Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng TP.HCM hấp dẫn du khách tại hội chợ OCOP 2024

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chương trình OCOP đang tạo ra một làn sóng mới, không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn thúc đẩy du lịch nông thôn, mang lại lợi ích kinh tế xã hội đáng kể.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP đang được Trung ương, các địa phương xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. 

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh cho biết, chương trình OCOP đã khai thác tối đa tiềm năng của các địa phương, tạo ra những sản phẩm đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa. Sản phẩm OCOP không chỉ là hàng hóa mà còn là những câu chuyện về cuộc sống của người dân, về truyền thống của từng vùng miền. Ông Phương Đình Anh nhấn mạnh mối quan hệ "hữu cơ" giữa OCOP và du lịch nông thôn. Ví dụ, một sản phẩm mật ong OCOP đặc sản của vùng cao có thể được giới thiệu trong tour du lịch trải nghiệm làm mật ong, giúp du khách hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất và thưởng thức sản phẩm. Điều này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương.

TP.HCM, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và tiềm năng du lịch lớn, đã tìm thấy một giải pháp tối ưu: kết hợp phát triển sản phẩm OCOP với kinh tế du lịch. Điều này không chỉ giúp tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư mà còn làm phong phú thêm các chương trình du lịch của thành phố.

Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 16/5 đến 20/5 tại Nhà thiếu nhi TP Thủ Đức, do Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cùng UBND TP Thủ Đức phối hợp thực hiện. Sự kiện không chỉ giới thiệu đa dạng các sản phẩm từ ẩm thực đến chăm sóc sức khỏe mà còn mang đến nhiều bất ngờ cho du khách.

Đưa món ăn lên “tầm cao mới”

Tại hội chợ ngoài các mặt hàng từ ăn uống đến chăm sóc sức khỏe như: các loại trà, nông sản, thực phẩm chế biến từ nông sản, thủy sản, hải sản, hàng tiểu thủ công nghiệp…, chúng tôi còn bất ngờ với gian gian hàng của chú Nguyễn Mạnh Hùng, chủ cơ sở kinh doanh ẩm thực Mười Dũng (huyện Hóc Môn, TP.HCM).

Nơi đây, được chú Hùng trưng bày những chiếc niêu đất, kèm theo là các món ăn như: cá trắm kho riềng, nem cua bể. Khi đến gần, chúng tôi cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các món ăn này, khiến chiếc bụng đôi phần… cồn cào.

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng TP.HCM hấp dẫn du khách tại hội chợ OCOP 2024 - 1

Cá trắm kho riềng, nem cua bể đạt chuẩn OCOP

Chú Hùng cho hay: “Trước đây, tôi chủ yếu kinh doanh quán ăn, tập trung vào các món ở miền Bắc, trong đó có cá trắm kho riềng, nem cua bể. Nhờ chế biến theo công thức gia truyền nên món ăn này được nhiều thực khách ủng hộ”.

Tại gian hàng, chú Hùng cùng nhân viên chăm chút từng khâu từ trưng bày thiết kế đến chuẩn bị món ăn để cho khác tham quan thưởng thức. Đầu năm 2024, 2 sản phẩm cá trắm kho riềng và nem cua bể được công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện (đạt sản phẩm OCOP 3 sao).

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng TP.HCM hấp dẫn du khách tại hội chợ OCOP 2024 - 2

Những chiếc niêu kho cá của cơ sở sản xuất Mười Dũng

“Sau thời gian làm việc với chính quyền địa phương, tôi biết được ý nghĩa, cũng như muốn những món ăn được chứng nhận OCOP. Điều này giúp sản phẩm của cơ sở được nâng lên “tầm cao mới” và mọi người biết đến nhiều hơn. Đây cũng là “bằng chứng” thể hiện món ăn đạt chất lượng”, chú Hùng hào hứng nói.

Theo như tìm hiểu, nguyên liệu làm cá trắm kho riềng gồm: Cá trắm đen, riềng, gừng, chanh, ớt trái, hành, củ tím, củ nghệ, màu điều, nước cua đồng, nước mắm nguyên chất, hạt nêm, bột ngọt.

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng TP.HCM hấp dẫn du khách tại hội chợ OCOP 2024 - 3

Mỗi món ăn đều có những công thức chế biến đặc trưng

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng TP.HCM hấp dẫn du khách tại hội chợ OCOP 2024 - 4

“Phải những con cá vẫn còn đang bơi. Một con cá tươi sẽ có mình thuôn thân chắc, đầu và thân cân đối. Khi thả cá vào nước, cá sẽ ngay lập tức chìm xuống và quẫy mạnh. Tổng thời gian sơ chế, ướp và kho cá lên đến 14 tiếng đồng hồ”, chú Hùng bật mí thêm thông tin về món cá trắm kho riềng đạt chuẩn OCOP.

Còn món nem cua bể có màu vàng ruộm, cắn nhẹ giòn tan, nhân bên trong mềm ngọt từ thịt cua cùng các loại rau củ quả giòn. “Bí kíp để nem giòn rụm là khi nem đã vàng đều thì tăng nhiệt để giúp nem thoát dầu không bị ngấy và giòn ngon”, chú Hùng nói thêm.

Chăm chút hơn trong từng sản phẩm

Tại hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP lần 1 năm 2024, có nhiều gian hàng về cây cảnh, bonsai, đồ mỹ nghệ. Ấn tượng nhất là gian hàng của anh Đậu Thanh Tùng, chủ cơ sở sản xuất dừa bonsai ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Từ những trái dừa khô, anh Tùng đã “hô biến” thành sản phẩm bonsai tuyệt đẹp, mang những hình dáng của 12 con giáp. Đặc biệt là sản phẩm dừa bonsai thủy canh sinh trưởng hoàn toàn trong nước. Bên trên, phần gáo dừa vẫn bóng loáng, đâm chồi lá xanh tốt, cứng cáp và đẹp mắt. Bên dưới là bộ rễ vàng trắng đồ sộ, chia làm nhiều nhánh con, đâm thẳng xuống nước.

“Mình chỉ dùng nước bình thường để nuôi bonsai dừa, không có công thức gì đặc biệt…”, anh Tùng bộc bạch.

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng TP.HCM hấp dẫn du khách tại hội chợ OCOP 2024 - 5

Anh Tùng bên những sản phẩm bonsai dừa

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng TP.HCM hấp dẫn du khách tại hội chợ OCOP 2024 - 6

Khách tham quan bonsai dừa tại hội chợ

“Sau khi trải qua nhiều quá trình làm hồ sơ, kiểm duyệt thì sản phẩm dừa bonsai thủy cảnh, 12 con giáp bên mình đã đạt chuẩn OCOP. Và mình thật sự vui mừng khi được tham gia những hội chợ, triển lãm mà TP.HCM tổ chức như thế. Đây là dịp để mọi người biết đến nhiều hơn sản phẩm của mình”, anh Tùng cho hay.

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng TP.HCM hấp dẫn du khách tại hội chợ OCOP 2024 - 7

Bonsai dừa hình thú ngộ nghĩnh, đáng yêu

Sau khi đạt chuẩn OCOP, anh Tùng chăm chút hơn trong từng sản phẩm bonsai dừa, sáng tạo ra những mẫu mã mới. “Muốn làm những bonsai dừa đẹp trước tiên phải chọn những giống phù hợp, chất lượng sau đó đem đi ươm, tạo dáng rồi mới chăm chút cho bên ngoài và cuối cùng là công đoạn tạo hình con giáp gắn lên trên”, anh Tùng nói.

“Giá bán sản sẩn phẩm bonsai dừa tại cơ sở hay ở các hội chợ đều như nhau, dao động từ vài trăm đến gần 3 triệu đồng/sản phẩm”, anh Tùng chia sẻ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Sang

CLIP HOT