Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những “người thầy đặc biệt” này luôn muốn các em nhỏ hiểu được tiếng dân tộc Chăm, giúp các em giữ gìn tiếng nói và chữ viết của mình, lưu giữ nét đẹp văn hóa, nối dài truyền thống của dân tộc.

Sáng bán lưới, chiều lên lớp

Đúng 19 giờ mỗi ngày (trừ thứ 5) lớp học tiếng Chăm miễn phí tại Thánh đường Hồi giáo Jamia Al Sa’adah (trên đường Bình Tiên, P.7, Q.6, TP.HCM) lại nhộn nhịp tiếng nói cười của các em nhỏ dân tộc Chăm. Lớp học này chủ yếu là các em trên địa bàn và người đứng lớp là anh Mohamad Zen (người dân tộc Chăm) Trưởng Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Jamia alSa’adah.

Lớp học được anh Mohamad Zen bố trí bên hông giảng đường với những chiếc bàn nhỏ để các em kê sách. Tuy không gian có phần chật hẹp nhưng vẫn đủ để các em ngồi học thoải mái.

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 1

Ngồi bệt dưới nền gạch, hướng dẫn tận tình từng cách phát âm tiếng Chăm cho các em, anh Mohamad Zen chia sẻ: “Tại thánh đường, các em tiếp cận với kinh Qur’an (Koran). Riêng tiếng dân tộc Chăm được phân thành các cấp bậc: Qidam (ráp từ chữ cái), Alphatyhah (học các bài lễ trong ngày), A’quran và Tajawid (học ngữ pháp), A’quran và Kytab (học tôn giáo). Tôi mong muốn giúp các em học được kinh, biết hành lễ, sâu xa hơn là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc người Chăm. Với tôi, là người Chăm phải biết chữ, biết nói tiếng dân tộc Chăm”.

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 2

Anh Mohamad Zen (người dân tộc Chăm) Trưởng Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Jamia alSa’adah

Quê ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, anh Mohamad Zen học hết cấp tiểu học rồi nghỉ, đi làm đủ thứ việc để phụ giúp gia đình. Thời gian rảnh, anh Mohamad Zen đến thánh đường để học viết, đọc thêm tiếng Chăm song song với kiến thức văn hóa, xã hội.

“Thấy hình ảnh Toul (tiếng Chăm nghĩa là người thầy – PV) đã từng hướng dẫn mình học tiếng Chăm, đạo đức, cách đối nhân xử thế nên luôn muốn trở thành người thầy dạy cho các em nhỏ như thế”, anh Mohamad Zen nói.

Hiện tại công việc chính của anh Mohamad Zen là kinh doanh lưới đánh cá (tại chợ Kim Biên, Q.5, TP.HCM). Đến chiều, anh sắp xếp lại công việc, đóng cửa hàng, khoác lên mình bộ trang phục truyền thống rồi đến lớp dạy tiếng Chăm.

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 3

Dù không có bằng cấp hay nghiệp vụ sư phạm nhưng chúng tôi thấy rõ sự tâm huyết của anh dành cho lớp học này. Anh đã “đứng lớp” gần 10 năm qua, giúp nhiều em đồng bào Chăm nắm rõ tiếng dân tộc của mình.

“Ở lớp này còn nhiều thầy kỳ cựu, yêu “nghề” lắm. Họ tình nguyện dạy, không lấy phí. Ai có thời gian rảnh là đứng ra dạy các em học tiếng Chăm. Ngoài tiếng Chăm mọi người còn dạy thêm kiến thức về các hoạt động văn hóa vùng miền, xã hội. Đồng thời, giải nghĩa một số từ tiếng Việt mà các em chưa biết hoặc chưa hiểu”, anh nói.

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 4

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 5

Được gọi bằng “thầy” lòng anh Mohamad Zen bồi hồi, cảm xúc và hạnh phúc vô cùng. Lấy động lực này, anh luôn cố gắng mỗi ngày để các em hiểu hơn về tiếng Chăm, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Mỗi ngày đến lớp là khoảnh khắc các em gắn bó với cộng đồng trong bộ trang phục đặc trưng, cùng tiếng nói và chữ viết riêng của đồng bào dân tộc Chăm.

Em Mohamad Saifullah (học lớp 6 trường THCS Văn Thân, Q.6, TP.HCM) tự tin giới thiệu bản thân khi chúng tôi bắt chuyện. “Vừa đi học về là em thay đồ truyền thống để lên thánh đường học tiếng Chăm. Thầy Mohamad Zen dạy tiếng Chăm dễ hiểu và em cảm thấy rất vui khi được thầy dạy học miễn phí”, em Mohamad Saifullah nói.

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 6

Em Mohamad Saifullah

“Em cũng hay chia sẻ tiếng Chăm, trang phục, nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc mình đến với các bạn cùng lớp”, Mohamad Saifullah bộc bạch.

Nhờ những hành động thiết thức, anh Mohamad Zen đã được Ban dân tộc TP.HCM khen tặng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2019 – 2024.

Để con cháu người Chăm trở thành người có ích cho xã hội

Ngồi bên chiếc bàn nhỏ, dáng người cao, gầy cùng với đôi bàn tay thô ráp, mỗi ngày anh Du So (55 tuổi, dân tộc Chăm), Trưởng ban thánh đường Chăm Malaysia - Madrasah - Noor Al – Islam (P.13, Q.3, TP.HCM) vẫn không ngừng nắn nót chữ, truyền dạy cho con em đồng bào Chăm, giữ gìn văn hóa dân tộc.

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 7Anh Du So (55 tuổi, dân tộc Chăm), Trưởng ban thánh đường Chăm Malaysia - Madrasah - Noor Al – Islam (P.13, Q.3, TP.HCM)

Lớp học tiếng Chăm của anh Do So diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ, vào buổi sáng các ngày 2,4,6. Lớp học này được anh Do So và các Toul khác mượn không gian tại thánh đường. Tuy hơi chật chội và có phần oi bức mỗi khi trời nắng nhưng nhìn các em nhỏ say sưa đọc tiếng Chăm là anh Do So quên đi những mệt nhọc ngoài kia.

“Tôi luôn muốn các em nhỏ dân tộc Chăm hiểu về văn hóa mình. Không chỉ đọc mà còn biết viết rạch ròi tiếng Chăm. Chúng tôi luôn cố gắng dạy bằng tâm huyết. Dù có khó khăn nhưng các thầy ở đây không nhận một đồng bồi dưỡng nào”, anh Du So nói.

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 8

Anh Du So học hết cấp tiểu học rồi nghỉ, đi làm, phụ giúp gia đình. Những kiến thức về tiếng Chăm hay văn hóa dân tộc anh học từ ông cha thời trước.

“Mình làm tự do nên cũng dễ sắp xếp thời gian. Có những ngày mình còn chủ động xin công ty xếp lịch làm để có thời gian dạy tiếng Chăm cho các em”, anh Du So kể.

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 9

Nhờ lớp học của các Toul và anh Du So, hầu hết các em nhỏ dân tộc Chăm tại P.13, Q.3, TP,HCM, đã biết đọc, biết viết chữ Chăm.

Anh Du So tâm sự: “Tôi rất mừng vì đã giúp cho đồng bào Chăm biết chữ Chăm. Có chữ viết rồi, văn hóa Chăm sẽ được lưu truyền bền vững. Tôi chỉ mong những thế hệ tôi trao truyền dạy lại cho thế hệ mai sau để không bị mai một”.

Ngoài dạy chữ Chăm, nhắc nhở mọi người phải biết lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, anh Du So còn vun đắp đạo lý, đạo đức làm người để con cháu người Chăm trở thành người có ích cho xã hội. Anh còn truyền dạy Hukum (tức giáo luật của người Chăm) lề lối của tôn giáo, vận động bà con trong cộng đồng sống đẹp với xã hội, hài hòa giữa đạo và đời.

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 10

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại khu dân cư, anh Mohamad Zen hay anh Du So cũng đã tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương các hoạt động như: bảo tồn ngôn ngữ phi vật thể, giới thiệu phong tục tập quán của người Chăm đến cộng đồng thông qua việc tổ chức các đợt ẩm thực dân gian, triển lãm trang phục truyền thống, phong tục đám cưới, các nghi thức hành lễ và Tháng chay Ramadan.

Ngoài giúp các em giữ gìn tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình cũng như lưu giữ nét đẹp văn hóa, nối dài truyền thống của dân tộc. Những “người thầy đặc biệt” này còn cố gắng, động viên nhau cùng sinh sống, lao động, giữ gìn mối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.

Những ‘người thầy đặc biệt’ tại lớp học tiếng Chăm miễn phí - 11

Bà Bùi Thị Tuyết Ngân, Phó Chủ tịch UBND P.13, Q.3, TP.HCM, đánh gia cao những nỗ lực của anh Du So với cộng đồng dân tộc Chăm tại địa phương, đặc biệt là dạy tiếng Chăm miễn phí. Ngoài ra anh Du So còn làm tốt công tác đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn.

“Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, làm tốt chính sách dân tộc như: Thực hiện thường xuyên các chính sách giải quyết việc làm, chính sách dạy nghề, trợ vốn, chính sách giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số…”, bà Tuyết Ngân cho hay.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Sang

CLIP HOT