Lên đỉnh Bát Nhã tìm hiểu bí ẩn của ngôi chùa cổ
Chùa Bình Long (còn gọi chùa Bát Nhã) đang được các nhà khoa học tổ chức khai quật khảo cổ học và phát hiện nhiều tư liệu, hiện vật quan trọng, đồng thời vẫn còn đó những bí ẩn chưa có lời giải.
Trên đỉnh núi Bát Nhã thuộc dãy Huyền Đinh (xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), là nơi tọa lạc của ngôi chùa cổ mang tên Bình Long (còn được gọi là chùa Bát Nhã), được dân gian truyền tụng là danh lam cổ tự lớn dưới thời Lý - Trần.
Cổ tự có mối quan hệ mật thiết với chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.
Nhằm thực hiện Dự án "Đầu tư phục dựng các di tích theo con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang (trực tiếp là Bảo tàng tỉnh Bắc Giang) vừa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức khai quật khảo cổ học tại địa điểm chùa Bình Long (Bát Nhã), bước đầu phát hiện được nhiều tư liệu, hiện vật quan trọng, phục vụ cho công tác nghiên cứu, quy hoạch, phục dựng di tích trên đỉnh non thiêng này.
Chinh phục núi rừng, lật tìm dấu tích ngôi chùa cổ
Ông Nguyễn Ngọc Chất, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chủ trì khai quật (bên phải) và Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tại khu vực khai quật khảo cổ. Ảnh: Trường Khang.
Sau nỗ lực băng rừng, lội suối, đoàn cán bộ, chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và các nhân công địa phương đã ròng rã gần một tháng ăn, ở, làm việc trong rừng rậm, núi cao để thực hiện nhiệm vụ khai quật khảo cổ, với hy vọng làm sáng tỏ về ngôi cổ tự đã trở thành phế tích từ lâu.
Để mục sở thị cuộc khai quật khảo cổ rất đặc biệt này, đầu tháng 8 năm 2021, chúng tôi được tham gia cùng đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh do ông Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh dẫn đầu, thực hiện cuộc hành trình băng rừng, leo núi để đến thăm hỏi, động viên đoàn công tác khi họ đang nỗ lực hoàn tất công việc khai quật khảo cổ.
Để lên được đỉnh núi Bát Nhã, chúng tôi gửi xe tại nhà dân thuộc thôn Chùa, xã Huyền Sơn và đi bộ tầm 3km để tiến đến chân núi Bát Nhã. Từ đây, để lên được đỉnh núi Bát Nhã, có thể đi theo hai hướng, một là men theo suối từ hạ nguồn ngược lên; lối đi thứ hai là men theo lối mòn, được hình thành bởi những chuyến đi rừng của người dân bản địa.
Như đã dự định từ trước, chúng tôi lựa chọn men theo lối mòn để lên đỉnh Bát Nhã. Trên con đường rợp bóng cây rừng, quanh co, khúc khuỷu, có đoạn thì thoai thoải có thể thảnh thơi tiến bước, nhưng cũng khá nhiều đoạn có độ dốc cao đòi hỏi phải rất nỗ lực mới có thể vượt qua.
Sau hơn hai tiếng đi rừng, hòa mình cùng tiếng chim hót líu lo giữa đại ngàn mây núi, hít hà sự ngát hương của những đóa hoa rừng, chúng tôi cũng đã đặt chân tới đỉnh núi Bát Nhã.
Anh Nguyễn Ngọc Chất, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chủ trì khai quật và các thành viên đang miệt mài làm việc tại đây, đã hồ hởi tiếp đón và đưa chúng tôi tới tham quan khu vực khai quật. Khoát tay trước một khu đất rộng lớn, anh Chất nói:
“Để tiến hành khai quật, làm phát lộ các dấu tích như hôm nay, chúng tôi phải phát quang cả khu vực có bạt ngàn bụi rậm, cây, cỏ…”.
Toàn cảnh khu vực khai quật khảo cổ. Ảnh: Trường Khang.
Bên những lớp trầm tích đã được phát lộ sau những ngày khai quật, đồng thời quan sát không gian làm việc, sinh hoạt của đoàn công tác, chúng tôi nhận thấy đây là cuộc khai quật khảo cổ rất đặc biệt với nhiều gian nan, vất vả.
Hình ảnh chiếc lán nứa đơn sơ được dựng tạm bên suối, đây đó là những chiếc võng được mắc sẵn trên các thân cây rừng, ven bờ suối là những vật dụng như: xoong, nồi, bát đĩa …được gác trên một chiếc giá tạm bợ; cho thấy đó là những vật dụng thiết yếu phục vụ gần 20 người trong những ngày ăn rừng, ngủ rừng và làm việc miệt mài trong rừng rậm, núi cao với biết bao thiếu thốn, hiểm nguy rình rập.
Qua những câu chuyện của các thành viên đoàn khai quật, chúng tôi còn được biết: Quá trình khai quật từng bị gián đoạn bởi những trận mưa rừng, có những thời điểm nước lũ dâng cao tưởng như cuốn phăng hết cả người lẫn lán và các vật dụng thiết yếu. Thế nhưng, sau bao gian nan, vất vả, đoàn khai quật cũng đã hoàn thành nhiệm vụ và được đền đáp bằng kết quả đáng mừng, đó là việc làm sáng tỏ nhiều trầm tích đã bị chôn vùi trong quá khứ bấy lâu nay.
Những dấu tích được phát lộ
Hành trình lên đỉnh núi Bát Nhã của cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Trường Khang.
Chùa cổ Bình Long nằm ở giữa hỏm núi có độ cao trên 334m so với mực nước biển, với thế tay ngai, lưng tựa vào núi, mặt hướng về phía sông Lục Nam. Từ đây, có thể bao quát cả khu vực thị trấn Lục Nam xưa, Đồi Ngô ngày nay.
Ngôi chùa được bao bọc bởi hai dãy núi, một bên là các cây gianh, cây dẻ mọc thành rừng; một bên là các dãy Hang Dơi, Nghè Cả của dải núi Huyền Đinh trùng điệp; phía dưới chùa có suối nước róc rách và một mái đá tự nhiên, trên vách đá còn khắc 2 chữ Hán: Thanh Thủy.
Dấu tích chùa cổ hiện nay là những cấp nền bằng phẳng và một vài đoạn bó móng được xếp bằng đá núi tự nhiên, bề mặt dốc dần theo thế sườn đồi từ Đông Nam xuống Tây Bắc và bị cây cỏ xâm thực.
Với diện tích trên 200m2 thám sát và khai quật, tập trung chủ yếu ở khu vực nền chùa ở vị trí trung tâm, đoàn công tác đã tìm thấy dấu tích và mặt bằng kiến trúc chùa Bình Long qua các giai đoạn xây dựng và biến đổi, kéo dài từ thế kỷ XIII - XIV (thời Trần), đến thế kỷ XVII – XVIII (thời Lê Trung hưng) và đầu thế kỷ XX (thời Nguyễn).
Kết quả khai quật cũng đã thu được một khối lượng tương đối các loại hình di vật, tập trung chủ yếu là đồ thờ tự, đồ sinh hoạt, góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu và giám định niên đại của di tích qua các thời kỳ lịch sử.
Ngoài ra, qua quá trình mở rộng điều tra, khảo sát, Đoàn Khai quật còn phát hiện thêm nhiều địa điểm có dấu tích kiến trúc cổ phân bố trong khu vực chùa ở núi Bát Nhã, giúp ích cho quá trình nhận thức và định hướng nghiên cứu, quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo trong thời gian tới. Các dấu tích được nhận định như sau:
Vào thời Trần, chùa Bình Long đã được xây dựng. Mặc dù qua kết quả khai quật bước đầu chưa thể lần tìm và phát lộ đầy đủ mặt bằng kiến trúc chùa, nhưng qua những dấu tích móng đá còn sót lại và các mảnh di vật tìm thấy đã khẳng định sự tồn tại của ngôi chùa trong giai đoạn này. Có lẽ, trong giai đoạn đầu thế kỷ XVII, khi trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa, người xưa đã tháo dỡ và tận dụng lại những phiến đá bó móng của kiến trúc chùa thời Trần để xây dựng cho công trình kiến trúc mới - thời Lê trung hưng.
Thời Lê - Mạc, theo như truyền thuyết dân gian, ngôi chùa Bình Long đã được di dời về chân núi Gốm. Thực tế nghiên cứu, khai quật đã không phát hiện dấu tích kiến trúc nào của thời kỳ này, ngay cả các loại hình di vật, đồ dùng sinh hoạt từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVI cũng đều thấy vắng bóng. Điều đó càng chứng minh rõ nét và xác thực hơn những thông tin dân gian truyền tụng.
Sang thời Lê trung hưng, đầu thế kỷ XVII, kết quả khai quật cho thấy chùa Bình Long đã nhận được sự quan tâm và đầu tư quy mô. Ngôi chùa đã được trùng tu và tạo lập ngay tại không gian của ngôi chùa cổ đã tồn tại trước đó và bị hoang phế trong 2 thế kỷ XV - XVI. Giai đoạn này, ngôi chùa đã được thiết kế, trùng tu và xây dựng mới với mặt bằng hình chữ Nhị và nhiều đơn nguyên kiến trúc phụ trợ trong một không gian rộng.
Đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX), ngôi chùa Bình Long vẫn tiếp tục được duy trì và tôn tạo tại khu vực chùa cổ. Mặc dù với điều kiện kinh tế khó khăn hơn, trên cơ sở kiến trúc đã được thu hẹp quy mô, đồ dùng sinh hoạt và đồ thờ tự tìm thấy ít hơn và không còn phong phú như những giai đoạn trước, nhưng ngôi chùa vẫn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân trong vùng.
Tuy nhiên, có thể do điều kiện địa hình xa xôi, cách trở, đi lại khó khăn, cùng với sự phát triển của địa phương, nên vào giai đoạn đầu thế kỷ XX, ngôi chùa đã được di dời về vị trí trung tâm làng Chùa, xã Huyền Sơn hiện nay. Những loại hình di vật của giai đoạn này qua khai quật đã dần thiếu vắng, như là minh chứng rõ nét hơn về sự chuyển dịch này.
Một số di vật thu thập được tại cuộc khai quật khảo cổ. Ảnh: Trường Khang.
Có thể khẳng định, kết quả nghiên cứu, khai quật đã làm rõ và bổ sung nhận thức về lịch sử, quy mô, kết cấu của kiến trúc chùa Bình Long (Bát Nhã).
Đây là các cứ liệu, làm tăng thêm giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, tạo cơ sở cho việc quy hoạch, tôn tạo lại ngôi chùa mới, cũng như kiến tạo không gian du lịch tâm linh, phục vụ hiệu quả hơn chủ trương của UBND tỉnh Bắc Giang về dự án "Đầu tư phục dựng các di tích theo con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông"; đồng thời kết quả khai quật tại địa điểm di tích này sẽ là những chứng cứ vật chất quan trọng, cung cấp cứ liệu khoa học, đảm bảo tính chân xác và toàn vẹn phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang là di sản văn hóa thế giới.
Chùa Thiên Mụ cổ kính soi bóng trên dòng sông Hương huyền thoại đã đi vào thơ ca từ bao đời nay, có người lữ khách nào...