TP.HCM sẽ kích hoạt bệnh viện dã chiến số 13 nếu dịch COVID-19 phức tạp
Ngành y tế TP.HCM luôn sẵn sàng kế hoạch triển khai 10.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức dành cho người bệnh COVID-19. Đồng thời tiếp tục duy trì bệnh viện dã chiến số 13, sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch COVID-19 có diễn tiến xấu.
Ngày 11/1, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), các bệnh viện trên địa bàn, về triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.
Việc giao lưu, đi lại, thương mại qua biên giới tăng cao trong dịp Tết khiến nguy cơ xâm nhập của các biến thể mới rất lớn. Ảnh: NLD
Theo Giám đốc Sở Y tế, hiện dịch COVID-19 trên cả nước và TP.HCM cơ bản được kiểm soát, Việt Nam cũng chưa xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của chủng virus Omicron như các nước trên thế giới, nhưng gần đây, tình hình dịch tại nhiều nước diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng mới. Cùng với đó, việc giao lưu, đi lại, thương mại qua biên giới tăng cao trong dịp nghỉ lễ Tết sắp đến, nên nguy cơ xâm nhập của các biến thể là rất lớn.
Ngành y tế TP.HCM đang sẵn sàng các kịch bản trong tình huống xuất hiện biến thể phụ mới lây lan nhanh, gây bệnh nặng để chủ động ứng phó hiệu quả từ cửa khẩu đến cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục duy trì Bệnh viện dã chiến số 13, và sẽ kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch COVID-19 có diễn tiến xấu.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo tất cả bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn (trừ bệnh viện thẩm mỹ) sẵn sàng tiếp nhận, thu dung và điều trị người bệnh COVID-19. Đồng thời rà soát, chấn chỉnh, tăng cường công tác tiếp nhận, quản lý, điều trị ca bệnh COVID-19, nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng, hạn chế tối đa tử vong và bảo vệ các đối tượng nguy cơ trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
TP.HCM sẵn sàng mọi tình huống ứng phó khi đại dịch COVID-19 diễn tiến xấu. Ảnh: HCDC
Ngành y tế TP.HCM khẳng định luôn sẵn sàng kế hoạch triển khai 10.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức dành cho người bệnh COVID-19.
Sở Y tế giao Bệnh viện Nhiệt đới là bệnh viện tuyến cuối điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch. Yêu câu các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP.HCM tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các trường hợp người bệnh có bệnh lý đi kèm, hoặc bệnh lý nền nặng có nhiễm COVID-19 theo chuyên khoa, do bệnh viện tuyến dưới chuyển đến.
Cùng với đó, người đứng đầu ngành y tế thành phố yêu cầu tất cả bệnh viện trên địa bàn TP.HCM sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo trực 24/24, để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và cấp cứu của người dân. Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) xây dựng chi tiết các kịch bản, phổ biến và tổ chức diễn tập để đáp ứng tình huống khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Về công tác phòng chống dịch, tại cảng hàng không, cảng biển, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM giao HCDC chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, sẽ tổ chức trực 24/7, thực hiện giám sát tất cả người nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát thực tế. Người có triệu chứng nghi ngờ sẽ được đưa đến khu vực cách ly tạm thời, để khám sàng lọc, khai thác yếu tố dịch tễ và lấy mẫu test nhanh COVID-19.
Bệnh viện dã chiến số 13 vẫn duy trì và sẽ kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch COVID-19 có diễn tiến xấu. Ảnh: NLD
Trường hợp test nhanh âm tính, hành khách sẽ tiếp tục nhập cảnh và được hướng dẫn tự giám sát tại nơi lưu trú. Nếu test nhanh dương tính, HCDC sẽ phối hợp các ban ngành làm thủ tục nhập cảnh nhanh cho bệnh nhân, sau đó chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, giải trình tự gien.
HCDC thực hiện khử trùng máy bay, khu vực cách ly, lối đi nội bộ để phòng lây lan dịch bệnh.
Tại cảng hàng hải, HCDC cũng sẽ trực 24/7 để thu thập thông tin về tàu nhập cảnh qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia, qua thông báo từ các ban ngành, các đại lý tàu biển và trực tiếp từ tàu qua hệ thống thông tin liên lạc. Khi có thông tin trên tàu có thuyền viên có triệu chứng nghi mắc COVID-19, HCDC sẽ lên tàu kiểm tra và thực hiện test nhanh. Trường hợp test nhanh âm tính, thuyền viên tiếp tục làm việc bình thường và được hướng dẫn tự giám sát tại tàu.
Trường hợp test nhanh dương tính và có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ được cách ly tại tàu, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch và thông báo các ban ngành phòng lây nhiễm. Các thuyền viên còn lại làm việc bình thường.
HCDC sẽ lấy mẫu chuyển bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để xét nghiệm RT-PCR, giải trình tự gien.
TP tiếp tục đẩy mạnh tiêm phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn. Ảnh: VGP
Trường hợp test nhanh dương tính và có triệu chứng nặng, sẽ làm thủ tục cho thuyền viên lên bờ, sau đó chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để chăm sóc, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, giải trình tự gien. HCDC thực hiện khử trùng tàu, các khu vực liên quan... để phòng lây lan dịch bệnh.
Phòng chống dịch tại cộng đồng, người đứng đầu ngành y tế thành phố giao HCDC và Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức đảm bảo phân công trực 24/24 giờ, báo cáo các trường hợp mắc COVID-19 mới và các bệnh truyền nhiễm khác, như sốt xuất huyệt, bệnh cúm A (H5N1, H7N9)… Báo cáo điều tra ca bệnh và hoạt động phòng chống dịch mỗi ngày.
Hệ thống giám sát phải tăng cường hoạt động, nhằm phát hiện sớm các ổ dịch COVID-19, chùm ca mắc bệnh COVID-19, chùm ca viêm hô hấp có diễn biến, có đặc điểm tăng bất thường theo thời gian, theo khu vực...
Đối với những đơn vị tổ chức các sự kiện, lễ hội có tập trung đông người, ngành y tế yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, như hướng dẫn người tham gia tuân thủ quy định 2K (trang và khử khuẩn tay); bố trí bồn rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay.
Lãnh đạo Sở Y tế giao HCDC xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch và diễn tập, để sẵn sàng đáp ứng tình huống khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19. Tháng cao điểm tiêm vaccine COVID-19 được thực hiện từ ngày 5/1 đến hết ngày 2/2, kể cả ngày nghỉ Tết. Yêu cầu tất cả bệnh viện, trung tâm y tế và trạm y tế trên địa bàn TP tổ chức điểm tiêm vaccine COVID-19 trong tháng cao điểm. Riêng 7 ngày nghỉ Tết, mỗi quận huyện duy trì tối thiếu 2 điểm tiêm cố định tại bệnh viện quận, trung tâm y tế. Danh sách và địa điểm, lịch tiêm phải công khai đến người dân.
Các quận huyện lập danh sách người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều quy định. Tuyên truyền, vận động đến từng người dân để đồng thuận tiêm ngừa COVID-19…
Tính đến tháng 9/2022, 88% người dân TP.HCM đã nhiễm Covid-19. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron được nhận định là...