Chuyện đuổi dịch của người Tây Nguyên xưa dưới cái nhìn dịch tễ học

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dưới cái nhìn dịch tễ học hiện đại, việc cách ly người bệnh, việc cấm làng gần giống như các giải pháp phong tỏa, giãn cách xã hội của thời cô vít.

Người Tây Nguyên xưa thường ở biệt lập trong rừng, mỗi làng là một địa chỉ cư trú rất kín đáo và xa làng bên cạnh, có khi cả buổi thậm chí cả ngày đi bộ. Làng lại cách rẫy khá xa, có khi cũng cả buổi đi bộ. Trong rẫy cũng có nhà để bà con nghỉ lại. Bà con rất sợ dịch bệnh. Có lúc vì bệnh lây truyền mà cả cộng đồng phải bỏ đất bỏ làng ra đi, tìm vùng đất khác. Họ cũng ít phân biệt dịch bệnh trên người hay súc vật, người Jrai gọi chung là “Kheng”. Hễ bị dịch là đuổi và cấm làng.

Chuyện đuổi dịch của người Tây Nguyên xưa dưới cái nhìn dịch tễ học - 1

Nhà sàn của người Jrai huyện Phú Thiện, Gia Lai.

Làng Tây Nguyên thường tọa lạc trên một lưng đồi sát gần mé suối. Nhà rông tọa lạc tại đám đất rộng ở bìa làng. Trong làng không có bóng cây che rợp, không có vườn rau ao cá và hầu như hoàn toàn khép kín, hoàn toàn cô lập giữa mênh mông rừng đồi.

Tất tật mọi sinh hoạt của con người đều nhờ ở cả vào rừng. Vườn rau, cây ăn trái, rẫy lúa, đến việc vệ sinh tắm giặt đều thực hiện trong rừng, trong suối. Lúa để hết ở chòi rẫy, cần thì gùi về nhà giã lấy gạo ăn. Rau thì có rau rừng hay rau trồng cũng ngay tại rẫy. Nước ăn gùi từ bến nước.

Mùa rẫy, làng vắng hoe, trẻ con cũng được địu vào rẫy với cha mẹ. Và cũng vì vậy, làng cổ Tây Nguyên rất sạch sẽ phong quang. Người Tây Nguyên luôn có thói quen gom lá khô, cỏ rác thành đống rồi đốt. Chiều chiều trong làng phơ phất những làn khói lam của đống nhúm cỏ lá, như biểu hiện của sự quang đãng sạch sẽ, đầm ấm.

Người Tây Nguyên quen lối sống du canh du cư. Du canh để nuôi đất. Du cư thì vì mấy lý do: Bị dịch bệnh, người chết nhiều, chiến tranh, hỏa hoạn, hoặc do giấc mơ của già làng... Trong đó dịch bệnh là một trong những lý do chính, dù như đã nói, bà con ở biệt lập, ít bị lây bệnh từ nơi khác, mà chủ yếu là bệnh tự sinh từ cách ăn uống mất vệ sinh, nhất là sau mùa săn, mùa pơ thi... từ các hủ tục, nhất là hủ tục chôn chung vân vân...

Chuyện đuổi dịch của người Tây Nguyên xưa dưới cái nhìn dịch tễ học - 2

Một ngôi làng Jrai rất đẹp ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai bị bỏ vì nhiều lý do, bà con dời sang làng khác ở.

Thời trước, khi phát hiện những gia đình bị cùi (hủi), họ lập tức bị làng đuổi ra khỏi cộng đồng, phải đến những vùng hẻo lánh để cư trú mưu sinh mà lập nên những làng cùi tách biệt với toàn bộ nhân gian. Hầu như biệt luôn, bởi ai trở về có thể bị phạt nặng. Giữa rừng, họ làm nên một thế giới u buồn cô quạnh!

Sau này, nhờ các chính sách xã hội, các chiến dịch tuyên truyền, làng cùi đã dần hội nhập với cuộc sống chung, nhưng họ vẫn phải mang cái tên thê thảm là làng cùi! Những cái làng từng bị kỳ thị, ghẻ lạnh, xa lánh. Huyện Chư Sê, Gia Lai có một làng cùi như thế.

Xưa, trong làng hễ có người đau ốm bị nghi mang bệnh lây lan, mắc dịch, gia đình người thân phải làm cái chòi tạm giữa rừng sâu, rồi đưa người bệnh vào ở cách biệt tại đó. Hàng ngày, khi đi làm nương rẫy, người nhà sẽ đưa một ít thức ăn nước uống cho người ấy. Tuyệt đối người mang bệnh dịch dù đói rét, buồn bã vẫn không được tự mò về làng! Ngộ nhỡ khi họ bị chết, làng cho là “chết xấu”, không được làm ma, không được chôn chung trong nhà mả của làng, không được nuôi hồn, không được làm Pơ Thi (lễ bỏ mả)…

Khi làng có nhiều người bị bệnh, thì việc đầu tiên là... cúng. Vai trò của già làng và thầy cúng rất quan trọng lúc này. Tất nhiên tới giờ, vai trò này đã hết, hoặc có thì là rất ít ở những làng vùng sâu.

Chuyện đuổi dịch của người Tây Nguyên xưa dưới cái nhìn dịch tễ học - 3

Tất cả gia súc được thả rông, mầm bệnh lưu cữu trong tự nhiên, định kỳ theo mùa sẽ bùng phát những trận dịch truyền nhiễm. Gặp năm có gia súc bị dịch bệnh, làng sẽ dùng củi thui đốt con bệnh. Tất cả trâu bò còn sống được lùa vào trong rừng ở hàng tháng.

Làng được dọn dẹp vệ sinh, gom rác, đốt rác. Đồng thời mọi người sẽ cùng nhau đuổi dịch. Người ta dùng những cái gậy gỗ đi đập khắp làng, từ cổng làng, cột nhà, bờ rào, bụi cây ven làng, xua dần ra bến nước, vào rừng sâu. Một số người chẻ đôi cây tre hoặc lồ ô, le, chặt từng khúc ngắn cầm trên 2 tay đập vào nhau cho phát ra tiếng lóc cóc chát chúa. Tay đập, miệng hô: Ôn dịch đi đi. Vào rừng mà ở, đùng phá làng tao! Đừng trở về nữa!

Đuổi dịch xong là cấm làng. Cổng làng được đóng kín nghiêm ngặt, trên cổng được cắm lá rừng báo hiệu cho người lạ không được vào trong làng. (Thực ra cổng làng chỉ là tương đối, đa phần chỉ là cây tre gác ngang ngày thường để ngăn trâu bò vào làng, khi cần thì cắm cành lá để cấm người lạ). Làng ấy tự cô lập mình với các làng khác, với toàn bộ xã hội. Mọi người tự giác khép kín mình, giảm sự giao lưu không cần thiết. Việc cấm làng là bắt buộc với tất cả mọi người trong làng và ngoài làng. Ai vi phạm sẽ bị phạt vạ.

Tất nhiên, sau tất cả những giải pháp ấy mà dịch bệnh vẫn còn, người chết vẫn nhiều, thì giải pháp cuối cùng là... dời làng, bởi vì, Giàng không muốn mình ở làng này nữa rồi.

Việc dời làng cũng không đơn giản và mất khá nhiều thời gian, có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề du cư thú vị này.

Ngày nay, dưới cái nhìn dịch tễ học hiện đại, việc cách ly người bệnh, việc cấm làng gần giống như các giải pháp phong tỏa, giãn cách xã hội của thời cô vít. Bỏ qua những yếu tố mê tín dị đoan, hành xử tiêu cực với con người trong hoàn cảnh nghèo nàn lạc hậu; việc quản lý khắt khe với mầm bệnh, con bệnh đã góp phần ngăn ngừa sự lây lan dịch dã nguy hiểm trong cộng đồng!

Đó ắt cũng là qui luật sinh tồn từ xa xưa của những cộng đồng người nhỏ nhoi giữa chốn rừng thiêng nước độc!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài: Phạm Đức Long, ảnh: Văn Công Hùng.

CLIP HOT