Phong Nha, mùa lá chuyển màu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Người Phong Nha gọi đó là cây đón Tết. Bởi giữa đại ngàn thâm u, chỉ cần nhìn thấy bóng dáng cây đổi màu nổi bật lên giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi, lòng sẽ thấy ấm áp nghĩ về một cái Tết sung túc sắp sửa đến gần.

Với người làm du lịch, họ lại nghĩ đến một ngày thật gần, khách phương xa sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây lá chuyển màu, để thấy vùng đất di sản này vẫn đẹp lung linh ngay trong những ngày cuối đông giá rét.

Cây đón Tết

Sinh ra và lớn lên tại làng Phong Nha (nay là thị trấn Phong Nha,Bố Trạch), Nguyễn Văn Úy (34 tuổi) đã quen với những chuyến ngược xuôi giữa rừng. Ngày còn nhỏ, vào rừng mưu sinh trong những ngày mùa đông lạnh ngắt, Úy đã nhìn thấy những thân cây lớn nhỏ đổi màu lá, từ hồng, chuyển dần sang đỏ, rồi vàng và lại xanh. Đó là loại cây thân gỗ, mọc rải rác giữa cánh rừng từ độ cao 40-50m lên đến đỉnh núi. Có thân cây to bằng hai người ôm. Cây bắt đầu đổi màu lá từ tháng 10 đến hết tháng 1 dương lịch. “Cứ thế, hết 3 chu kỳ cây chuyển màu lá, Tết sẽ đến”, Úy gật gù kể.

Sau này, làm trợ lý an toàn cho các tour du lịch mạo hiểm của Công ty TNHH Jungle Boss, Úy càng có nhiều cơ hội được ngược vào rừng, chiêm ngưỡng đại ngàn dưới một tâm thế và góc nhìn thật khác. Mùa đông năm nay, bằng thiết bị flycam, Úy đã nhìn ngắm cánh rừng gắn bó với tuổi trẻ của mình bằng cái nhìn toàn cảnh hơn. Và thật ngạc nhiên, dưới góc máy flycam, cây đổi màu mà người dân Phong Nha vẫn thường gọi là cây đón Tết nổi bật giữa bạt ngàn màu xanh của cánh rừng già. 

Phong Nha, mùa lá chuyển màu - 1

Cây đón Tết của người dân Phong Nha còn có tên gọi là Thích lá quế. Ảnh: Jungle Boss

“Nhìn qua hình ảnh flycam, tự nhiên tôi chững lại vì bất ngờ trước vẻ đẹp mà bản thân đang được chiêm ngưỡng. Cũng là gốc cây quen thuộc mà hầu như năm nào cũng nhìn thấy trong các chuyến dẫn khách vào rừng, nhưng hôm nay, chúng nổi bật giữa mênh mông rừng xanh, đẹp lạ lùng”, Úy hào hứng tâm sự.

Ra khỏi rừng, Úy háo hức chia sẻ những hình ảnh mình ghi lại được về cây đổi màu lên trang cá nhân và các diễn đàn du lịch. Những bức ảnh ở một góc nhìn thật khác về Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đã thu hút hàng trăm lượt chia sẻ và những cảm nhận đầy thích thú, đặc biệt là khách phương xa.

Không chỉ với Úy, mà với những ai gắn bó với vùng đất Phong Nha này, cây đổi màu trên các ngọn núi đá vôi dọc đại ngàn thăm thẳm kia đã gắn bó với những chuyến ngược rừng mỗi độ đông về, Tết đến. Với họ, trong mỗi bận xuôi ngược giữa rừng, chỉ cần nhìn thấy dáng cây với những cụm lá đỏ rực giữa mênh mông đại ngàn, lòng đã thấy ấm áp lạ. Bởi đôi ba lần cây chuyển màu lá là báo hiệu về một năm cũ sắp qua đi, năm mới lại về và tràn đầy hy vọng rằng vất vả ngày cũ sẽ lùi lại phía sau.

Ông Hồ Bắc (65 tuổi, thôn 1, thị trấn Phong Nha) đã có gần 40 năm gắn bó với các cánh rừng, quen thuộc với những cây lá đỏ rực mỗi mùa đông đến. “Có những ngày ròng rã trong rừng, không có khái niệm về thời gian nhưng chỉ cần nhìn thấy cây đổi màu là nghĩ ngay rằng sắp đến Tết và tự nhiên lòng thấy vui vui. Mong giống cây ni sẽ được nhân giống ở ngay dọc các con đường ở thị trấn để người dân, đặc biệt là du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó”, ông Bắc hy vọng.

Nhân giống cây-nhân lên hy vọng

Khi nhìn thấy những hình ảnh về cây đổi màu, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc VQG PN-KB đã trực tiếp chỉ đạo cán bộ thuộc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thực hiện ngay việc tiếp cận điều tra, khảo sát loài cây có giá trị cảnh quan nổi bật này. Một kế hoạch bảo tồn và nhân giống cây nhanh chóng ra đời.

Sau những ngày thực địa tại rừng núi đá vôi thuộc VQG PN-KB, các cán bộ của trung tâm đã tiếp cận được các cây đổi màu mà người dân địa phương vẫn thường gọi là cây đón Tết.

Phong Nha, mùa lá chuyển màu - 2

Những người làm du lịch hy vọng một ngày không xa, những đoàn khách sẽ ngược vào rừng, cùng nhìn ngắm cây lá chuyển màu. Trong ảnh: Du khách khám phá Vườn QG PN-KB. Ảnh: Jungle Boss

Theo anh Lê Thuận Kiên, Trưởng bộ phận nghiên cứu, bảo tồn sinh vật, loài cây này có tên là Thích lá quế. Cây họ Thích gồm nhiều loài cây có đặc điểm lá thay đổi theo mùa với nhiều màu sắc lá khác nhau, từ màu đỏ nâu sang màu xanh đến màu vàng… thường phân bố chủ yếu và được coi là biểu tượng của các nước ở vùng ôn đới, nơi có khí hậu lạnh giá, như: Nhật Bản, Hàn Quốc; châu Âu, châu Mỹ. Nhiều loài cây trong họ này mặc dù sống ở vùng ôn đới nhưng khi du nhập vào các nước có khí hậu nhiệt đới lại có khả năng sinh trưởng và phát triển khá tốt. Vì vậy, một số loài trong họ này đượcnhân giống thành công để trồng ở các công viên, đường phố, khu nghỉ dưỡng, nhà ở, trường học…

“Thích lá quế phân bố rải rác trong hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi của VQG PN-KB. Loài cây này có tán đẹp, cành lá sum suê, có tính đặc trưng riêng biệt và rất dễ nhận biết qua màu sắc biến đổi của cành lá. Cây rụng lá hoàn toàn theo mùa và do tính chuyển màu nên loại cây này mang những giá trị cảnh quan đặc sắc, nổi bật của hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi”, anh Kiên khẳng định. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu thực địa, các cán bộ trung tâm đã phát hiện Thích lá quế có khả năng tái sinh rất kém trên núi đá vôi.

“Tại hiện trường quan sát, chúng tôi chỉ thấy duy nhất một cây tái sinh có chiều cao khoảng 1m. Vậy nên, cần có kế hoạch nhân giống bằng phương pháp hữu tính, góp phần bảo tồn và phát triển loài cây có giá trị đặc trưng này”, anh Kiên cho biết thêm.

Phong Nha, mùa lá chuyển màu - 3

Cây đón Tết rực rỡ khoe sắc giữa núi rừng Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: Jungle Boss

Tuy chỉ là một loài cây bản địa thông thường nhưng với sự biến đổi kỳ diệu của màu sắc cành lá lúc giao mùa, Thích lá quế không chỉ có tầm quan trọng trong hệ sinh thái VQG PN-KB mà sẽ là điểm đặc biệt thu hút khách du lịch tham quan, khám phá nếu có kế hoạch nhân giống phù hợp. Vậy nên, những người làm du lịch như anh Úy lại ấp ủ dự định vào một ngày không xa, các đoàn khách sẽ ngược vào rừng, cùng nhìn ngắm cây lá chuyển màu. Còn người Phong Nha lại nuôi hy vọng cây đón Tết sẽ hiện diện ở các con đường, dọc đôi bờ sông Son.

PN-KB ngày cuối đông. Sông Son vẫn lặng lẽ trôi giữa se sắt đất trời. Sau một năm chật vật bởi dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch địa phương, người Phong Nha vẫn lạc quan nghĩ về năm mới cùng biết bao hy vọng tràn đầy. Khi ấy, mọi khó khăn sẽ dần qua đi, du lịch sẽ vui trở lại tựa như cây đón Tết vẫn rực rỡ giữa núi rừng lạnh lẽo lúc đông về.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Diệu Hương (Báo Quảng Bình)

CLIP HOT