Sau sáp nhập, Quảng Ngãi mới sẽ có hai sân bay được đề xuất xây dựng dự kiến ở đặc khu Lý Sơn và Măng Đen thúc đẩy phát triển du lịch cất cánh.
Theo đề án sáp nhập, hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi được lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, có trung tâm hành chính tại Quảng Ngãi. Tỉnh này sau khi sáp nhập có diện tích gần 15.000 km2, quy mô dân số gần 1,9 triệu người.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi (mới) có nhiều lợi thế phát triển kinh tế, vừa có biển vừa có rừng. Đặc biệt, trước khi sáp nhập, hai địa phương này từng được đề xuất xây dựng hai sân bay Lý Sơn và Măng Đen.
Tại cuộc họp báo quý 1/2025 chiều 26/4, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thông tin Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương nghiên cứu về kiến nghị đầu tư sân bay Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi.
Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi, trong đó nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.
Ngoài ra, theo Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đô thị Lý Sơn, định hướng quy hoạch sân bay Lý Sơn có diện tích hơn 161 ha (bao gồm cả diện tích dự kiến xây dựng sân bay và hạ tầng kỹ thuật kèm theo), thuộc địa bàn An Hải, đảo Lý Sơn.
Ông Phạm Việt Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thêm phương án quy hoạch lấn biển là để đảm bảo các thông số kỹ thuật của sân bay và an toàn cho máy bay khi cất cánh, hạ cánh và xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sân bay. Việc lấn biển cũng phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi và quy hoạch xây dựng đô thị Lý Sơn đã được phê duyệt.
Trước đó, tháng 12/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải tiến hành lập điều chỉnh, bổ sung và trình Thủ tướng theo quy định của pháp luật về quy hoạch đối với quy hoạch hai cảng hàng không Măng Đen và Vân Phong. Khi triển khai thực hiện phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện các yếu tố kinh tế - kỹ thuật.
Sân bay Măng Đen được nghiên cứu sơ bộ có cấp sân bay 4C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), công suất dự kiến đến năm 2030 khoảng 1 triệu khách/năm và định hướng đầu tư, khai thác với công suất cao hơn sau năm 2030.
Sơ bộ tổng mức đầu tư sân bay Măng Đen giai đoạn đầu hơn 4.900 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách cho giải phóng mặt bằng 327 tỉ đồng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Ngoài lợi thế về du lịch, sân bay Măng Đen còn góp phần đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh công tác tuần tra, kiểm soát vùng biên giới và công tác cứu hộ, cứu nạn.