TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc thống nhất tiêu chí để hút khách mùa lễ hội cuối năm
TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc cần có sự thống nhất các tiêu chí an toàn để làm sao vừa đón khách nhưng cũng kịp thời xử lý các tình huống phát sinh khi có ca F0.
Chiều ngày 11/12, tại Khách sạn Yên Biên Luxury (Hà Giang) đã diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM năm 2021.
Liên kết để cùng phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định trong điều kiện tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, việc tổ chức một Hội nghị có quy mô lớn về du lịch, với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp, phóng viên, các sở ngành đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực của các địa phương trong việc phục hồi ngành kinh tế xanh, sự chung tay, đồng hành cùng nhau để thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch với TP.HCM.
Từ trái sang: Ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Phạm Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Bà Phan Thị Thắng cho hay, ngay sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch thành phố đã triển khai ngay Kế hoạch phục hồi, gồm 3 giai đoạn.
“Mỗi lộ trình, giai đoạn phục hồi chúng tôi đã phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao vừa hiệu quả trong công tác chống dịch, vừa đạt được mục tiêu về phát triển du lịch. Tránh tình trạng như trước đây “đóng mở liên tục” khiến doanh nghiệp vốn đã khó khăn, lại càng khó khăn, thiệt hại nhiều hơn”, bà Thắng nói.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị.
Cũng theo bà Thắng, đến nay những yếu tố, điều kiện an toàn để phục hồi kinh tế thành phố nói chung, hoạt động du lịch nói riêng tại TP.HCM đã cơ bản được đảm bảo, các hoạt động phát triển du lịch, nhất là việc liên kết với các tỉnh thành có thể được phục hồi, tái hoạt động trở lại.
Vừa qua, thành phố đã làm việc với nhiều tỉnh, thành tại các vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung đề nghị tái hoạt động các chương trình đã được ký kết thỏa thuận trước đây và hầu hết nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các địa phương.
Hiện điều kiện đón khách của 8 tỉnh Tây Bắc và TP.HCM chưa có sự thống nhất, khiến các DN du lịch, lữ hành lo ngại. "Các tỉnh trong vùng cần thảo luận và thống nhất với nhau từ giải pháp đón khách. Khách từ TP.HCM đến 8 tỉnh Tây Bắc sẽ được test nhanh hay PCR; trường hợp có khách trong đoàn dương tính với COVID-19 thì xử lý thế nào về y tế? Các thành viên còn lại sẽ tiếp tục hành trình hay phải cách ly... ", bà Phan Thị Thắng nêu.
Để sống chung với dịch bệnh, TP.HCM đã ban hành và xây dựng bộ tiêu chí an toàn với dịch bệnh. Hiện nay, bộ tiêu chí này cũng đã phát huy hiệu quả khá tốt trong việc xử lý các vấn đề cụ thể trong việc đảm bảo an toàn cho du khách, DN, cơ sở lưu trú trong điều kiện thích ứng an toàn. Nhờ bộ tiêu chí này mà TP đã có những hoạt động liên kết trao đổi du khách với nhiều tỉnh, thành phía Nam. "Do đó, các tỉnh Tây Bắc nếu chưa xây dựng được bộ tiêu chí chung, thì có thể tham khảo và điều chỉnh cho phù hợp. Quan trọng là phải đảm bảo việc thống nhất tạo thuận lợi nhất có thể cho du khách”, bà Phan Thị Thắng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên yếu tố hợp tác, liên kết là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương, là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển du lịch bền vững.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh sự liên kết du lịch giữa các địa phương là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững.
“Liên kết không chỉ tạo ra sức mạnh mà còn tạo ra sản phẩm phù hợp, khai thác tận dụng lợi thế những nét độc đáo riêng của từng vùng, tạo dấu ấn, thu hút khách, kích cầu du lịch, thúc đẩy ngành du lịch nâng cao chất lượng phục vụ du lịch với giá cạnh tranh”, bà Hoa nhấn mạnh.
Để việc liên kết hợp tác đạt hiệu quả hơn nữa thích ứng với điều kiện an toàn dịch COVID-19, lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM đề xuất mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 quy định thống nhất giữa các địa phương; tăng cường tiêm vaccine cho 100% người hoạt động trong ngành du lịch.
Điểm tham quan Dinh A Tưởng tại Lào Cai.
Tập trung chuyển đổi số, đẩy mạnh nâng cao ứng dụng công nghệ vào các hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn với COVID-19 đối với mọi hoạt động của ngành du lịch. Theo đó, TP.HCM sẽ phối hợp 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tham gia chương trình xúc tiến hội chợ du lịch quốc tế trực tuyến; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, các ứng dụng di động tiện lợi hỗ trợ khách du lịch; kết nối các nền tảng trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, bán sản phẩm trên môi trường mạng; tăng cường công tác truyền thông an toàn du lịch thực tế ảo 360 độ và mua sắm trực tuyến…
“Việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong công tác quảng bá thương hiệu trở lại với người tiêu dùng với chi phí thấp nhất, tạo ra thói quen cho người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến và chuẩn bị cho sự trở lại bền vững trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID19 của ngành du lịch”, bà Hoa nhấn mạnh.
Ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng Giám đốc Vietravel.
Cần tiêu chí thống nhất
Là đơn vị lữ hành tại TP.HCM đưa nhiều du khách đến với các tỉnh Tây Bắc, ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng Giám đốc công ty du lịch Vietravel cho biết, vừa qua Vietravel đã có hàng chục sản phẩm du lịch đưa khách đến vùng Tây Bắc mở rộng.
Trong số đó, tiêu biểu nhất là 3 cung đường tour đặc sắc vừa được làm mới và đã triển khai thành công, nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng. Hiện nay, công tác chống dịch đã được chuyển từ không có dịch bệnh sang thích ứng với dịch vì vậy chúng ta cần có sự thích ứng linh hoạt với dịch để kéo du khách trở lại vào dịp cuối năm.
“Các tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng cần có kế hoạch phục hồi du lịch cụ thể hơn, cần ban hành kế hoạch thống nhất chung phối hợp giữa các tỉnh trong khu vực như việc di chuyển liên tỉnh, quy định về điều kiện kiểm soát dịch, tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch...” ông cho biết.
Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ tại Hà Giang.
Ông cũng chia sẻ thêm, các địa phương cũng cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy triển khai lại hệ thống cung ứng dịch vụ để phục vụ khách du lịch vì hệ thống cung ứng dịch vụ là một cấu thành quan trọng trong quá trình thực hiện tour cũng như của ngành du lịch; các địa phương trong khu vực cũng cần thống nhất kịch bản trong trường hợp phát sinh ca nhiễm trong quá trình thực hiện tour tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và du khách khắc phục và xử lý…
Lãnh đạo TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc thắp hương tại Đài hương 468, xã Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Tương tự, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết các đường tour về Tây Bắc được đơn vị đầu tư theo hướng tập trung vào chất lượng sản phẩm tour, sự trải nghiệm của du khách chứ không chỉ đi theo số lượng. Sản phẩm được xây dựng với mục đích vừa giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị, vừa góp phần phát triển kinh tế bền vững ở các địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con tham gia làm du lịch cộng đồng.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, phát biểu
“Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang sống trong mùa dịch bệnh vì vậy muốn phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, chúng ta cần có sự thống nhất liên kết về các tiêu chí an toàn, để làm sao vừa đón khách nhưng cũng kịp thời xử lý các tình huống phát sinh khi có ca F0, theo hướng tạo sự thuận lợi và an tâm cho du khách”, ông Võ Anh Tài kiến nghị.
Dưới góc độ các nhà quản lý, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, việc liên kết giữa các tỉnh trong vùng với TP.HCM trong hoạt động đưa đón khách sẽ có hiệu quả kép. Du lịch sớm phục hồi, thúc đẩy kinh tế các tỉnh Tây Bắc, đồng thời vẫn đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.
Trẻ em vùng cao tại Hà Giang.
Hiện nay, Hà Giang đang áp dụng giải pháp hỗ trợ du khách khi đến tỉnh, ví dụ: mũi một ở nhà rồi, nhưng đến kỳ tiêm mũi hai khi đang du lịch Hà Giang sẽ tiêm ngay tại tỉnh. Hoặc, khách bị COVID-19 khi đang trong chương trình du lịch sẽ được tạo tạo điều kiện tốt nhất về điều trị, cách ly... Tuy nhiên, ông Quý cho rằng, việc liên kết, phục hồi du lịch chỉ có hiệu quả khi các tỉnh, thành nhất quán về chính sách đón khách.
Theo ông Trần Đức Quý, dự kiến dịp cuối năm với kinh nghiệm tổ chức tour của các đơn vị du lịch, lữ hành lớn của TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc sẽ phát huy hiệu quả trong hoạt động liên kết.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng nhận nhiệm vụ trưởng nhóm liên kết du lịch của TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2022.
Năm 2020, ngành du lịch TP.HCM đã chủ động tham mưu cho UBND TP liên kết với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước để phát triển du lịch, trong đó 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được xem là khu vực liên kết chiến lược của Thành phố. Sau 1 năm triển khai thực hiện, mặc dù, còn nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng đã có nhiều chương trình du lịch hấp dẫn hơn, giá cạnh tranh hơn được tổ chức và hầu hết các địa phương sau liên kết đều quan tâm đến đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM cho biết lượng khách du lịch đến Tây Bắc luôn chiếm từ 20% - 23% trong cơ cấu khách nội địa của doanh nghiệp và một số doanh nghiệp đặt ra mục tiêu khi thị trường du lịch phục hồi trở lại sẽ phấn đấu đưa tỷ trọng khách du lịch trong nước đến vùng Tây Bắc mở rộng lên trên 30%. Việc mở thêm đường bay giữa TP.HCM và Điện Biên chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội để thành phố và vùng Tây Bắc khai thác khách du lịch hai chiều, nhiều khả năng giúp cho các doanh nghiệp du lịch đạt được mục tiêu đặt ra. Trong năm đã tổ chức thành công chương trình khảo sát sản phẩm tour liên kết từ TP Hồ Chí Minh tới vùng Tây Bắc và tỉnh Hà Giang cho 60 đơn vị lữ hành và cơ quan truyền thông với các chuyên đề: “Về miền đất tổ cội nguồn dân tộc” Lộ trình: TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội – Phú Thọ - Lai Châu - Sa Pa, Bảo Yên (Lào Cai) – Quang Bình, Đồng Văn (Hà Giang) “Bản Hùng Ca Tây Bắc” Lộ trình: TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Sa Pa (Lào Cai) – Hà Giang. “Hương sắc vùng cao” Lộ trình: TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội – Bắc Hà – Xín Mần, Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang). |
Việc mở lại các chuyến bay quốc tế sẽ tạo điều kiện cho bà con Việt Nam được về quê hương trong bối cảnh Tết Nguyên...