Du khách sửng sốt với tổ ong khổng lồ trên vách đá trăm tuổi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đến tháng 7 âm lịch, khi đàn ong Khoái bỏ đi để lại những tổ ong khổng lồ cheo leo trên vách đá, người dân ở xóm Hoài Khao (Cao Bằng) lại bắt đầu công việc khai thác sản vật của thiên nhiên.

Khách du lịch khi đến với tỉnh Cao Bằng không nên bỏ qua trải nghiệm chiêm ngưỡng những tổ ong khổng lồ, to bằng cả thân mình và nằm cheo leo trên vách đá như những cây nấm.

Du khách sửng sốt với tổ ong khổng lồ trên vách đá trăm tuổi - 1

Những tổ ong khổng lồ có chiều cao gần bằng với người trưởng thành.

Bán kính của mỗi tổ ong có kích thước trung bình khoảng 1m, thậm chí lên đến 1,5m, cao bằng nhiều người trưởng thành. Những tổ ong khổng lồ là ngôi nhà “ngọt ngào” của đàn ong Khoái.

Điều đặc biệt, người dân tại xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng - nơi sở hữu vựa ong kỳ lạ của Việt Nam - lại không bao giờ lấy mật, mà chỉ chờ ong bay đi mới lấy sáp ong.

Du khách sửng sốt với tổ ong khổng lồ trên vách đá trăm tuổi - 2

Du khách sửng sốt với tổ ong khổng lồ trên vách đá trăm tuổi - 3

Sáp ong dùng làm nguyên liệu vẽ lên trang phục truyền thống của người dân tộc Dao Tiền.

Sáp ong dùng để điều chế nguyên liệu vẽ lên trang phục truyền thống của người dân tộc Dao Tiền. Người dân nơi đây cũng có tục cấm phá tổ ong lấy mật, vậy nên nhiều ngọn núi đá vẫn còn nguyên hình hài có phần bí ẩn của các tổ ong Khoái đã nhuốm màu thời gian trên vách núi đá cheo leo.

Mọi người trong xóm Hoài Khao thường bảo nhau trông coi kho báu của rừng già để những người nơi khác hay thợ đi rừng không đến lấy mật. Người dân ở đây cho biết, nếu phát hiện bị lấy mất mật, đàn ong sẽ bỏ đi ngay.

Du khách sửng sốt với tổ ong khổng lồ trên vách đá trăm tuổi - 4

Người dân tại đây không lấy mật mà chỉ khai thác sáp ong

Theo những người già trong xóm kể lại, từ hàng chục năm nay, mỗi mùa xuân đến thì từng đàn, từng đàn ong lại bay về xóm Hoài Khao làm tổ.

Đến tầm tháng 7 âm lịch, khi những đàn ong đã bay đi hết, chỉ còn lại những tổ ong khổng lồ treo mình trên vách đá, bà con trong xóm mới tổ chức đi lấy sáp ong, để dùng vào việc vẽ hoa văn trên vải chàm.

Với sự kính trọng của mình dành cho thiên nhiên và rừng già, người dân nơi đây cũng rất cầu kỳ trong việc lấy sáp ong. Thầy mo trong làng sẽ chọn ngày đẹp lấy sáp với nhiều nghi thức như cúng thần rừng, thần ong nhằm xin đấng thần linh cho phép người dân lấy sáp ong được an toàn, đồng thời, cầu cho ong sẽ kéo đàn quay về đông hơn trong năm sau.

Sau đó, bà con mới an tâm vào rừng. Họ làm những chiếc thang tre cao, gia cố chắc chắn bằng dây rừng để tiếp cận những tổ ong khổng lồ. Đàn ông khỏe mạnh và có kỹ năng sẽ được chọn để trèo lên vách đá cheo leo chọc xác tổ ong. Những bé gái, phụ nữ thường sẽ phụ trách việc thu gom và nhặt toàn bộ phần tổ rơi xuống đất.

Du khách sửng sốt với tổ ong khổng lồ trên vách đá trăm tuổi - 5

Tổ ong “đậu” cheo leo trên vách núi đá

Sau khi thu gom trở về, sáp ong sẽ được đun chảy và lọc bỏ các tạp chất. Phần tinh khiết nhất được giữ lại và để nguội, cô đặc rồi đem cắt ra thành các phần bằng nhau, chia đều cho các hộ dân trong xóm.

Anh Cầu Phùng (Cao Bằng), một du khách có cơ hội đến với xóm Hoài Khao và chiêm ngưỡng những tổ ong khổng lồ đã thốt lên: “Đây là sự chung sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Con người bảo vệ đàn ong và những đàn ong lại trao tặng con người món quà quý giá để lưu giữ vẻ đẹp trên nếp áo chàm của người Dao Tiền”.

Xóm Hoài Khao nằm trên cao nguyên huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, là vùng đất nổi tiếng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Tiền. Người dân nơi đây luôn có tấm lòng với những nét đẹp truyền thống và những điều giản dị thuộc về thiên nhiên. Có lẽ vậy, những đàn ong Khoái luôn chung thủy với mảnh đất nơi đây và mang đến phần quà mỗi mùa xuân đến.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cầu Phùng – Khánh Trinh

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.