World Cup 2022 – cú hích “hồi sinh” du lịch khu vực Trung Đông?
Qatar đã chuẩn bị đăng cai World Cup trong 12 năm và ước tính dịp này đón 1,2 triệu du khách, gần bằng một nửa dân số quốc gia này. Vậy sự kiện thể thao này sẽ mang lại lợi ích gì, cả về trước mắt và lâu dài cho quốc gia Vùng Vịnh?
230 tỷ USD cho một kỳ World Cup
Sau triển lãm Expo Dubai 2022 thì Word Cup 2022 là sự kiện lớn thứ hai ở khu vực Trung Đông, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn cầu và nhiều nước trong khu vực đã dỡ bỏ các quy định phòng dịch. Đây cũng là lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại một quốc gia Trung Đông.
Sân vận động Khalifa tại Doha, Qatar. Nguồn: Reuters
Với chủ nhà Qatar, điều này sẽ mang lại cho quốc gia Vùng Vịnh một hình ảnh mới trên trường quốc tế, nhưng xa hơn là "giấc mơ kép" về kinh tế. Chính vì vậy Qatar đã đầu tư rất "hào phóng", không chỉ cho các sân vận động, mà còn cả tàu cao tốc, hệ thống tàu điện ngầm, cảng nước sâu và sân bay khổng lồ. Gần 230 tỷ USD đã được Qatar chi cho các dự án cơ sở hạ tầng trong 11 năm qua. Trong khi trước đó, Nam Phi chỉ chi 3,3 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho World Cup năm 2010, Brazil chi 11,6 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng để tổ chức giải đấu này vào năm 2014.
Qatar đang tìm cách đa dạng hóa các hoạt động kinh tế phi năng lượng, tham vọng trở thành trung tâm kinh doanh khu vực và tăng gấp 3 lần lượng khách du lịch, để đạt 6 triệu khách du lịch hàng năm vào năm 2030. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng nền kinh tế Qatar sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm nay nhờ các hoạt động liên quan đến World Cup.
Theo IMF, tăng trưởng GDP thực tế của Qatar dự kiến đạt 4,1% vào năm 2022, đưa Qatar trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh thứ hai trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), sau Saudi Arabia (đạt 5,1%). Qatar mở cửa thu hút nhân tài và các công ty, đồng thời thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và khách du lịch. Lĩnh vực nhà ở và dịch vụ ăn uống đang phát triển nhanh nhất ở Qatar trong 7 năm qua, với mức tăng trưởng hàng năm là 29,8%, thể hiện nhu cầu gia tăng mà nền kinh tế sẽ chứng kiến với sự tăng trưởng của du lịch. Qatar kỳ vọng đón 1,2 triệu du khách sẽ bổ sung thêm 17 tỷ USD cho nền kinh tế nước này.
Sân vận động Al Thumama tại Doha, Qatar. Nguồn: Reuters
Cơ hội cho Trung Đông
Dù là quốc gia có nền kinh tế phát triển, song diện tích và dân số của Qatar còn khiêm tốn so với quy mô một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Năng lực, khả năng và tiềm năng của riêng Qatar khó có thể đáp ứng hết nhu cầu của người hâm mộ bóng đá. Thứ nhất giải đấu được tổ chức lần đầu tiên vào mùa đông, lại trùng với một số giải đấu khu vực và quốc gia có thể khiến chất lượng giải kém và lượng khách tới Doha không như mong đợi. Thứ hai, những đại dự án mà Qatar xây dựng liệu có khai thác hết công năng sau khi giải đấu kết thúc. Thứ ba, Qatar vẫn là quốc gia Hồi giáo nên có quy định nghiêm ngặt về văn hóa, tôn giáo cũng là một cản trở với khách du lịch cả trong giải đấu và trong tương lai.
Do đó, đây là cơ hội cho các quốc gia trong khu vực Trung Đông, nhằm cung cấp nơi lưu trú cũng như các dịch vụ du lịch khác trong mùa World Cup sắp tới. Qatar cũng sẽ kết hợp với các nước GCC tổ chức các tour du thuyền sang trọng, cung cấp các hành trình 8 ngày với các chuyến đi khắp Vùng Vịnh.
Du khách tham quan bảo tàng "3-2-1 Qatar Olympic and Sports Museum" tại Doha, Qatar. Nguồn: Reuters
Xét về ngành du lịch ở Vùng Vịnh, UAE vẫn đứng số 1 khu vực về lượng khách và nhà đầu tư bởi các chính sách cởi mở, nhiều trung tâm mua sắm, giải trí cao cấp, cùng với các quy định mở hơn về văn hóa giải trí dù là quốc gia Hồi giáo. UAE cung cấp cho khách du lịch gói xem World Cup hấp dẫn, giảm giá khách sạn, dịch vụ đưa đón, thủ tục thuận lợi cùng các khu nghỉ dưỡng lý tưởng. Dự kiến, trong số hơn 90 chuyến bay mới đáp xuống Doha hàng ngày, riêng UAE sẽ đón khoảng 40 chuyến bay. UAE đã phân bổ một khách sạn mới trên Đảo Cọ, dành cho những khách dự định ở lại Dubai và đi chuyến bay kéo dài 40 phút đến Doha, với các thủ tục đi lại đơn giản. Các hãng hàng không khác đã công bố hơn 160 chuyến bay đưa đón hàng ngày đến và đi từ Doha để theo dõi các trận đấu. Sân bay Dubai tạo điều kiện thuận lợi cho những người hâm mộ bóng đá.
Saudi Arabia cũng hy vọng sẽ đón được 30.000 du khách nhờ World Cup và thúc đẩy du lịch nhờ giải bóng đá tổ chức tại Qatar. Quốc gia này đã tăng số lượng phòng khách sạn nhất là ở khu vực Al-Ahsa gần Qatar. Cả Saudi Arabia và Oman đều tổ chức các lễ hội để thu hút người hâm mộ và có kế hoạch đơn giản hóa những thủ tục đi lại.
Ai Cập cũng cạnh tranh thu hút du khách dịp này. Một chuyến bay thẳng từ Hurghada và Sharm El-Sheikh đến Qatar đã được phân bổ để vận chuyển khách du lịch muốn dành kỳ nghỉ ở cả hai thành phố trong thời gian diễn ra World Cup. Ai Cập đưa ra các ưu đãi giảm giá khách sạn từ 10 - 30%, kết hợp một chiến lược quảng bá các điểm đến du lịch để thu hút người hâm mộ, ngoài ưu đãi chuyến bay giá rẻ giữa Ai Cập và các quốc gia Vùng Vịnh.
Lượng khách du lịch từ các quốc gia Trung Đông đến Việt Nam và TP.HCM tuy có tăng theo từng năm nhưng vẫn ở mức thấp,...