Du lịch quá tải, ngẫm lại mà vui!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mùa kinh doanh du lịch hè đã đi qua nửa chặng đường, các công ty du lịch cho biết đến nay doanh thu cũng như lượt khách phục vụ đã vượt từ 10 - 20% so với kế hoạch đề ra.

Du lịch quá tải, ngẫm lại mà vui! - 1

Phú Quốc là một trong những điểm nóng du lịch của mùa hè năm nay - Ảnh: T.HƯỜNG

Du lịch nội địa vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của du khách Việt khiến cho nhiều điểm đến trong nước rơi vào tình trạng quá tải. Do lượng du khách đông đột biến, nhiều công ty lữ hành phải chọn phương án "sàng lọc" lại khách để tránh quá tải dịch vụ.

Lượng khách vượt kế hoạch

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị - truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho biết từ đầu mùa du lịch hè, đơn vị này đã đặt kế hoạch phục vụ 280.000 lượt khách nhưng đến nay đã vượt 10% so với con số này.

Trong đó chủ yếu là khách du lịch MICE, khách theo nhóm và khách lẻ rất ít, cho thấy xu hướng nhóm du khách gia đình muốn đi dạng tự túc vẫn còn. Khách cũng chi sang hơn với các dòng tour khách sạn 4-5 sao luôn kín chỗ.

Việc nhiều điểm đến như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng... bị quá tải, theo bà Trà, chủ yếu do khách Việt vẫn ưu tiên du lịch nội địa do vẫn còn tâm lý e ngại đi du lịch nước ngoài, khiến cho những người dù có điều kiện chi tiêu vẫn chọn du lịch trong nước.

Nhóm này ưu tiên sử dụng các dịch vụ cao cấp, cơ sở lưu trú 4-5 sao... vì thế dòng sản phẩm này cũng trở nên nhộn nhịp trong mùa hè năm nay.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, cho biết trong bối cảnh nhân sự tại nhiều điểm đến vẫn còn thiếu hụt, doanh nghiệp cũng cân nhắc kỹ khi đưa khách đến.

"Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, chúng tôi cũng phải tính toán số đoàn khách đến và đi một cách hợp lý nhất ở những điểm nóng du lịch", bà Hoàng cho biết.

Theo ông Lại Minh Duy, tổng giám đốc TST tourist, công ty đã huy động gần như hết nhân sự để kịp phục vụ các đoàn khách. Như để chuẩn bị cho công tác phục vụ đoàn khách lên đến 500 người ở Quảng Ninh, gần 20 nhân sự được huy động, chưa kể lực lượng tại chỗ.

Lượng khách đông đến mức nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú chỉ ưu tiên những khách thanh toán trước.

Chị Mỹ Châu, phụ trách nhân sự một doanh nghiệp ở TP.HCM, kể một trải nghiệm không mấy vui vẻ khi phải "giành giật" phòng với một resort Nha Trang.

"Công ty cần thời gian để chốt số lượng phòng cho nhân viên nhưng chỉ sau một đêm phía resort kêu hết phòng vì ưu tiên người nào thanh toán trước. Rất bực cách làm ăn này", chị Châu nói.

Đau đầu với chậm, trễ chuyến bay

Do lượng khách đi lại bằng đường hàng không quá đông, trong khi hạ tầng hàng không chưa đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng hoãn, hủy chuyến thường xuyên, gây bức xúc cho nhiều hành khách.

Nhiều du khách phản ảnh rằng đã phải lay lắt nhiều giờ ở sân bay để được bay đi du lịch, trong đó có không ít chuyến bay bị trễ đến 4-5 tiếng nhưng không được hỗ trợ nước uống, thức ăn.

Kể về chuyến về quê Quy Nhơn để ăn cưới của mình, chị T. Hường (ngụ TP Vũng Tàu) cho biết để kịp cùng chung vui với mọi người, chị chọn giờ bay 16h40.

Tuy nhiên, khi vừa từ Vũng Tàu đến sân bay Tân Sơn Nhất, chị nhận được tin nhắn chuyến bay bị hoãn đến 18h và sau đó chuyển giờ mới là 18h50. Mọi thứ trong khu vực chờ đợi bắt đầu nhốn nháo khi chuyến bay liên tục được thông báo delay trên màn hình.

19h45 rồi đến 20h25 và đến 21h cửa ra máy bay vẫn chưa có động tĩnh gì. Hơn 5 tiếng chờ đợi ở sân bay, nhiều khách hàng bắt đầu sốt ruột, trẻ con la khóc, người già mệt lả.

"Rất nhiều chuyến bay cùng bị hoãn với lý do thời tiết xấu. Cả sân bay như một sân vận động vỡ trận khi người lớn, trẻ con ngồi la liệt. Đặt chân xuống sân bay địa phương, đồng hồ chỉ qua nửa đêm, bỏ lỡ việc gặp gỡ gia đình", chị T. Hường kể.

Với các công ty du lịch, tình trạng hủy, hoãn chuyến vốn đã quen thuộc nhưng tần suất và mức độ trễ chuyến bay trong mùa hè này khiến nhiều đơn vị cũng phải chạy đôn chạy đáo.

Bà Phương Hoàng cho biết chương trình tour du lịch mùa này bao giờ cũng phải có kế hoạch A, kế hoạch B, thậm chí cả kế hoạch C dự phòng cho khách. "Nếu máy bay đến trễ quá, chúng tôi có chương trình tour mới phù hợp cho khách, ngay cả giờ ăn, món ăn cũng phải điều chỉnh cho phù hợp", bà Hoàng chia sẻ.

Theo khảo sát của Outbox Consulting về du lịch hè năm 2022, du khách Việt vẫn ưu tiên đi bằng hàng không khi đi du lịch trong nước với tỉ lệ 78,67% người được hỏi cho biết chỉ đi du lịch Việt Nam. Các điểm Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Đà Nẵng... lần lượt được lựa chọn nhiều.

Tuy vậy, báo cáo cũng ghi nhận bên cạnh việc giá cả leo thang, tình trạng chậm trễ và hủy chuyến bay ở các sân bay đã gây không ít phiền toái cho du khách.

Thiếu nhân sự, lo chất lượng dịch vụ

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, tình trạng quá tải ở nhiều điểm đến không phản ánh rằng du lịch đã hồi phục hoàn toàn.

"Đi thực tế nhiều nơi, hiệp hội vẫn ghi nhận nhiều khách sạn chưa thể sáng đèn trở lại vì không tuyển dụng được nhân viên, nguồn tài chính đã cạn kiệt", bà Khánh nói.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho rằng du lịch đang quay lại đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều lo ngại, đó là chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ. "Sau dịch, du khách có cách đi khác, trầm tĩnh hơn, riêng tư hơn, đây là những thay đổi mà các doanh nghiệp, điểm đến phải cân nhắc trong tour của mình", ông Bình lưu ý.

Du lịch nội ô để tránh đông khách

Theo ông Lại Minh Duy, tổng giám đốc TST tourist, dòng tour nội thành của các doanh nghiệp TP.HCM vẫn đang chạy tốt. Mỗi sáng thứ bảy, doanh nghiệp vẫn đón những đoàn khách gia đình hay nhóm khách từ các tỉnh lân cận tham gia các tour nội ô TP.HCM.

Trong đó phải kể đến như tour thành phố bên sông về với TP Thủ Đức, tour Củ Chi - Đất thép thành đồng, tour chèo sup, ngắm Sài Gòn với một diện mạo hoàn toàn mới, tour về Cần Giờ, khám phá rừng Sác...

"Chúng tôi xác định không bỏ qua những điểm đến nhỏ vì đây là những sản phẩm có thể kết nối để xây dựng những sản phẩm tour du lịch lớn hơn", ông Duy nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Như Bình (Tuổi Trẻ Online)

CLIP HOT