Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngoài thời gian du lịch, khám phá trong nước và các quốc gia trên thế giới, đôi vợ chồng lại trở về căn nhà vườn bình yên nằm ở lưng chừng núi - nơi chỉ toàn cây xanh, gió mát và tiếng chim ríu rít sớm mai.

Dù bận rộn với công việc, anh Tom Tran (sống ở TP.HCM) cùng vợ vẫn thường sắp xếp thời gian đi du lịch nhiều nơi, tái tạo năng lượng. Tính đến nay, anh chị đã đặt chân tới 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cũng như khám phá vô số tỉnh thành ở Việt Nam.

“Trước đây, vợ chồng tôi thường đi du lịch nước ngoài mỗi năm vài lần. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều kế hoạch vi vu đành tạm 'đóng băng'. Sau đó, du lịch mở cửa thì chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá nhiều nơi, cả trong và ngoài nước”, anh Tom nói.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 1

Vợ chồng anh Tom thường có thói quen đi du lịch hàng tháng để thư giãn và khám phá đó đây.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 2

Cặp đôi từng đặt chân tới 20 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Thái Lan..., nhất là các nước ở châu Âu.

Đầu tháng 8, đôi vợ chồng vừa hoàn thành chuyến đi Thái Lan 5 ngày 4 đêm, vừa giải tỏa cảm giác “cuồng chân”, vừa có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều nét văn hóa của xứ chùa vàng đầy độc đáo.

Anh Tom cho hay, ngoài thời gian du lịch, khám phá quê hương, đất nước và thế giới, những lúc rảnh rỗi còn lại chỉ thích trở về căn nhà vườn bình yên nằm ở lưng chừng đồi. Đây cũng là nơi vợ chồng anh “trốn dịch”, giải tỏa căng thẳng suốt giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài.

Vợ chồng anh Tom vốn sinh sống và làm việc ở TP.HCM. Năm 2018, trong một dịp về nhà bạn chơi ở Lâm Đồng, cặp đôi bị mê hoặc bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và không khí trong lành nơi đây.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 3

Cách đây 4 năm, vợ chồng anh Tom mua mảnh đất rộng ở Lâm Đồng để làm nhà vườn, tạo chốn nghỉ dưỡng xanh mát.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 4

Công trình nằm biệt lập với khu dân cư, được bao bọc bởi những khu rừng bạt ngàn, xanh mát.

Không nghĩ nhiều, cả hai nhanh chóng lên kế hoạch xây thêm một chốn nghỉ dưỡng, tách biệt hoàn toàn với ồn ào, khói bụi nơi phố thị. Nhưng phải mất một năm tìm hiểu, khảo sát từng chỗ, đôi vợ chồng trẻ mới chọn được mảnh đất ưng ý nằm ở lưng chừng đồi.

“Công việc của tôi khá tự do, ở đâu cũng có thể triển khai được. Hai vợ chồng trẻ lúc đó mới cưới, chưa vướng bận con cái nên quyết định về đây rất nhanh. Vợ chồng tôi mong muốn có một nơi nghỉ dưỡng đúng nghĩa nên dành nhiều thời gian và tâm huyết để thực hiện”, anh Tom kể.

Mảnh đất rộng 10.000 m2, tọa lạc ở Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây cách điểm du lịch gần nhất là khu sinh thái Madagui khoảng 3 km.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 5

Công trình được hoàn thiện sau hai năm thi công. Sau đó, dịch Covid-19 bùng phát nên cả gia đình anh Tom chuyển về đây sinh sống.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 6

Không gian nhà vườn nghỉ dưỡng này được xây dựng với yêu cầu cao, đảm bảo không phá cảnh quan và thế đất tự nhiên.

Trên phần diện tích “thẳng cánh cò bay” này, vợ chồng anh xây công trình nhà ở rộng 1.000 m2, gồm 3 tầng được liên kết với nhau bởi các khối nhà có kiến trúc độc đáo.

Căn nhà được thiết kế theo phong cách đương đại. Anh Tom thuê kiến trúc sư người Mỹ thiết kế để căn nhà đáp ứng đủ các tiêu chí về công năng, thẩm mỹ cũng như đúng sở thích của hai vợ chồng.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 7

Khung cảnh sáng sớm tuyệt đẹp nhìn từ nhà vườn của vợ chồng anh Tom. Nắng ban mai dịu nhẹ chiếu xuống cây, cỏ. Ở đằng xa, sương mù trắng lững lờ trôi.

Do công trình được xây dựng ở vị trí rất sâu, giáp núi rừng, đường đi lại chưa thuận tiện mà nguồn vật tư chủ yếu được mua ở TP.HCM nên việc vận chuyển khá khó khăn.

Chưa kể, gia chủ còn mong muốn phải giữ nguyên hiện trạng của mảnh đất nên đội ngũ thiết kế phải cân nhắc thi công sao cho ngôi nhà có vị trí gác lên quả đồi thay vì san lấp thành mặt phẳng.

Căn nhà được thiết kế với kết cấu gồm nhiều khối hình hộp chồng lên nhau. Một số khối được khéo léo "đẩy" ra ngoài mà không có cột đỡ với vật liệu chủ đạo làm từ bê tông cốt thép rất nặng.

Giải pháp này vừa đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt đa dạng, vừa tạo diện mạo "có một không hai" cho công trình. Anh Tom tiết lộ, đây cũng là công đoạn tốn nhiều thời gian của nhóm kỹ sư kết cấu.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 8

Khu vực nhà ở gồm nhiều khối hình hộp được thiết kế đặc biệt, làm toát lên cá tính của gia chủ.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 9

Khuôn viên rộng giúp gia chủ thoải mái dạo bộ, cắm trại, “đổi gió” trong những ngày thời tiết đẹp.

Xuyên suốt ngôi nhà, gia chủ cũng ưu tiên sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, hài hòa với cảnh quan địa phương. Ví dụ, mái nhà bê tông được lợp ngói nhựa Hàn Quốc, có thiết kế pin năng lượng mặt trời.

Tường của công trình được bài trí cách điệu với nhiều chất liệu khác nhau như gỗ conwood chịu nhiệt, gạch cổ... Gam màu phá cách cũng giúp công trình nổi bật giữa khung cảnh tràn ngập màu xanh của núi đồi.

Các phòng chức năng chủ yếu được thiết kế mở với hệ cửa kính lớn. Khi cần, gia chủ mở cửa kính rộng sang sát hai bên, tạo cảm giác không gian sống như "chạm" trực tiếp vào thiên nhiên xung quanh.

Phòng khách rộng, thoáng mát, liên thông với phòng bếp và khu vực ăn uống. Nội thất bài trí tối giản nhưng đảm bảo đầy đủ tiện nghi.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 10

Phòng khách có tầm nhìn mở rộng ra cảnh quan bên ngoài. Hệ cửa kính trong suốt giúp căn nhà luôn thoáng sáng, mát mẻ, xóa nhòa ranh giới bên trong và ngoài.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 11

Góc thưởng trà và bếp nấu ngoài trời.

Ngoài khu nhà ở rộng rãi, vợ chồng anh Tom còn thiết kế thêm một số hạng mục khác nhau, đáp ứng các nhu cầu từ sinh hoạt đến tâm linh, giải trí... như vườn Đức Mẹ, bãi tắm suối tự nhiên, vườn rau sạch, nhà vườn hồng, ao cá, khu nuôi gia cầm, vườn cây ăn trái...

Hiện tại, sau 4 năm xây dựng, khu nhà vườn nghỉ dưỡng này được phủ xanh, tạo bóng mát bởi thảm thực vật phong phú, tràn ngập các loại cây.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 12

Góc trồng hoa hồng, tô điểm cho khuôn viên nghỉ dưỡng thêm hương thơm, màu sắc.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 13

Dòng suối mát lành chảy róc rách bên vườn nhà giúp gia chủ cảm giác như hòa mình vào thiên nhiên.

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 14

Khu vực AVI (một dạng chuồng nuôi động vật cảnh bán tự nhiên).

Cặp đôi Sài Gòn dựng nhà giữa lưng chừng núi "đẹp như Tây" ở Lâm Đồng - 15

Sống ở đây, vợ chồng anh Tom cảm nhận rõ được sự thay đổi của thời tiết trong ngày. Đặc biệt, ở vùng núi này, mùa nào cũng hiện lên thật thơ mộng.

Một vài công trình phụ cũng được tiếp tục thi công sau dịch như vườn thư giãn, hồ cá koi và AVI (một dạng chuồng nuôi động vật cảnh bán tự nhiên).

Thỉnh thoảng, cặp vợ chồng trẻ cũng tiếp đón bạn bè, người thân từ thành phố lên đồi, trải nghiệm nghỉ dưỡng trong không gian nhà vườn đẹp, sang trọng chẳng kém resort cao cấp. Mỗi dịp như vậy, vợ chồng anh Tom và mọi người lại tổ chức tiệc nướng ngoài trời, cùng nhau đi dạo, câu cá hay đơn thuần chỉ ngắm cảnh, hít khí trời...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phan Đậu - Tom Tran (Báo VietNamNet)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.