Việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không khả thi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bộ Giao thông vận tải cho rằng phương án dùng 6.164 tỷ đồng ngân sách nhà nước (44,4% tổng mức đầu tư) để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8 làn xe là không khả thi.

Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong công văn trả lời Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về đề xuất đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Sau khi nghiên cứu phương án của VEC, Bộ Giao thông vận tải cho biết: phạm vi VEC đầu tư mở rộng 21,92 km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (km 4 đến km 25 + 920) đã được bộ này thống nhất với VEC theo công văn ngày 31/8/2022.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng VEC đề xuất mở rộng 21,92 km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nói trên từ 4 lên 8 làn xe là chưa phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 1/9/2021 (theo quy hoạch có 10 làn xe).

Việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không khả thi - 1

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có 4 làn xe đã trở nên chật chội, riêng đoạn An Phú đến Long Thành (nút giao quốc lộ 51) lượng xe đã vượt 25% so với năng lực thông hành của đường.

Riêng cầu Long Thành, Bộ Giao thông vận tải đề nghị VEC nghiên cứu phương án xây dựng cầu mới với quy mô tương tự giai đoạn 1 và tổ chức phân làn giao thông cho phù hợp.

Để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về phương án đầu tư, ngoài hai phương thức đầu tư do VEC đề xuất, Bộ Giao thông vận tải đề nghị VEC bổ sung các phương án đầu tư như: đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đầu tư theo phương thức nhượng quyền để so sánh ưu nhược điểm của 5 phương án.

Bộ Giao thông vận tải cho rằng VEC đề xuất phương án ngân sách nhà nước đóng góp 44,4% tổng mức đầu tư để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là không khả thi. 

Lý do là hiện nay Bộ Giao thông vận tải không còn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bố trí cho dự án như đề xuất. Do đó, bộ đề nghị VEC cập nhật thông tin để đề xuất phương án có tính khả thi.

Trước đó, ngày 15/9, VEC đề xuất Bộ Giao thông vận tải phương án mở rộng 21,92 km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (km 4 đến km 25 + 920) với quy mô từ 4 làn xe lên 8 làn xe.

Tổng mức đầu tư là 14.896 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách nhà nước là 6.164 tỷ đồng (44,4%), vốn VEC huy động 7.718 tỷ đồng.

Còn 4km đầu tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao vành đai 2 (km 0 đến km 4), VEC kiến nghị TP.HCM mở rộng vì đoạn này đã được VEC bàn giao UBND TP.HCM vận hành, bảo trì, khai thác như đường đô thị.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tuấn Phùng (Báo Tuổi Trẻ)

CLIP HOT