Cuộc sống người nước ngoài ở TP.HCM trong giãn cách xã hội
Nhịp sống thay đổi, không được vi vu ngoài đường hay la cà quán xá, những cư dân ngoại quốc ở TP.HCM tự tạo những thú vui tại gia để tận hưởng.
Giãn cách xã hội ở TP.HCM kéo dài từ ngày 31/5 đã thay đổi nhịp sống của người dân, trong đó có cộng đồng người nước ngoài.
Dù công việc bị ảnh hưởng hay phải xa cách người thân, nhiều người vẫn chọn ở lại thành phố và tự tạo cho mình những cách tận hưởng cuộc sống trong mùa dịch. Đa số ưu tiên việc rèn luyện sức khỏe, trau dồi kiến thức và tranh thủ thư giãn.
Chèo thuyền SUP
Arief Gunawan (quốc tịch Indonesia)
Tôi nhớ những ngày ngồi nhâm nhi một ly cà phê sữa đá nhìn ngắm đường phố. Tôi thật sự buồn khi thấy cảnh các quán quen đóng cửa im ắng gần một tháng nay.
Với kinh nghiệm từ lần giãn cách trước, tôi không gặp khó khăn nhiều trong sinh hoạt, ngoài việc nhớ gia đình. Từ đợt giãn cách đầu tiên hồi tháng 4/2020, tôi đã để vợ con trở về quê nhà Bali (Indonesia).
Tôi đã sống ở TP.HCM 3 năm, hiện điều hành một khách sạn ở Thảo Điền, TP Thủ Đức. Điều tôi yên tâm trong thời điểm này là cơ sở kinh doanh lưu trú của mình vẫn được hoạt động, dù doanh thu giảm đáng kể.
Ông Arief Gunawan tìm được thú vui chèo SUP ở sông Sài Gòn, thay thế những chuyến đi phải hoãn do thành phố giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC.
Là người ưa dịch chuyển, tôi thường lái xe khám phá nhiều vùng miền ở Việt Nam. Hiện nhiều địa phương cách ly người đến từ TP.HCM, tôi đành “chôn chân” tại nhà. Tôi cũng hay chèo SUP dọc sông Sài Gòn cùng bạn bè trước khi có quy định cấm tập trung đông người.
Vì vậy, tôi dành hầu như cả ngày tại khách sạn của mình, ngay sát sông Sài Gòn. Giãn cách lần này rơi đúng vào khoảng thời gian có hoàng hôn mùa hè đẹp, tôi thấy không còn gì bằng buổi chiều đi dạo ngắm mặt trời lặn, rồi dùng bữa tối dưới ánh đèn lung linh giữa không gian sông nước mát mẻ.
Bên cạnh đó, tôi cùng các nhân viên trong khách sạn đã nhiều lần ủng hộ khẩu trang, thực phẩm và phần ăn đến một số khu vực bị phong tỏa trong thành phố.
Niềm vui với bóng đá
Lazlo Ratcliffe (32 tuổi, quốc tịch Anh)
Tôi sống ở TP.HCM gần 8 năm với công việc giáo viên Anh ngữ đồng thời là quản lý trong một khách sạn. Hiện dạy học trực tuyến là nguồn thu nhập chính của tôi.
Thú thật thời gian này tôi rất muốn ra ngoài uống cà phê, ngồi nhà hàng dùng bữa ăn ngon, hay thưởng thức ly cocktail ở quán bar buổi tối như thói quen trước đây...
Thật may mắn với một người hâm mộ bóng đá như tôi là có giải Euro trong đợt giãn cách này. Đêm xem bóng đá, ban ngày tôi dành hai giờ tập thể dục tại căn nhà ở quận Bình Thạnh.
Anh Lazlo xem mọi trận bóng Euro, coi đây là niềm vui thời giãn cách. Ảnh: NVCC.
Kể từ khi đại dịch xuất hiện, mẹ của tôi từ Hà Lan không thể đến Việt Nam, điều này khiến tôi rất buồn. Mặt khác, do có nhiều thời gian ở nhà, tôi bắt đầu liên lạc trực tuyến với những người trong gia đình mà tôi chưa từng nói chuyện trong một thời gian dài.
Học thêm tiếng Việt
Alexis Odiowei (34 tuổi, quốc tịch Anh)
Thời gian giãn cách của tôi hả? À, tôi tranh thủ để học thêm tiếng Việt. Tôi chỉ mới học tiếng Việt gần 2 năm, dù đã sống ở Việt Nam 5 năm với công việc chính là đạo diễn sản xuất video thương mại.
Alexis Odiowei tranh thủ đọc nhiều sách hơn và học thêm tiếng Việt để phục vụ công việc của mình. Ảnh: NVCC.
Trước giãn cách, tôi học cùng cô giáo người Việt thì dễ dàng hơn. Nay phải tự học trên website tôi thấy hơi khó tiếp thu, nhưng tôi sẽ cố gắng vì có ý định ở Việt Nam lâu dài.
Mỗi ngày, tôi vẫn ra đường đi mua đồ nấu ăn và đồ dùng sinh hoạt. Dù giãn cách xã hội nhưng nơi tôi lưu trú ở quận 1 khá nhộn nhịp, dòng xe cộ trên đường ít hơn một chút đặc biệt là lượng người đi đạp xe thể dục nhiều hơn.
Tôi thà ở nhà tự tập Muay Thái, yoga thay vì ra đường tiếp xúc nhiều người.
Làm vườn giải tỏa căng thẳng
Mathieu Dufourg (42 tuổi, quốc tịch Pháp)
Dù trải qua hai lần giãn cách nhưng tôi vẫn thấy lạ khi chứng kiến khu phố mình sống ở quận Bình Thạnh vắng tanh.
Trước đây, hầu như mỗi ngôi nhà đều là nhà hàng, quán ăn uống nào đó và họ hoạt động cả ngày đêm. Khi giãn cách, tiếng ồn không còn, mọi người không ngồi trò chuyện ngoài đường, trẻ em không chạy khắp nơi, khiến tôi như sống trong thế giới khác. Tôi không nghĩ mình đang sống ở thành phố 12 triệu dân.
Mathieu Dufourg mang không gian xanh vào trong và ngoài căn phòng, để thư giãn và khơi gợi cảm hứng lên kế hoạch cho công việc sau khi hết giãn cách. Ảnh: NVCC.
Tôi định cư tại TP.HCM từ năm 2019. Ở Pháp, tôi làm diễn viên 20 năm, nhưng khi sang Việt Nam, tôi lại sinh sống bằng nhiều công việc là giáo viên, thiết kế đồ họa, pha chế quán bar, tổ chức sự kiện và triển lãm.
Nay các công việc đều bị ảnh hưởng vì Covid-19, thu nhập giảm đáng kể, tôi phải sống tiết kiệm hơn và chọn cách làm vườn để giải tỏa căng thẳng.
Dù sao tôi vẫn cảm thấy an toàn trong thời gian qua khi sống ở Việt Nam, so với diễn biến dịch bệnh tôi được nghe từ bạn bè và gia đình ở châu Âu kể lại.
Giải trí với chiếc điện thoại
Vasyl Vandych (33 tuổi, quốc tịch Ukraine)
Ngày nào TP.HCM còn giãn cách xã hội thì tôi phải xa con gái chừng đó thời gian. Nó đang ở Nha Trang, hai cha con không thể gặp nhau.
Hiện tôi sống ở quận 7, nơi tập trung nhiều cư dân nước ngoài cư trú. Với công việc kỹ sư phần mềm phát triển trang web, chuyển sang làm việc trực tuyến không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của tôi, dù hơi khó tiếp cận thêm đối tác.
Vasyl Vandych muốn làm những video ngắn mang thông điệp tích cực để thay đổi suy nghĩ của người Việt về cộng đồng người nước ngoài. Ảnh: NVCC.
Từ ngày giãn cách tôi cầm điện thoại nhiều hơn. Tôi nảy ra ý định quay những đoạn video ngắn vừa ghi lại khoảnh khắc đời thường gửi cho người thân, vừa xây dựng kênh tiktok của mình với những nội dung hài hước, vui tươi.
Bên cạnh việc chấp nhận thay đổi nhịp sống, tôi còn phải làm quen với ánh mắt nghi ngại của nhiều người Việt. Họ vẫn cứ nghĩ do người nước ngoài là nguồn lây virus, trong người chúng tôi chắc chắn nhiễm Covid-19 và họ tránh né chúng tôi. Tôi luôn muốn làm gì đó để thay đổi suy nghĩ của những người này.
Trong 6 năm sống ở Việt Nam, tôi không bị đau ốm trừ vài lần cảm nhẹ. Môi trường ở TP.HCM an toàn, thoải mái. Mọi người cần chăm sóc sức khỏe từ việc vận động cơ thể đến chế độ dinh dưỡng để tăng đề kháng, bảo vệ bản thân trước Covid-19, kể cả khi chưa được tiêm vaccine.
Theo phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM, tính đến tháng 12/2020, số người nước ngoài cư trú tại TP.HCM còn khoảng 60.000 người, giảm 50% so với những năm trước và có chiều hướng tiếp tục giảm. |
Dự định ban đầu của Adam Salt là tới TP.HCM để du lịch. Đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của anh khó khăn, buộc phải...