Sông Sài Gòn: Dòng chảy kể chuyện hơn 300 năm của một thành phố

Từ bến Bạch Đằng hôm nay, giữa những tòa nhà cao tầng và du thuyền lướt trên sông, ta cảm nhận được nhịp sống sôi động của thành phố. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi dòng sông này đã chứng kiến điều gì suốt hơn 300 năm lịch sử Sài Gòn – TP.HCM?

Trước khi có những đại lộ thênh thang, chính những dòng sông, con rạch là huyết mạch định hình nên vùng đất này. Và trong đó, sông Sài Gòn không chỉ là một dòng chảy địa lý, mà còn là một “nhân chứng sống”, một người kể chuyện trầm mặc đã chứng kiến trọn vẹn hành trình từ lúc mở cõi, đến khát vọng phồn vinh và cả những ước mơ đang vươn ra biển lớn của một thành phố năng động, phóng khoáng và đa sắc màu.

song sai gon: dong chay ke chuyen hon 300 nam cua mot thanh pho - 1

Lễ hội Sông nước TP.HCM tái hiện lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của TP.HCM bên dòng sông Sài Gòn. Ảnh: Đỗ Trọng Danh.

Khai hoang

Vào cuối thế kỷ 17, dòng người từ miền Trung xuôi về phương Nam theo lệnh mở cõi của các chúa Nguyễn đã tìm đến những vùng đất cao, gò nổi như Gò Vấp, Gò Cây Mai, Bà Chiểu để tránh ngập lụt và thuận lợi trồng trọt. Họ không chỉ mang theo nông cụ sinh sống, mà còn đem theo truyền thống, văn hóa và tinh thần kiến tạo. Các xóm làng ven sông từ đó hình thành, tạo nên mạng lưới cư trú sống động, gắn bó mật thiết với sông rạch.

song sai gon: dong chay ke chuyen hon 300 nam cua mot thanh pho - 2

Cầu sắt Phú Long. Ảnh: Đỗ Trọng Danh.

Dòng Sài Gòn khi ấy là tuyến thủy lộ quan trọng kết nối từ thượng nguồn về phía Nam, nối Bình Dương – Gia Định – Bến Nghé với các tỉnh miền Tây. Nhờ điều kiện sông nước, thuyền buôn từ khắp nơi tìm đến trao đổi hàng hóa. Từ đây, khái niệm “trên bến dưới thuyền” bắt đầu manh nha, hình thành nên hình ảnh thương cảng sơ khai của vùng đất phương Nam.

Ở Bình Thạnh, khu vực Thanh Đa – Bình Quới từng là những thôn làng nổi bật nằm lọt giữa ba bề sông nước. Việc đào kênh Thanh Đa cuối thế kỷ 19 nhằm cải thiện tuyến thủy vận không chỉ góp phần định hình cấu trúc giao thông thủy mà còn cho thấy tầm quan trọng của vùng này trong chuỗi cung ứng nông sản từ Lái Thiêu, Hóc Môn, Thủ Đức về Sài Gòn.

song sai gon: dong chay ke chuyen hon 300 nam cua mot thanh pho - 3

Cầu Phú Long nằm ngang dòng sông Sài Gòn (1913 – 2019). Ảnh: Đỗ Trọng Danh.

Bên kia sông, vùng Thủ Thiêm xưa là vùng trũng, ngập mặn, mọc đầy cỏ bàng. Nhưng chỉ một bến đò nhỏ, bến Cây Bàng, nối liền hai bờ cũng đủ làm thay đổi diện mạo khu vực. Suốt gần 100 năm, chiếc đò chở học sinh, người buôn bán, công nhân… chính là biểu tượng gắn kết cuộc sống thường nhật giữa hai bờ Bến Nghé – Thủ Thiêm, cho đến khi bến ngưng hoạt động năm 2011.

song sai gon: dong chay ke chuyen hon 300 nam cua mot thanh pho - 4

Dấu vết tích còn sót lại của bến đò Cây Bàng. Ảnh: Đỗ Trọng Danh.

Xây thành đắp lũy

Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào Nam lập phủ Gia Định, đặt nền móng quản lý hành chính cho vùng đất mới. Đây là cột mốc quan trọng xác lập vai trò trung tâm của Sài Gòn trong chiến lược mở rộng và bảo vệ bờ cõi phía Nam.

Dưới thời Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long), thành Phiên An được dựng lên bên bờ sông, theo hình bát quái. Cửa Ly Minh mở thẳng ra sông Sài Gòn đóng vai trò cửa ngõ quân sự lẫn hậu cần. Gần đó, xưởng đóng thuyền được lập (về sau phát triển thành xưởng Ba Son).

song sai gon: dong chay ke chuyen hon 300 nam cua mot thanh pho - 5

Sông Sài Gòn như chiến hào bao quanh bảo vệ vùng đất Sài Gòn – Gia Định và xưởng tàu Chu Sư. Ảnh: Đỗ Trọng Danh.

Sau khi thành Phiên An bị quân Pháp đánh phá, triều Minh Mạng xây lại thành Gia Định năm 1836, lệch gần về phía sông Thị Nghè. Cấu trúc này tiếp tục phát huy vai trò quân sự – hành chính, nhưng rồi cũng không thoát khỏi bàn tay đô hộ Pháp khi Sài Gòn chính thức bị chiếm năm 1859.

Bên cạnh các thành lũy chính, còn có hệ thống phòng ngự như lũy Bán Bích (do Nguyễn Cửu Đàm chỉ huy đắp năm 1772). Tuyến lũy đất dài hơn 8 km nối rạch Thị Nghè với rạch Tàu Hủ như một vành đai bảo vệ Sài Gòn – Gia Định khỏi nguy cơ tấn công từ phía Tây. Đây là một minh chứng cho tư duy tổ chức đô thị phòng thủ mang đậm tính chiến lược.

song sai gon: dong chay ke chuyen hon 300 nam cua mot thanh pho - 6

Rạch Thị Nghè – Tuyến lũy phòng thủ vững chắc bảo vệ Sài Gòn. Ảnh: Đỗ Trọng Danh.

Trên bến dưới thuyền

Nằm giữa ngã ba sông lớn, vùng đất Gia Định – Sài Gòn sớm trở thành trung tâm giao thương của cả miền Nam. Hệ thống kênh rạch phong phú, nhất là rạch Tàu Hủ – An Thông, là mạch máu nối từ trung tâm ra các tỉnh miền Tây. Nhờ thủy triều lên xuống đều đặn, ghe thuyền qua lại tấp nập quanh năm.

Trên bến Bình Đông, dọc theo rạch Tàu Hủ, từng là chợ nổi sầm uất. Những dãy nhà lầu gạch, kho chứa hàng, cầu cảng tự phát mọc lên, tạo nên không gian kinh tế sống động. Người Hoa, người Việt cùng làm ăn, tạo ra bản sắc kinh thương rất riêng của Sài Gòn, nơi mà hàng hóa từ miền Tây, miền Đông đều hội tụ.

song sai gon: dong chay ke chuyen hon 300 nam cua mot thanh pho - 7

Bến Bình Đông dọc theo những chành vựa gạo xưa còn sót lại trong những ngày giáp Tết. Ảnh: Đỗ Trọng Danh.

Cảnh buôn bán “trên bến dưới thuyền” không chỉ là hình ảnh kinh tế, mà còn trở thành biểu tượng văn hóa – lối sống ven sông đặc trưng của đô thị miền Nam.

Thương cảng phồn thịnh

Khi người Pháp tiến hành quy hoạch đô thị Sài Gòn theo mô hình phương Tây cuối thế kỷ 19, cảng Sài Gòn được hình thành như một hạ tầng chiến lược. Đây không chỉ là đầu mối xuất nhập hàng hóa cho toàn Nam Kỳ, mà còn là trục giao thương quốc tế quan trọng của cả Đông Dương.

song sai gon: dong chay ke chuyen hon 300 nam cua mot thanh pho - 8

Siêu du thuyền đưa khách quốc tế cập bến Cảng Sài Gòn. Ảnh: Đỗ Trọng Danh.

Từ tàu hơi nước thời thuộc địa đến các tàu container hiện đại; từ gạo, mắm, cao su đến cà phê, tiêu, điều… hàng hóa tỏa đi khắp thế giới. Cảng Sài Gòn trở thành biểu tượng thịnh vượng và hiện đại hóa, đặc biệt sau thời kỳ Đổi mới, khi Việt Nam mở cửa hội nhập.

Đến đầu thế kỷ 21, vai trò logistics của cảng được chuyển dần sang các trung tâm cảng mới như Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải. Khu cảng cũ chuyển hóa thành không gian phục vụ du lịch, đón các tàu du lịch quốc tế – từ nơi xuất hàng hóa, trở thành nơi đón dòng người khám phá vùng đất từng là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

song sai gon: dong chay ke chuyen hon 300 nam cua mot thanh pho - 9

Logistics hướng đi của Thành phố. Ảnh: Đỗ Trọng Danh.

Rực rỡ thành phố bên sông

Ngày nay, dọc bờ sông Sài Gòn, từ bến Bạch Đằng đến Thủ Thiêm, là hình ảnh mới của một thành phố năng động, hiện đại và đầy khát vọng. Công viên, cầu đi bộ, du thuyền, khu tài chính, đô thị thông minh… đang hình thành một không gian sống ven sông mới: vừa hiện đại vừa tiếp nối ký ức.

song sai gon: dong chay ke chuyen hon 300 nam cua mot thanh pho - 10

Bến Bạch Đằng về đêm bên sông Sài Gòn. Ảnh: Đỗ Trọng Danh.

Không còn là bến ghe của những người chài lưới hay các thương nhân thuở trước, nhưng hồn cốt của “trên bến dưới thuyền” vẫn được bảo lưu trong nếp sống. Dưới ánh đèn phố rực rỡ, có thể bắt gặp những nét Nam Bộ rất đỗi quen thuộc: quán nước ven sông, tà áo dài trong gió, hay tiếng rao đêm giữa làn nước lặng.

Giờ đây không còn đơn thuần là “Thành phố bên sông”, mà dòng chảy của nó đã và đang đánh thức cả Thành phố, lấy dòng chảy làm trục sống, đưa người dân Thành phố vươn mình theo cuộc sống mới “văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động và sáng tạo” hòa cùng mạch nước, vươn ra biển lớn để cùng hội nhập ở tương lai.

SanDisk là thương hiệu Mỹ hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực giải pháp lưu trữ dữ liệu. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, SanDisk mang đến các sản phẩm lưu trữ hiệu năng cao như thẻ nhớ, USB, ổ cứng SSD… được tin dùng bởi hàng triệu người dùng cá nhân, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và các chuyên gia sáng tạo trên toàn thế giới.

Dòng sản phẩm SanDisk Creator Series là lựa chọn lý tưởng dành cho các nhà sáng tạo nội dung và làm phim, kết hợp giữa tốc độ vượt trội, độ bền cao và thiết kế hiện đại, giúp bạn ghi lại mọi khoảnh khắc sáng tạo một cách mượt mà và đáng tin cậy.

Trân trọng cảm ơn thương hiệu SanDisk đã đồng hành cùng cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao"!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đỗ Trọng Danh

CLIP HOT