Đà Lạt sẽ có tuyến xe điện mặt đất
Đà Lạt có nhiều dự án phát triển giao thông nhằm xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Giao thông ở tỉnh Lâm Đồng sẽ ngày càng hoàn thiện hơn. Ảnh: Diễm Thương.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cả trong thời gian ngắn hạn và dài hạn.
Đề án này nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố theo hướng đồng bộ, hiện đại, trong đó, bao gồm cả diện tích mở rộng sang các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần Lâm Hà.
Theo đó, Đà Lạt sẽ nỗ lực hoàn thiện khép kín hệ thống đường vành đai TP Đà Lạt gồm các đoạn, tuyến: đường Cam Ly - Ankoret - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Thánh Mẫu - Mai Anh Đào - đường Vòng Lâm Viên - Quốc lộ 27C - Hùng Vương - tuyến mở mới phía Đông Nam - An Sơn - Y Dinh - An Tôn - đường Trúc Lâm Yên Tử kéo dài; Cam Ly - Phước Thành; đường tránh Prenn - Xuân Thọ; đường nối Liên Nghĩa - Thạnh Mỹ, giúp giảm lưu lượng giao thông trên đèo Prenn, đèo Mimosa và giảm phương tiện đi qua trung tâm TP Đà Lạt. Hoàn thiện kết nối hệ thống các tuyến đường vành đai, liên kết đô thị của TP Đà Lạt các vùng phụ cận.
Đường trục chính đô thị TP Đà Lạt, sẽ nâng cấp mở rộng đèo Prenn, đường nối chân đèo Prenn - Trúc Lâm Yên Tử quy mô 4 làn xe, cải tạo đèo Mimosa; cải tạo, chỉnh trang các tuyến trục chính của thành phố, gồm 3 trục Đông Tây và 6 trục Bắc Nam theo Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo phần xe chạy tối thiểu 2 - 4 làn xe, hoàn thiện đường đô thị trục chính phía Tây (đường Trần Văn Côi) và đường đô thị trục chính phía Đông từ đường Trạng Trình dọc theo suối đến đường Vòng Lâm Viên; hoàn thiện vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, thoát nước và cây xanh đường phố tạo cảnh quan đô thị.
Đà Lạt tái cấu trúc các tuyến xe buýt hiện hữu hình thành 5 tuyến xe buýt gom, 7 tuyến xe buýt liên huyện kết nối với các khu vực phụ cận và 3 tuyến xe buýt phục vụ khách du lịch; nâng cấp cải tạo ga Đà Lạt trở thành ga trung chuyển trung tâm mạng lưới giao thông công cộng nội đô và liên vùng; xây dựng bãi đỗ xe kết hợp điểm trung chuyển xe buýt tại Cam Ly; bổ sung các trạm dừng, nhà chờ xe buýt khu vực trung tâm giúp tăng khả năng bao phủ của dịch vụ xe buýt. Đồng thời, định hướng nâng cấp 3 tuyến xe buýt trục tần suất cao thành các tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc xe điện một ray (monorail) tăng cường đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.
Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đồng ý quy hoạch các điểm trung chuyển chính trong mạng lưới giao thông công cộng khu trung tâm (ga Đà Lạt, bến xe Đa Thiện...), tại các điểm cửa ngõ thành phố (khu vực chân đèo Prenn, sân bay Cam Ly, ga Trại Mát, ngã ba Đarahoa), phát triển các trung tâm đô thị lân cận (khu đô thị Liên Khương, Cam Ly, Nam Ban, Finom, D’ran) theo mô hình định hướng giao thông công cộng, cho phép xây dựng mật độ cao, phát triển tập trung theo các quy mô, cấp độ khác nhau nhằm tập trung nhu cầu sử dụng giao thông công cộng, thu hút đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng đô thị, công trình dịch vụ, thương mại.