Nhà rông văn hóa… chết yểu
Với việc làm nhà rông văn hóa ở Tây Nguyên thời ấy, người ta đã bứng nhà rông ra khỏi không gian của nó, biến nó thành một một cái vỏ nhà vô hồn mang dáng dấp nhà rông. Và nó chết yểu.
Bên cạnh 2 nhà rông văn hóa, bà con Làng Kép 2 huyện Chư Pah vẫn làm nhà rông truyền thống ở giữa để sinh hoạt
Có một dạo người ta rất thích phóng đại từ văn hóa, cái gì cũng gắn cho văn hóa, làng văn hóa ấp văn hóa thôn văn hóa gia đình văn hóa công sở văn hóa trường học văn hóa vân vân. Rồi văn hóa rượu cần, văn hóa cồng chiêng, văn hóa tượng mồ... Tôi từng là thành viên trong ban chỉ đạo văn hóa cấp tỉnh, có lần họp tôi tẩn mẩn hỏi: thế có gia đình nào không văn hóa không? Và những cái giấy chúng ta cấp đây, họ để đâu cho hết?
Nhà rông văn hóa ra đời sớm hơn các loại văn hóa tôi vừa kể.
Chả biết từ đâu nó có hẳn những quy định rất cụ thể để cái nhà rông của dân làng thành thiết chế văn hóa.
Nó tồn tại một thời gian khá dài, phải vài chục năm rồi mới từ từ... im lặng. Im lặng chứ không biến mất, mà nó vẫn dầm sương dãi nắng ở chùm ảnh tôi đăng kèm bài này.
Lễ mừng khánh thành một cái nhà rông văn hóa ở huyện Chư Prông
Nó "chết" là bởi mấy lý do chính sau, là chỉ nói tới giá trị sử dụng chứ chưa nói tới yếu tố tâm linh mà vì nó, các làng đều phải cố gắng bằng mọi giá để làng mình có ngôi nhà rông và coi nó là trái tim của làng.
Nhà rông đa phần là sàn le hoặc nếu bằng ván gỗ thì có rất nhiều kẽ hở. Các kẽ hở ở sàn có rất nhiều công dụng. Chống rệp, gõ thật mạnh rệp rơi xuống dưới sàn hết. Chân đất bước lên rất sạch. Uống rượu cần nước (bắt buộc phải sóng sánh ra ngoài) rơi xuống sàn, không đọng lại và khô ngay. Hút thuốc tàn có chỗ rơi, nhổ (bà con rất hay nhổ vì thói quen và cũng vì hút thuốc rất nặng) xuống kẽ, ăn uống bỏ xương rơi xuống vân vân...
Cái nhà rông văn hóa không có những điều ấy.
Rồi không có chỗ để bếp lửa. Khi vào làm ở khu du lịch Một thoáng Việt Nam, việc đầu tiên tôi yêu cầu là đốt lửa 24/24 ở cái bếp của nhà rông đã có sẵn ở đấy. Nó có rất nhiều tác dụng. Việc này thì người Việt ở nông thôn cũng làm, và cả thế giới làm khi mà có triết gia cho rằng là Promete là vị thần đầu tiên tuẫn tiết trên tấm lịch triết học.
Nhà rông văn hóa không thể có bếp lửa, nó không có trong... danh mục thiết chế. Cái bếp trong nhà rông truyền thông nó hết sức kỳ công và cả... bí ẩn, không phải ai cũng có thể làm, nó có nguyên tắc có quy chuẩn để trên cái sàn bằng le ấy, cái bếp cháy suốt ngày đêm, đượm và ấm, rất nhiều lúc không có người trông, mà không cháy lan, mà tự tắt khi không có người chăm sóc, tro than vun vào một chỗ rất gọn.
Cúng nhà rông văn hóa
Quan trọng hơn, cái nhà rông văn hóa ấy, nó không của làng nào cả.
Nhớ lần đầu tiên tôi đi công tác ở Đăk Glei, giờ thuộc Kon Tum, hồi cuối năm 1981, mới lên Tây Nguyên nhận việc. Đi nửa ngày trong rừng thấy một cái nhà, chính là trường học, trơ trọi giữa thung lũng, xung quanh chả có làng có dân gì, mà trường này là của 3 làng. Khi hỏi sao không làm ở một làng nào đấy cho ấm cúng, các cô đỡ sợ, hồi ấy còn hoang vu lắm, có cả fulro nữa, và người Jẻ Triêng thì có tục thiên táng, người chết họ mang xác gác lên cây. Mà bất cứ chỗ nào có cây là đều có thể là nơi gác xác.
Mà thời ấy rừng miên man mù mịt, rất dễ bước chân ra là gặp... xác, các cô giáo giải thích, bà con Tây Nguyên chỉ "xài" cái gì của làng mình, không thì chia đều. Nếu đưa trường về một làng thì 2 làng kia không cho con tới học, nên phải chọn một địa điểm chia đều. Thế nên buổi tối khi học trò về hết, trường còn trơ trọi 3 cô. Mà đến làng gần nhất là... 2 tiếng đồng hồ. Sợ thì phải chịu, biết làm sao giờ?
Vậy nên cái nhà rông văn hóa, cuối cùng lại của mấy ông bà cán bộ xã.
Nhà rông văn hóa xã Ayun Mang Yang, Gia Lai
Tôi chứng kiến từ đầu việc người ta làm cái nhà rông văn hóa ở xã Ayun, huyện Mang Yang, nơi có làng Bông (Plei Bông). Đây là làng của ông họa sĩ Tây Nguyên nổi tiếng. Ông họa sĩ Xu Man này từng là ủy viên ban chấp hành hội Mỹ thuật VN 2 khóa, học hội họa ở Hà Nội, từng đi nước ngoài, nhưng về hưu là về làng ở. Và tất nhiên ông được vời vào làm cố vấn cho việc làm nhà rông văn hóa cho xã ông.
Nó cách làng ông không xa, nhưng khi làm xong thì ông không bao giờ đặt chân lên ngôi nhà rông ấy, dù có lần chúng tôi mời ông ra đấy để phỏng vấn về... nhà rông. Cạnh nhà ông, ở làng ấy, có ngôi nhà rông truyền thống và bà con vẫn sinh hoạt ở đấy như xa xưa từng vậy.
Lại còn cái món tặng nhau nhà rông. Tỉnh Gia Lai Kon Tum thời khó khăn nhất, để tỏ lòng yêu mến thủ đô, đã tặng Hà Nội ngôi nhà rông ở công viên Lê Nin. May sao, xin lỗi nếu tôi quá lời, nó cháy, chứ nếu không nó rất chỏi giữa thủ đô. Và sau đấy Hà Nội cũng tặng lại Gia Lai một ngôi nhà rông, chính là cái nhà rông xã Gào đăng kèm ở bài kỳ trước.
Tức là, bằng việc làm hệ thống nhà rông văn hóa ở Tây Nguyên thời ấy, người ta đã bứng nhà rông ra khỏi không gian của nó, biến nó thành một một cái vỏ nhà vô hồn mang dáng dấp nhà rông. Và nó chết yểu.
Nhà rông truyền thống. Ảnh: Huy Tịnh
Người đầu tiên khiến nó chết yểu chính là ông Sô Lây Tăng, bí thư tỉnh ủy Kon Tum tôi nhắc ở kỳ trước. Sau cái hội thảo về nhà rông, tỉnh ủy Kon tum có hẳn một cái nghị quyết về việc giữ gìn bản sắc nhà rông truyền thống (tôi không nhớ nguyên văn tên nghị quyết như vốn dĩ lâu nay).
Trong đó ý chính là, ủng hộ và tạo điều kiện cho bà con từng làng làm nhà rông truyền thống, nhà nước hỗ trợ một phần như tạo điều kiện khai thác vật liệu từ rừng, giúp một phần kinh phí, nhà nước không can thiệp vào việc làm nhà rông của bà con. Nôm na là, nhà của người ta có hàng vạn năm rồi, kệ người ta làm, anh đừng dây máu ăn phần, đừng tham gia... thiết kế rồi ăn phí thiết kế, chưa kể rồi làm ra những cái thứ nhà chả giống ai, chả ai sử dụng, hay chính xác là chủ thể của đề án là dân làng thì họ không vào những cái nhà rông ấy, mà vẫn sinh hoạt ở những cái nhà rông xiêu vẹo cũ kỹ của làng.
Nhưng đấy là chỉ tỉnh Kon Tum làm thế, còn các tỉnh, còn bộ, họ vẫn làm...
(Còn tiếp)
Chỉ một tay nghệ nhân mù chữ, dụng cụ thô sơ, toàn ước lượng bằng mắt và bằng một lời dẫn nào đó từ một cõi...