Nông dân thế hệ mới với mô hình kiểng lá đô thị
TP.HCM đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành hoa, cây kiểng với nhiều tiềm năng và cơ hội mở rộng. Bên cạnh những loại cây kiểng truyền thống như hoa lan, hoa mai, thành phố còn nổi lên những loại kiểng lá phù hợp với xu hướng đô thị hóa.
Một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu chính là mô hình trồng kiểng lá của chị Nguyễn Thị Hà Thu, Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ hoa kiểng phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM.
Kiểng lá - Xu hướng của đô thị xanh
Theo chị Hà Thu, trong bối cảnh con người ngày càng quan tâm đến thiên nhiên và các không gian xanh, kiểng lá đang trở thành lựa chọn hàng đầu trong việc trang trí các công trình đô thị.
“Với mục tiêu hướng tới một đô thị xanh, không phát thải, cây xanh và các công trình xanh đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, tiềm năng của ngành kiểng lá là rất lớn. Chúng tôi hướng tới việc đưa thiên nhiên vào cuộc sống đô thị,” chị Thu chia sẻ.
Vườn ươm của chị hiện rộng hơn 1.000m², được trang bị hệ thống nhà lưới và phun sương tự động để kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm. Nơi đây nuôi dưỡng khoảng 200 loài kiểng lá khác nhau như trầu bà Nam Mỹ, hồng môn, dương xỉ, và tổ rồng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Mô hình kinh tế tập thể tiên phong
Sau ba năm hoạt động, Tổ hợp tác dịch vụ hoa kiểng của chị Thu đã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, đồng thời quy mô ngày càng được mở rộng. Đây là một trong những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu của quận 12, với hướng đi nông nghiệp đô thị, tiết kiệm diện tích và tạo ra giá trị kinh tế cao.
Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, ông Lê Minh Dũng tham quan vườn lá kiểng
Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, ông Lê Minh Dũng, sau khi tham quan mô hình của chị Thu, đã đánh giá cao sự sáng tạo và nhạy bén của những nông dân trẻ như chị trong việc bắt kịp xu thế.
Ông cho rằng đây là mô hình nâng cao giá trị kinh tế cho kiểng lá, bao gồm việc kết hợp giữa sản xuất và du lịch, xây dựng mô hình vườn kiểng lá kết hợp với quán cà phê và phát triển các sản phẩm lưu niệm có thương hiệu riêng.