Bay từ Hàn qua Nhật rồi về chỉ để mua hàng miễn thuế

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dịch vụ mới được các hãng hàng không khai thác giúp họ cải thiện phần nào lợi nhuận trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Tháng trước, Hyun Jung-a lên máy bay từ sân bay Incheon (Hàn Quốc). Khoảng hai giờ sau, máy bay đưa cô và các hành khách khác trở lại đúng sân bay cũ. Mọi người bước xuống đều trông không có vẻ cáu giận mà ngược lại, rất hồ hởi. Rõ ràng, đó không phải một sự cố hàng không...

Điểm đến cũng là điểm xuất phát

Thực ra, Hyun cùng các hành khách khác đã mua vé máy bay của Air Busan để thực hiện chuyến bay không điểm đến, mua đồ miễn thuế do Lotte Duty Free tổ chức.

Mục đích của chuyến bay không phải để di chuyển từ Incheon đến bất kỳ nước nào khác. Nó chỉ đơn thuần là bay vòng vòng trên trời, đưa 130 khách đi qua một hòn đảo của Nhật Bản để hợp thức hóa điều kiện mua sắm tại những cửa hàng miễn thuế ở Seoul (thường chỉ dành cho khách đi du lịch quốc tế).

Bay từ Hàn qua Nhật rồi về chỉ để mua hàng miễn thuế - 1

Các chuyến bay để mua hàng miễn thuế đang trở nên phổ biến. Ảnh: Bloomberg.

Những chuyến bay kiểu này đang được nhắc đến rất nhiều ở Hàn Quốc trong thời gian gần đây. Phóng viên của Korea JoongAng Daily miêu tả khung cảnh tại sân bay quốc tế Incheon trông cũng không mấy khác biệt. Tuy nhiên, khi để ý kỹ, bạn sẽ thấy không hành khách nào có hành lý xách tay.

"Họ mang theo rất nhiều túi đồ từ các cửa hàng miễn thuế. Một số hành khách còn sử dụng nhiều xe đẩy để chuyển hết số hàng hóa đã thanh toán", Haley Yang, cây viết của Korea JoongAng Daily nói.

Cô chọn dịch vụ của Korean Air, cất cánh tại sân bay quốc tế Incheon và hạ cánh cũng ở đây. Vé dao động từ 142 USD/người, đắt nhất lên tới gần 500 USD/người.

"Hơn năm nay, tôi đã không đi máy bay vì dịch. Sau đó, tôi đọc được thông tin về chuyến bay này trên báo. Vì nay là sinh nhật, tôi nghĩ việc lên máy bay lần nữa sẽ là cách thú vị để ăn mừng", một phụ nữ họ Kim khoảng 30 tuổi chia sẻ.

Lee Eun-kyung, 55 tuổi đến từ Yeoksam, nam Seoul, cũng cho biết cô đã không bay trong thời gian dài. "Tôi thường xuyên du lịch nước ngoài trước dịch. Nhưng giờ đã hơn một năm, ít nhất tôi muốn có cảm giác mình đang đi du ngoạn", Lee tâm sự.

Ngoài cảm giác "thèm bay", mức giá hời từ những mặt hàng miễn thuế cũng thôi thúc người dân Hàn Quốc mua vé máy bay kiểu này. Theo Korea JoongAng Daily, các chuyến bay nội địa thường không đi kèm với quyền mua hàng miễn thuế. Tuy nhiên, bằng cách đi qua không phận Nhật Bản như trên, mọi người đã đủ điều kiện được miễn thuế với hàng hóa giá trị đến 600 USD.

Bay từ Hàn qua Nhật rồi về chỉ để mua hàng miễn thuế - 2

Vé máy bay có thể được bù bằng phần tiền chênh lệch khi mua hàng miễn thuế. Ảnh: Nikkei.

Tất cả các hành khách đều phải có hộ chiếu vì đây là chuyến bay quốc tế về mặt kỹ thuật và chỉ dành cho công dân Hàn Quốc. "Chuyến bay không điểm đến là khái niệm mới mẻ. Tuy nhiên, nếu không có các ưu đãi mua sắm miễn thuế, tôi nghĩ mình sẽ chẳng đặt vé", bà Kim cho hay.

Seo Young 46 tuổi, đến từ Bundang, Gyeonggi (Hàn Quốc), giải thích giá trị hàng hóa đã bù vào giá vé máy bay. Với đơn hàng trị giá khoảng hơn 1.100 USD, số tiền anh và người đi cùng phải trả chỉ là 608 USD, tức gần 50%.

"Một chính sách tuyệt vời, chúng tôi tiết kiệm được kha khá tiền", Seo nói trong khi đẩy chiếc xe chất đồng hàng hóa miễn thuế đã mua.

Bay từ Hàn qua Nhật rồi về chỉ để mua hàng miễn thuế - 3

Tấm thẻ đặc biệt cho hành khách trên chuyến bay. Ảnh: Korean JoongAng Daily.

Về thủ tục, cơ bản, khách bay kiểu này sẽ phải đeo chiếc thẻ có ghi "chuyến bay du lịch quốc tế không hạ cánh của sân bay quốc tế Incheon". Điều này giúp nhân viên sân bay phân biệt họ với khách tới từ nước ngoài (phải cách ly khi nhập cảnh).

Theo cây viết của Korean JoongAng Daily, mọi thứ trên chuyến bay cũng tương đối giống những chuyến bay khác. Các nhân viên nhắc nhở khách đeo khẩu trang, bỏ ghế trống để thực hiện giãn cách xã hội... Tuy nhiên, điểm thú vị nhất là thỉnh thoảng, phi công lại thông tin về vị trí hiện tại của máy bay.

"Hành khách chú ý, chúng tôi đang bay qua Gangneung, Gangwon. Bên phải, bạn có thể thấy dãy núi Taebaek và bên trái là Biển Đông", "Chúng tôi đang bay trên không phận Nhật Bản, gần đảo Tsushima. Chúng tôi sẽ vào lại không phận Hàn Quốc trong khoảng ba phút nữa"..., những âm thanh thỉnh thoảng vang lên.

Nỗ lực phục hồi

Các chuyến bay không điểm đến kiểu này là nỗ lực cứu vãn ngành công nghiệp hàng miễn thuế đang sụt giảm vì dịch Covid-19. Trước đại dịch, thị trường miễn thuế toàn cầu có trị giá 85 tỷ USD vào năm 2019. Dự kiến, nó sẽ đạt tới 139 tỷ USD vào năm 2027.

Tuy nhiên, đại dịch xuất hiện và các quốc gia bắt đầu đóng cửa đường bay quốc tế. Ít khách bay, doanh thu của các công ty trong lĩnh vực này cũng sụt giảm mạnh. Dufry AG, một công ty Thụy Sỹ chuyên vận hành các cửa hàng miễn thuế trên toàn cầu, thừa nhận doanh thu đã giảm tới 71%.

"Nhiều khách đi cùng tôi xách những túi đầy hàng miễn thuế. Tôi nói với bạn bè chuyến đi này thật sự xứng đáng vì cơ hội được mua sắm miễn thuế", Hyun chia sẻ.

Theo Bloomberg, những người như Hyun không thể lấp đầy thiệt hại về tài chính. Nhưng ít nhất, họ cũng đem lại lợi ích cho một số hoạt động kinh doanh.

Sung Junewon, nhà phân tích của Shinhan Investment Corp. ở Seoul, cho biết: "Đóng góp từ các chuyến bay không điểm đến là nhỏ nhưng còn hơn không có gì. Mỗi chút đều có giá trị".

Hiện tại, bảy hãng hàng không Hàn Quốc đang khai thác chuyến bay kiểu này với tổng cộng 8.000 lượt khách. Các nhà chức trách cũng đang lên kế hoạch cho phép những chuyến bay nước ngoài hạ cánh ở Incheon. Hành khách có thể dành vài giờ mua sắm mà không rời sân bay trước khi trở lại điểm đầu tiên.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoài Anh (Zing News)

CLIP HOT