Hồi sinh ngành du lịch, Malaysia chinh phục thế hệ khách Gen Z Trung Đông giàu có bằng cách nào?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với Malaysia, nhóm du khách trẻ tuổi đến từ Trung Đông - những người thích phiêu lưu và có tư tưởng cởi mở, tuân thủ các nghĩa vụ tôn giáo - có ảnh hưởng lớn và sẽ định hình xu hướng của thị trường du lịch trong tương lai.

Hồi sinh ngành du lịch, Malaysia chinh phục thế hệ khách Gen Z Trung Đông giàu có bằng cách nào? - 1

Malaysia vốn nổi tiếng với du khách từ Trung Đông và đã được vinh danh là điểm đến hàng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu năm 2015. (Nguồn: Shutterstock)

Lợi thế thu hút du khách trẻ

Để hồi sinh lĩnh vực du lịch và khách sạn, vốn bị đại dịch Covid-19 tàn phá, Malaysia đang nỗ lực quảng bá và nhắm tới những du khách thuộc thế hệ trẻ từ Trung Đông.

Malaysia, quốc gia với đa số dân số theo đạo Hồi, đang quảng bá ra thị trường du lịch quốc tế như một điểm đến lý tưởng, với nền văn hóa đa sắc tộc, những cánh rừng nhiệt đới tươi tốt và bãi biển hoang sơ, hấp dẫn.

Trước đó, từ năm 2020 đến tháng 4/2022, trong bối cảnh đại dịch, ngành du lịch quốc gia Đông Nam Á này đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề khi khi đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài.

Malaysia vốn nổi tiếng với du khách từ Trung Đông và đã được vinh danh là điểm đến hàng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu năm 2015.

Để thu hút du khách sau đại dịch, ngành du lịch nước này đang nỗ lực quảng bá hướng tới tập khách hàng trẻ Trung Đông, gồm thế hệ Z, còn gọi là Gen Z (người sinh từ cuối những năm 1990 đến 2000) và Gen Y (sinh từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 1990).

Mới đây, trả lời phỏng vấn Arab News, Bộ trưởng Du lịch Malaysia Nancy Shukri cho biết, khách du lịch thuộc 2 thế hệ trên là “hai trong số những nhóm du khách Hồi giáo có ảnh hưởng nhất và sẽ định hình xu hướng của thị trường trong tương lai”.

Khi vạch ra chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước, Bộ trưởng Shukri nhấn mạnh, những nhóm du khách từ Trung Đông này “thường được phân loại là thích phiêu lưu và có tư tưởng cởi mở hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm du lịch, trong khi vẫn tuân thủ các nghĩa vụ tôn giáo”.

Bộ trưởng Shukri giải thích rằng, thuật ngữ “thích phiêu lưu” (adventurous) vượt ra ngoài các hoạt động liên quan đến thể thao thông thường, chẳng hạn như đi bộ đường dài, leo núi và lặn biển.

Đồng thời, bà cũng đề cập vấn đề “giao lưu văn hóa và tương tác với môi trường”, từ các hoạt động trồng cây, ngắm động vật đến tham gia các lễ hội truyền thống và học tập ngôn ngữ địa phương ở nhóm du khách đầy tiềm năng này.

Đáp ứng thị hiếu khách hàng

Vì vậy, để phục vụ du khách Gen Z và Gen Y đến từ Trung Đông giàu có, Malaysia đang cố gắng quảng bá các sản phẩm du lịch thích hợp như du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm, các hoạt động tình nguyện cũng nha các sản phẩm khác phù hợp với xu hướng du lịch bền vững. Các hoạt động du lịch đồng thời quan tâm tới vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, cũng như phúc lợi của cộng đồng dân cư bản địa.

Bộ trưởng Shukri cho biết: “Có thể thấy rằng du khách Hồi giáo, bao gồm từ thị trường du lịch Trung Đông, hiện có nhu cầu phong phú và cao hơn đối với những trải nghiệm du lịch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần và làm phong phú thêm trải nghiệm của họ.

Ví dụ, các hoạt động giao lưu với cộng đồng tại điểm đến trong các lễ hội địa phương có thể tạo ra một kỷ niệm quý giá, nâng cao trải nghiệm du lịch của du khách. Đây cũng là một ví dụ về cách thức du lịch có thể phát triển bền vững trong tương lai”.

Hồi sinh ngành du lịch, Malaysia chinh phục thế hệ khách Gen Z Trung Đông giàu có bằng cách nào? - 2

Từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu của Bộ Du lịch, đã có 2,38 triệu người nước ngoài đến thăm Malaysia, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Philippines, Singapore, Thái Lan và Saudi Arabia. (Nguồn: Getty)

Đặc biệt, Malaysia càng đặt kỳ vọng thu hút nhiều du khách Trung Đông hơn sau khi tham gia Hội chợ du lịch Arab (Arabian Travel Market - ATM) 2022, một sự kiện du lịch thường niên được tổ chức tại Dubai, vào ngày 9-12/5 năm nay.

Không bỏ lỡ cơ hội quảng bá, Bộ Du lịch Malaysia cùng Trung tâm Du lịch Malaysia và Du lịch Hồi giáo, cũng như các hội đồng du lịch địa phương, các công ty lữ hành, đại diện các khu nghỉ dưỡng và khách sạn đã tham gia sự kiện này.

Bộ trưởng Shukri cho biết: “Phản hồi từ ATM 2022 rất tích cực và ấn tượng. Chỉ trong 4 ngày diễn ra sự kiện, ngành du lịch Malaysia đã đạt doanh thu bán tour lên tới 34,5 triệu Ringgit (7,8 triệu USD).

Các công ty du lịch Trung Đông bị hấp dẫn bởi Chứng nhận chỗ ở thân thiện với người Hồi giáo của Malaysia. Điều này giúp du khách dễ dàng lựa chọn các khách sạn có cơ sở vật chất thích hợp với họ”.

Năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra trên toàn cầu, Malaysia đón khoảng 400.000 du khách đến từ Trung Đông, trong đó, lượng khách đến từ Saudi Arabia đông nhất, chiếm 1/4.

Tuy nhiên, số lượng các chuyến bay quốc tế hạ cánh xuống quốc gia Đông Nam Á, nơi ngành du lịch đóng góp 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm đáng kể trong thời kỳ đại dịch, với chưa đầy 135.000 du khách vào năm 2021, so với 26,1 triệu vào năm 2019.

Khi đang tìm cách vực dậy ngành công nghiệp không khói, Malaysia đặt mục tiêu đến năm 2022 thu hút 4,5 triệu du khách và doanh thu 2,5 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu của Bộ Du lịch, đã có 2,38 triệu người nước ngoài đến thăm Malaysia, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Philippines, Singapore, Thái Lan và Saudi Arabia.

Du lịch Thái Lan hồi sinh
Du lịch Thái Lan hồi sinh

Sau khi tiếp tục nới lỏng các quy định nhập cảnh, nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở xứ Chùa Vàng nhanh chóng chào đón...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

HẢI AN (Theo Arab News) (Báo Quốc tế)

CLIP HOT