Khách Tây nói gì khi Hội An cam kết "nói không với thịt chó, mèo"?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không chỉ nhận được sự quan tâm của người dân trong nước, thông tin TP Hội An trở thành địa phương đầu tiên ở Việt Nam cam kết loại bỏ sử dụng thịt chó, mèo cũng khiến du khách quốc tế quan tâm.

TP Hội An (Quảng Nam) trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước ký kết trực tuyến với tổ chức FOUR PAWS (tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu) về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo ra khỏi thành phố.

Thông tin này lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Những người xem chó mèo là thú cưng, là người bạn thông minh, trung thành rất ủng hộ cam kết này của thành phố Hội An. Trong khi đó, nhiều ý kiến lại cho rằng "việc ăn thịt chó là quyền của mỗi người".

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với một số du khách quốc tế, người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam về vấn đề này.

"Tôi từng sốc khi chứng kiến cảnh chó mèo phơi mình, bày bán trên phản thịt"

Sonya Firsova (28 tuổi) là một cô gái người Nga đã có gần 3 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Cô từng đi đến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực và âm nhạc Việt để chia sẻ trên mạng xã hội.

Dành tình yêu đặc biệt với ẩm thực Việt Nam, nhưng Sonya thừa nhận, cô cảm thấy "sốc" khi chứng kiến món thịt chó.

"Tôi đã ăn chay nhiều năm, không ăn thịt. Tôi đặc biệt không ủng hộ việc ăn thịt chó bởi đây là loại động vật trung thành, thân thiện với con người. Chúng không chỉ là động vật thông thường mà chúng còn là thú cưng.

Chó rất yêu thương, tin tưởng con người nên theo tôi, ăn thịt chó là "sự phản bội" với loại thú cưng này", Sonya bày tỏ quan điểm.

Khách Tây nói gì khi Hội An cam kết "nói không với thịt chó, mèo"? - 1

Sonya đã gắn bó với Việt Nam gần 3 năm. Dù yêu ẩm thực Việt Nam nhưng cô không ủng hộ việc sử dụng thịt chó. Ảnh: NVCC.

Khi biết thông tin Hội An là thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo, hướng tới thành phố du lịch thân thiện, Sonya rất ủng hộ. "Tôi đã nghe về Hội An qua báo chí, mạng xã hội và rất muốn tới thành phố này. Sau khi biết thông tin trên tôi càng nóng lòng muốn tới đây, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát", Sonya chia sẻ.

Tương tự như Sonya, em gái cô - Viola Firsova cũng không ủng hộ việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm.

"Loài chó rất thông minh, tình cảm, chúng xứng đáng được trân trọng. Chị em tôi đều là những người ăn chay với hy vọng góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi nói không với ăn thịt động vật, thịt chó, mèo", Viola chia sẻ.

Khách Tây nói gì khi Hội An cam kết "nói không với thịt chó, mèo"? - 2

Viola Firsova cho rằng, chó là người bạn trung thành của con người, xứng đáng được trân trọng.

"Tôi từng rùng mình khi nhìn thấy thịt chó được bày bán ở chợ truyền thống Việt Nam. Ở nước tôi, chó là bạn, là thú cưng trung thành. Hình ảnh những chú chó bị thui đen nằm trên sạp hàng khiến tôi có chút mất thiện cảm", Eguchi Kyushu - một du khách Nhật từng tới thăm Việt Nam chia sẻ.

"Khi hay tin thành phố Hội An của các bạn cam kết không sử dụng thịt chó, mèo, tôi rất vui. Tôi nghĩ đây là thông tin khiến nhiều người muốn đến đây du lịch", Eguchi cho hay.

"Ăn thịt chó là văn hóa, đã là văn hóa không có chuyện cao - thấp"

Bên cạnh những ý kiến phản đối quyết liệt việc ăn thịt chó tại Việt Nam, nhiều du khách lại xem đây là "văn hóa", là "sự khác biệt cần tôn trọng".

Michael Mike là một người Anh đang sinh sống tại Việt Nam. Bản thân anh rất yêu chó nhưng nói về việc ăn thịt chó, Mike cho rằng: "Có thể với tôi hay văn hóa quốc gia tôi, ăn thịt chó là một hành động bạo lực, dã man. Nhưng với ở đây, người dân có thể không coi đó là bạo lực. Tôi tôn trọng văn hóa của các bạn".

Theo Mike, mỗi quốc gia có văn hóa ẩm thực riêng, có nước ăn thịt bò, thịt ngựa, ăn côn trùng, hay thậm chí là giết cá voi để ăn thịt… "Nhưng tôi nghĩ, với bất cứ văn hóa nào chúng ta cũng phải tôn trọng đồ ăn, sử dụng tiết kiệm, hợp lý", Mike cho hay.

Khách Tây nói gì khi Hội An cam kết "nói không với thịt chó, mèo"? - 3

Nhiều du khách cho biết họ bị sốc khi chứng kiến cảnh những chú chó bị giết hại. Ảnh: Phi Hùng.

Chia sẻ với phóng viên, anh Minh Cường, giám đốc một công ty du lịch có trụ sở ở Hà Nội cho biết, việc các du khách phản ứng khi thấy việc bán và ăn thịt chó của người Việt là có. Tuy nhiên họ đều phản ứng một cách lịch sự vì đó là văn hóa bản địa và các du khách tôn trọng điều đó.

"Các du khách đặc biệt là đến từ các quốc gia ở Mỹ, Pháp, Đức… khi nhìn thấy thịt chó bị xẻ thịt bày bán công khai tại các khu chợ truyền thống ở Việt Nam thì hầu hết đều bất ngờ, ái ngại.

Lý do là bởi ở nước họ chó, mèo là vật cưng rất được coi trọng. Với những trường hợp này, chúng tôi đều tránh tối đa việc đưa họ đến các điểm có thể phải chứng kiến cảnh tượng mua bán này.

Tuy nhiên, khách quan mà nói cũng có những nhóm khách họ chủ động hỏi về việc ăn thịt chó và bày tỏ muốn nếm thử, đa số nhóm đối tượng này là người trẻ, thích khám phá, muốn nếm thử ẩm thực đặc trưng vùng đất mà họ đặt chân đến", anh Cường nói.

Trong khi đó, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho biết, câu chuyện ăn thịt chó hay không ăn thịt chó đã tranh luận từ lâu và không có hồi kết. Ở đây cần nhìn nhận, đó là văn hóa ẩm thực, là quyền của mỗi người.

Khách Tây nói gì khi Hội An cam kết "nói không với thịt chó, mèo"? - 4

Hội An là thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với thịt chó, mèo. Ảnh minh họa.

Đã là văn hóa thì không có chuyện cao - thấp, cũng không thể hiện trình độ phát triển để so sánh với các nước phương Tây. Thực tế, không riêng gì Việt Nam, nhiều nước trên thế giới, người dân cũng thích ăn thịt chó như: Hàn Quốc. Chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt. 

Tuy nhiên, việc Hội An thực hiện ký cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó mèo theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình là một nỗ lực lớn trong việc tiến tới xây dựng thành phố du lịch thân thiện, tạo thiện cảm cho du khách nhất là các khách đến từ phương Tây.

"Tôi là người không ăn thịt chó, tuy nhiên để đánh giá việc ăn thịt chó là dã man tàn bạo là không ổn. Đó là văn hóa. Nhưng cũng phải nhìn nhận khách quan, nhiều khách nước ngoài nhất là các nước Châu Âu, Đông Âu… họ coi chó, mèo như thú cưng, khi sang Việt Nam hình ảnh những chú chó, mèo bị giết dã man, cạo lông trắng ởn, bày bán phơi mình giữa các chợ truyền thống cũng là hình ảnh dễ tạo sự phản cảm.

Với một thành phố du lịch như Hội An nếu người dân, chính quyền cùng đồng thuận thực hiện được việc không ăn thịt, chó mèo thì chắc chắn sẽ tạo thuận lợi trong việc phát triển du lịch", GS. TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.

Từ gần 100 nghìn lượt khách ghé thăm năm 1999, đến hiện tại, du lịch Hội An ngày càng vang danh trên bản đồ du lịch quốc tế khi thu hút đến gần 5,1 triệu lượt khách năm 2018 và 4,6 triệu lượt khách trong năm 2019. Không chỉ luôn nằm trong top đầu địa phương có lượng du khách quốc tế, Hội An cũng liên tục được các chuyên trang du lịch uy tín bình chọn là điểm đến hấp dẫn, ấn tượng nhất Châu Á.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, việc cam kết nói không với thịt chó, mèo của Hội An cũng sẽ góp phần thúc đẩy du lịch nơi đây có những bước tiến trong thời gian tới, đặc biệt là thu hút lượng khách lớn ở các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ...

Trước đó, sáng 10/12, UBND TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức lễ ký kết trực tuyến với tổ chức FOUR PAWS (tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu) về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo ra khỏi thành phố.

Đây là lần đầu tiên, một thành phố của Việt Nam có hành động kiên quyết chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2021 và kéo dài trong 2 năm. Đại diện tổ chức FOUR PAWS cho biết việc ký kết thỏa thuận với TP Hội An là "thời điểm quan trọng", mang tính khởi phát ở Việt Nam và trong khu vực.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Trang - Toàn Vũ (Báo Dân Trí)

CLIP HOT