

Tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chương trình OCOP tại TP.HCM - 3

Bà Đỗ Thị Dậu - Trưởng Ban quản lý Hệ thống bán lẻ SATRA 

Ngoài ra, các sản phẩm OCOP hiện vẫn phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm khác tại các siêu thị, thiếu điểm độc đáo và ưu tiên cụ thể để tiếp thị các sản phẩm đặc sản địa phương.

Còn đối với doanh nghiệp có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu đã chia sẻ về khó khăn trong việc quảng bá và tiếp thị sản phẩm OCOP.

Ông cho biết " Chúng tôi đã gặp phải tình trạng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hiểu biết về sản phẩm OCOP là gì. Điều này gây ra khó khăn trong việc thuyết phục họ chi tiêu cho các sản phẩm OCOP. Đồng thời, các sản phẩm OCOP vẫn phải chia sẻ không gian trưng bày với nhiều sản phẩm khác tại các siêu thị, chưa có sự ưu tiên đặc biệt để quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương".

Tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chương trình OCOP tại TP.HCM - 4

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu với gian hàng cà phê Meet More trong một siêu thị tại Trung Quốc.

Ông Luận cũng đề xuất việc thiết lập một lộ trình truyền thông cụ thể cho Chương trình OCOP, tập trung vào việc giới thiệu hiệu quả của chương trình này, cũng như tạo ra sự nhận thức và ưu tiên trong tâm trí của người tiêu dùng.

Hướng điểm cải thiện và khắc phục

Trung ương cũng đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg  về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, trong đó đã phân quyền, giao cho Ủy ban nhân dân cấp quận huyện đánh giá, phân hạng và công nhận đối với sản phẩm OCOP 3 sao. Điều này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đối tham gia phát triển và giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong thời gian tới.

Ngoài ra, để hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, TP.HCM cũng đã phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021- 2025, theo đó đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của từng sở ngành, đoàn thể trong việc hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

Bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) TP.HCM cho biết, Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đang tiến hành quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử như ketnoiocop.vn, portal.ocop247.vn, PostMart.vn, Voso.vn.

Tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chương trình OCOP tại TP.HCM - 5

Bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT TP.HCM) - Ảnh Nguyễn Thủy 

Ngoài ra, các chủ thể sản xuất cũng được khuyến khích tham gia tích cực trong việc phân phối sản phẩm OCOP qua các trang thương mại điện tử khác như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo và nhiều trang khác.

“Để sản phẩm OCOP của TP.HCM trở nên phổ biến và được ủng hộ nhiều hơn trong tương lai, cần tiếp tục tuyên truyền và quảng bá để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý chương trình OCOP ở mọi cấp, từ Thành phố, huyện đến xã, cũng như của người dân về mục tiêu và ý nghĩa của việc tham gia vào Chương trình OCOP” bà Mai nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh năng lực của các chủ thể OCOP trong tổ chức, quản lý, chế biến và tiếp thị sản phẩm, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp với sở thích của người tiêu dùng. Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu OCOP Thành phố và thực hiện công tác xúc tiến thương mại và quảng bá một cách đồng bộ, thường xuyên, để mở rộng thị trường trong nước và tiếp cận thị trường quốc tế.

Hơn nữa, về chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất cho UBND TP.HCM ban hành các chính sách hỗ trợ về lãi suất vay để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, hướng tới việc nâng cấp sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao lên hạng 4 sao và cao hơn.

Điều này sẽ là một biện pháp hỗ trợ cụ thể, khuyến khích các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm OCOP với chất lượng tốt nhất.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT