Hơn 98% người dân TP.HCM có kháng thể ngừa Covid-19

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tính đến tháng 9/2022, 88% người dân TP.HCM đã nhiễm Covid-19. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron được nhận định là tác nhân chính của việc nhiễm tự nhiên ở người dân trên địa bàn.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện khảo sát trên 839 mẫu huyết thanh của người dân TP.HCM, phát hiện hơn 98% có kháng thể ngừa Covid-19.

Việc khảo sát được thực hiện từ tháng 9/2022, theo đặt hàng của Sở Y tế TP.HCM. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên 839 người ở mọi độ tuổi (từ 0 đến trên 70 tuổi), giới tính và các khu vực địa lý khác nhau trên địa bàn thành phố, để thu thập các mẫu huyết thanh của họ, nhằm đo các kháng thể kháng protein N.

Qua đó, nhóm nghiên cứu đánh giá tỷ lệ người từng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và tỷ lệ có kháng thể kháng protein S, nhằm đánh giá người đã có kháng thể phòng ngừa, bảo vệ do được chủng ngừa hoặc nhiễm bệnh trước đó.

Kết quả ghi nhận 88,2% mẫu thu nhận có kháng thể kháng protein N, 98,7% người dân có kháng thể kháng protein S từ nhiễm tự nhiên hoặc đã tiêm vắc xin.

Hơn 98% người dân TP.HCM có kháng thể ngừa Covid-19 - 1

Tỷ lệ người dân có kháng thể chống lại protein S của vi rút SARS-CoV-2 và phân bố nồng độ của kháng thể này theo các lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM cung cấp.

Trong đó, kháng thể kháng protein N là kháng thể chỉ xuất hiện từ việc nhiễm Covid-19 tự nhiên, hoặc sau khi tiêm vắc xin bất hoạt Sinopharm - loại vắc xin được sử dụng rất hạn chế ở TP.HCM và không được sử dụng ở nhóm dưới 18 tuổi. Tỷ lệ dương tính với kháng thể này ở các nhóm tuổi khác nhau trong nhóm nghiên cứu phân bố khá tương đồng, dao động từ 86% đến 97% ở các nhóm tuổi từ dưới 5 đến dưới 70 tuổi. Riêng nhóm 70 tuổi trở lên, tỷ lệ này là 76%.

Từ đây, nhóm nghiên cứu kết luận, tính đến tháng 9/2022, có 88% người dân TP.HCM đã từng nhiễm nCoV. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron được nhận định là tác nhân chính của việc nhiễm tự nhiên ở người dân trên địa bàn dựa vào tình hình dịch tễ chung của thành phố và thời điểm mở cửa trường học tháng 3/2022.

Về kháng thể kháng protein S, có đến 98,7% người dân đã có kháng thể này, do nhiễm Covid-19 tự nhiên hoặc thông qua tiêm chủng. Tỷ lệ này cũng khá tương đồng ở tất cả các địa bàn được khảo sát của thành phố. Chỉ còn một tỷ lệ rất nhỏ (1,3%) người dân không có kháng thể kháng protein S (nồng độ kháng thể ở mức dưới ngưỡng phát hiện của kỹ thuật xét nghiệm). Tuy nhiên, không có nghĩa rằng nhóm người này không được bảo vệ trước SARS-CoV-2, vì đợt khảo sát này không đánh giá đáp ứng miễn dịch tế bào.

Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tìm hiểu mức ngưỡng nồng độ kháng thể dương tính bảo đảm đạt mức độ bảo vệ trước biến chủng Omicron.

Trong tháng 12 tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khảo sát diễn tiến huyết thanh học cộng đồng và mối liên quan giữa dữ liệu về kháng thể với mức độ nặng của bệnh theo các nhóm tuổi trên địa bàn TP.HCM, để có thể xem xét đánh giá thêm mức độ hiệu quả của miễn dịch cộng đồng đối với SARS-CoV-2.

Theo đơn đặt hàng của Sở Y tế TP.HCM, một yêu cầu quan trọng và rất thiết thực là triển khai công trình nghiên cứu khoa học để đánh giá mức độ miễn dịch cộng đồng của người dân sau giai đoạn thành phố trở thành tâm dịch COVID-19 khốc liệt nhất, và nhất là sau giai đoạn cả thành phố đã nỗ lực triển khai hoạt động tiêm vắc xin cho người dân.

Biết được tỷ lệ người dân có miễn dịch chống lại vi-rút SARS-CoV-2 (do đã mắc bệnh hoặc do đã tiêm vắc xin) có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở khoa học để thuyết phục người dân phải tiêm vắc xin nếu tỷ lệ có kháng thể chưa cao. Đồng thời cũng là cơ sở khoa học để kêu gọi người dân tiêm nhắc lại theo đúng quy định, để duy trì khả năng miễn dịch, nếu tỷ lệ có kháng thể tại thời điểm khảo sát đã ở mức bảo vệ cộng đồng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo

CLIP HOT