Bảo tàng tại TP.HCM: Nỗ lực từ hoạt động trực tiếp tới trực tuyến

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Từ khi được đón khách quốc tế trở lại (ngày 15/3), cùng với những nỗ lực, kỳ vọng vào sự phục hồi và tăng trưởng của ngành du lịch, hoạt động bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Bảo tàng tại TP.HCM: Nỗ lực từ hoạt động trực tiếp tới trực tuyến - 1

Trong ảnh: Khu trưng bày áo dài của Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ được thiết kế theo hướng truyền thống xen kẽ với hiện đại. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Phát huy giá trị giáo dục

Là một trong những đơn vị bảo tàng công lập trên cả nước có doanh thu ổn định, lượng khách quốc tế đến bảo tàng chiếm khoảng 70%, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Quận 3) đang tổ chức Triển lãm “Trẻ em thời chiến” tại Trường Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản (thành phố Thủ Đức)…

Đơn vị này mở rộng thêm khu vực trưng bày ngoài trời với container tái hiện nhà tù Phú Quốc hay Chuồng cọp - Côn Đảo cùng màn hình cảm ứng, mã QR tra cứu thông tin, hình ảnh, video…về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Thống kê đến ngày 22/5, lượt khách quốc tế đến bảo tàng này đạt 8.958 lượt trong tổng số 17.570 lượt khách đến Thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày nghỉ lễ trong tháng 5, trung bình có khoảng 2.000 lượt khách/ngày (trước dịch là 3.000-4.000 lượt khách/ngày).

Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm lưu động để chủ động quảng bá thay vì chờ khách tìm đến cũng như phát huy giá trị giáo dục của bảo tàng. Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1) tổ chức Triển lãm “Thành phố Hồ Chí Minh - Những chặng đường lịch sử” và “Phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” tại Trường Trung học Cơ sở Minh Đức (Quận 1) vào tháng 4/2022, Triển lãm “Thành phố Hồ Chí Minh - Những chặng đường lịch sử” hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 1 tại Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (Quận 7) vào tháng 4/2022.

Đại diện Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi năm, bảo tàng thực hiện từ 30-40 cuộc triển lãm. Với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng là khảo cứu địa phương cùng số lượng tài liệu, hiện vật phong phú, bảo tàng còn là nơi đào tạo thực hành cho sinh viên nhiều trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Mỹ thuật, Đại học RMIT.

Tương tự, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1) cũng tổ chức Triển lãm “Biển đảo quê hương” tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp), Trường Trung học Phổ thông Hiệp Bình (thành phố Thủ Đức) vào tháng 5/2022.

Không chỉ dừng ở tương tác trực tiếp với công chúng, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi trực tuyến chủ đề “Bảo tàng Lịch sử - Khoảnh khắc cùng di sản”, diễn ra từ tháng 2 đến tháng 5/2022, thu hút 28 tác giả cùng 56 tác phẩm dự thi. Tuy đây chỉ là con số nhỏ so với nhiều cuộc thi trực tuyến đang diễn ra trên mạng xã hội nhưng trong điều kiện công chúng vẫn chưa thật sự quan tâm nhiều đến hoạt động bảo tàng như hiện nay, kết quả trên rất đáng ghi nhận.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Bảo tàng tại TP.HCM: Nỗ lực từ hoạt động trực tiếp tới trực tuyến - 2

Khách tham quan mô hình ứng dụng công nghệ Hologram (một sản phẩm của kỹ thuật ghi hình 3D) tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ.

Chuyển đổi số trở thành từ khóa trong nhiều lĩnh vực và bảo tàng cũng không nằm ngoài câu chuyện đó. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào trưng bày, số hóa dữ liệu hay “bảo tàng ảo” còn không ít khó khăn, thử thách.

Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh có thể xem là bảo tàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh thử nghiệm mô hình “bảo tàng ảo”, với dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360”. Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đây là giải pháp đơn vị thử nghiệm trong thời gian dịch COVID-19. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, sự chủ động chuyển đổi hướng đi, đặc biệt về chuyển đổi số, giúp các bảo tàng khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đến gần hơn với công chúng.

“Tuy nhiên, việc thiếu tiền, hụt khách vẫn là nỗi lo chung của hoạt động bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Về lâu dài, chuyển đổi số phải là mục tiêu then chốt trong việc đổi mới hoạt động bảo tàng”, ông Hoàng Anh Tuấn nói.

Bắt kịp xu thế chuyển đổi số, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình thực hiện số hóa không gian, các phòng trưng bày và tài liệu hiện vật; xây dựng kho dữ liệu trung tâm nhằm tối ưu hóa việc quản lý, cập nhật thông tin và một ứng dụng riêng nhằm tích hợp các dữ liệu trên mọi nền tảng có sự hỗ trợ của thiết bị thông minh, đa ngôn ngữ… tiến tới thiết lập cơ sở dữ liệu chung cho việc kiểm soát, đánh giá khách tham quan như vé điện tử, hệ thống phản hồi trực tuyến.

Trước đó, tháng 10/2020, bằng việc ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/360 vào triển khai giải pháp ứng dụng tham quan thực tế ảo tương tác thông minh (Virtual Tour), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Quận 3) là đơn vị tiên phong đi đầu trở thành bảo tàng số đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 31 nghìn hiện vật được số hóa bằng công nghệ quét ba chiều (3D Laser Scanning) kết hợp với kỹ thuật hình ảnh 360 độ. Nhờ đó, toàn bộ không gian bên trong và ngoài của bảo tàng được tái hiện bằng hình ảnh 360 độ sắc nét và chân thực, đặc biệt cho phép người xem đo đạc kích thước bất kỳ trên hình ảnh 360 độ đó. Số hóa giúp các hiện vật có thể chuyển thành mô hình 3D, mô phỏng hologram cho phép người xem tương tác trực tiếp trên phần mềm.

Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển đổi số là một trong những hoạt động cần thiết các bảo tàng, di tích cần chú trọng đẩy mạnh thời gian tới. Mỗi bảo tàng, di tích cần xác định sự thích ứng cần thiết trong điều kiện mới. Ngoài hình thức tham quan trực tiếp, hình thức tham quan trực tuyến sẽ trở thành một xu thế tất yếu, lâu dài. Vì vậy, các bảo tàng, di tích cần chú trọng đặt lên hàng đầu yếu tố công nghệ, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa... Tuy nhiên, về lâu dài cần chú ý tính đồng bộ, có chiến lược phù hợp giữa nội dung và hạ tầng công nghệ.

Các bảo tàng cần chuyển đổi theo hướng tiếp cận và đổi mới trưng bày để hấp dẫn công chúng; chú trọng xây dựng sản phẩm đặc thù phục vụ khách tham quan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đây là hướng đi xuyên suốt, đặc biệt, cần được chú trọng phát triển trong bối cảnh hiện nay, bà Lê Tú Cẩm khẳng định.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thu Hương (TTXVN)

CLIP HOT