Người Việt ở nước ngoài nấu bánh chưng, làm mứt để giữ Tết

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài vẫn giữ truyền thống đón Tết Nguyên đán. Họ cố gắng tìm mua hoặc tự tay gói chiếc bánh chưng, nấu thịt kho, canh khổ qua đón chào năm mới.

Luyen Morrison, Australia

Gia đình tôi có 5 người, vợ chồng và 3 con. Suốt 7 năm sinh sống ở Australia, tôi giữ thói quen nấu đồ ăn Việt Nam cho cả nhà mỗi tuần một lần từ phở bò, phở gà, bún, miến đến thịt nướng, cơm chiên thập cẩm...

Tôi sinh sống ở khu vực ít người Việt nên dịp Tết không có gì đặc biệt. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng làm một bữa cơm để giữ truyền thống cho các con. Tôi thường làm chả giò, cơm chiên, banh chưng, thịt kho đông để vơi nỗi nhớ quê.

Năm ngoái tôi gói bánh chưng bằng giấy bạc bọc thực phẩm do không mua được lá dong, lá chuối. Năm nay, một người bạn đã mua và gửi bánh chưng từ thành phố khác nên đỡ tốn công hơn.

Ngoài ra, năm nào bọn trẻ cũng được nhận được lì xì theo phong tục Việt Nam.

Người Việt ở nước ngoài nấu bánh chưng, làm mứt để giữ Tết - 1

Mâm cỗ Tết năm 2022 của gia đình chị Luyen Morrison.

Đối với tôi, Tết luôn rất đặc biệt. Tôi nhớ như in ngày còn nhỏ giúp mẹ rửa lá, dọn nhà và canh nồi bánh chưng mỗi đêm 27-28 Tết. Giờ đi đâu ngửi thấy mùi than bùn cháy là tôi lại nhớ đến nồi bánh chưng xưa. Ngày mồng một, mọi người trong gia đình, dòng họ sẽ cùng nhau đi chúc Tết từ nhà này sang nhà khác rất vui.

Hai năm nay không được về thăm nhà do dịch bệnh, nỗi nhớ trong tôi càng tăng lên. Hy vọng năm sau mọi thứ sớm ổn định, tôi lại được sống trong không khí sum họp gia đình, được ngắm bọn trẻ con tung tăng đi chúc Tết như lúc còn nhỏ.

Hoa Quỳnh Nguyễn, Nhật Bản

Gia đình tôi sinh sống ở Nhật Bản đã 6 năm. Vì cả nhà đều là người Việt nên tôi thường xuyên trổ tài nấu món ăn mang hương vị quê hương.

Người Nhật đón Tết Dương lịch nhưng chúng tôi chỉ coi đó là thời gian để nghỉ ngơi, lên kế hoạch đi du lịch. Tết Âm lịch vẫn là Tết chính của gia đình.

Thời gian này, cả nhà không được nghỉ, các con phải đến trường. Tuy nhiên, tôi vẫn chuẩn bị một số hoạt động đón Tết để giữ nguồn cội. Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa và nấu các món ăn truyền thống của Hà Nội như bún thang, chè kho, chè con ong.

Người Việt ở nước ngoài nấu bánh chưng, làm mứt để giữ Tết - 2

Chị Hoa Quỳnh hồi tưởng Tết xưa qua những món chè của bà.

Đêm giao thừa, tôi làm cơm tất niên và gọi điện thoại hỏi thăm bố mẹ. Cả nhà cũng hay đi chùa và tham gia các lễ hội mùa xuân ở Nhật.

Tết Cổ truyền trong ký ức của tôi là những ngày cả nhà tất bật gói bánh, cùng anh chị trông nồi bánh chưng, nướng khoai, đánh bài. Khi xa nhà rồi tôi mới nhận ra Tết luôn là vậy, chỉ cần có gia đình, chỉ cần được sum vầy.

Huppie in Taiwan, Đài Loan (Trung Quốc)

Tôi đã trải qua 2 cái Tết ở Đài Loan. Tết ở các nước châu Á gần như giống nhau, là dịp đoàn tụ gia đình.

Với tôi, gia đình chính là nơi dù ở đâu, làm gì cũng muốn được trở về. Đặc biệt khi đã xa nhà nhiều năm, tôi lại càng trân trọng những giây phút ấm áp khi cùng cả nhà ăn sáng, uống cà phê, nhìn thấy ông bà.

Đôi lúc, tôi chạnh lòng khi thấy các gia đình quây quần bên nhau ăn Tết. Tuy vậy, tôi luôn giữ cho mình lối sống tích cực, vui vẻ chấp nhận mọi thứ xảy đến. Đón Tết một mình, tôi có cơ hội chiêm nghiệm nhiều thứ, biết ơn ông bà, cha mẹ đã vất vả để con có cuộc sống đủ đầy.

Người Việt ở nước ngoài nấu bánh chưng, làm mứt để giữ Tết - 3

Húp ghi lại không khí những ngày Tết Âm lịch ở Đài Loan.

Đêm cuối cùng của năm cũ, tôi gọi điện về nói chuyện, chúc Tết cả gia đình. Mùng một, tôi ghé chùa và nhà thờ, sau đó ăn mặc đẹp đến các cổ trấn của Đài Bắc chụp ảnh Tết. Mùng hai, mùng ba, bạn bè ở đây hẹn nhau tụ tập nấu ăn, chơi bài hoặc ngoài uống một vài ly rượu ngắm phố phường.

Tết này, tôi đã đặt mua bánh chưng từ hội đồng hương người Việt tại Đài Loan. Ngoài ra, tôi cũng tự tay gói vài chục cuốn chả giò, làm dưa chua. Tôi dự định nấu thêm thịt kho hột vịt, canh bắp cải cuộn thịt, canh khổ qua, chả giò chiên. Ở Đài Loan nên tôi đã sớm làm quen với phong tục ăn chè trôi nước để sung túc hơn trong năm mới.

Xuân Kiều Kado, Nhật Bản

Ba năm nay, tôi và gia đình chưa có cơ hội về Việt Nam do dịch bệnh. Những năm ở Nhật, tôi luôn cố gắng tạo ra không khí ngày Tết Nguyên đán trong gia đình. Tôi gói bánh chưng, bánh tét và chuẩn bị đủ thứ bánh mứt quen thuộc trong dịp Tết.

Người Việt ở nước ngoài nấu bánh chưng, làm mứt để giữ Tết - 4

Chị tự tay gói bánh, trang hoàng nhà cửa đón Tết.

Là người nước ngoài nhưng chồng tôi rất thích các món ăn Việt Nam cũng như áo dài. Cả nhà thường mặc áo dài chụp hình kỷ niệm vào ngày đầu năm Âm lịch. Chồng tôi thích lắm vì mỗi năm chỉ có một dịp, các con thì đòi mặc áo dài đi khoe với bạn. Sau đó, chúng tôi cùng nhau đi chùa.

Tết năm nay khác với mọi năm, tôi bận rộn nhiều trong khâu chuẩn bị mọi thứ từ trang trí nhà cửa đến nấu ăn.

Tết cổ truyền trong ký ức của tôi là những ngày bận rộn dọn nhà, làm bánh mứt cùng bà, các dì, đón giao thừa và đi xem bắn pháo bông. Mồng một, cả nhà đi chùa lễ Phật.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thảo Ly, Ảnh: NVCC (Zing News)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.