TP.HCM: Nâng tầm trải nghiệm và dịch vụ hướng tới du khách nội

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thành phố tập trung chính vào mục tiêu tăng số lượng khách đến đồng thời gia tăng lợi ích của ngành du lịch với người dân địa phương, chú trọng vào du lịch trải nghiệm và bền vững.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành du lịch TP.HCM, bà Nguyễn Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM cho biết việc tạo đột phá trong quảng bá, xúc tiến được cho là giải pháp tiên quyết giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai.

Theo đó, trọng tâm của hoạt động quảng bá xúc tiến của du lịch Thành phố năm 2022 được xác định là phục hồi, tăng trưởng và tiếp tục phát triển ngành du lịch.

Những nỗ lực quảng bá xúc tiến du lịch Thành phố sẽ tập trung chính vào mục tiêu tăng số lượng khách đến thăm đạt mức trước đại dịch, đồng thời gia tăng lợi ích của ngành du lịch với người dân địa phương qua việc chú trọng vào du lịch trải nghiệm và duy trì tính bền vững trong ngành. 

TP.HCM: Nâng tầm trải nghiệm và dịch vụ hướng tới du khách nội - 1

Bà Nguyễn Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM.

Trong năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tiếp tục chú trọng phát triển, nâng chất lượng các sự kiện trong nước vươn tầm quốc tế; phấn đấu tăng dần tỷ lệ xã hội hóa.

Trong đó bổ sung 1 sự kiện được xã hội hóa 100%; triển khai hiệu quả các Thỏa thuận hợp tác đã ký kết; đổi mới hoạt động xúc tiến nước ngoài phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới; tập trung đẩy mạnh truyền thông quốc tế; đầu tư nâng chất sự kiện xúc tiến nước ngoài trên cơ sở lựa chọn thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, tăng cường hợp tác quốc tế trong xúc tiến du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin du lịch thông minh, đẩy mạnh khai thác đa dạng hoá kênh thông tin quảng bá du lịch cho cộng đồng và khách du lịch; nâng chất hoạt động của các Trạm thông tin và Hỗ trợ khách du lịch. 

Với bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tình hình mở cửa biên giới ở các quốc gia còn chưa thống nhất, du lịch nội địa vẫn là hướng khai thác chủ đạo để phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới.

Toàn ngành ưu tiên đảm bảo an toàn cho du khách và người dân, đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi du lịch nội địa và quốc tế thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thường niên và thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến dịch COVID-19, cũng như đảm bảo phương thức, nội dung hoạt động của các chương trình xúc tiến sự kiện phù hợp với tình hình thực tế, ít chịu tác động của dịch bệnh.

Các hoạt động quảng bá xúc tiến tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng hiện đang đóng cửa vẫn sẽ được chú trọng triển khai để đảm bảo rằng TP.HCM là điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút du khách. Trên cơ sở đó, du lịch Thành phố xây dựng kế hoạch cho các hoạt động xúc tiến nước ngoài năm 2022.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp khôi phục, phát triển du lịch năm 2021 – 2022 và tầm nhìn đến năm 2025 như tổ chức lại hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động các khu, điểm du lịch hiện có; xây dựng Khu ẩm thực thủy hải sản đặc sắc Cần Giờ, phát triển kinh tế về đêm huyện Cần Giờ; hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch; kết nối các doanh nghiệp, khảo sát và triển khai các tuyến du lịch đường sông; nâng cao hiệu quả giới thiệu, quảng bá du lịch.

Tập trung triển khai các giải pháp mang tính chiến lược để phát triển bền vững; kêu gọi và hình thành các sản phẩm kinh tế du lịch ngoài ngân sách, khuyến khích và tạo điều kiện mạnh mẽ cho các nhà đầu tư các sản phẩm du lịch.

TP.HCM: Nâng tầm trải nghiệm và dịch vụ hướng tới du khách nội - 2

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ

Chia sẻ về các giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh thành nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Vietravel cho rằng cần tập trung giải pháp giải quyết một số vấn đề như đồng bộ các chính sách giữa TP.HCM và các tỉnh thành, đồng bộ quy định về giao thông vận tải, di chuyển giữa các vùng, địa phương với nhau từ đó các doanh nghiệp lữ hành nắm thông tin và cơ sở để chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh phục vụ khách hàng. Nâng cấp kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng. Cần tập trung làm rõ thế mạnh sản phẩm đặc thù từng địa phương, khu vực để từ đó liên kết thành chuỗi sản phẩm dịch vụ hấp dẫn hơn như vậy mới thu hút được du khách trong và ngoài nước.

Về hướng liên liên kết sản phẩm du lịch giữa TPHCM và các địa phương tỉnh thành, Vietravel đề xuất hướng triển khai chuỗi liên kết sản phẩm dịch vụ sẽ liên kết theo chiều dọc qua các tuyến quốc lộ và liên kết theo chiều ngang thông qua các tuyến đường nội tỉnh hoặc đường thủy. Đối với các tuyến trục dọc hay chiều hàng ngang, mỗi địa phương nằm trên trục đều có những đặc trưng, lợi thế du lịch riêng và không trùng lặp nhau, có thể hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Từ đó có thể xây dựng được sản phẩm theo từng phân khúc, phù hợp với các đối tượng và nhu cầu khách khác nhau.

TP.HCM: Nâng tầm trải nghiệm và dịch vụ hướng tới du khách nội - 3

Ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Vietravel

“TP.HCM và các tỉnh thành liên kết cần có chiến lược quy hoạch chung nguồn nhân lực để phục vụ trong lĩnh vực này trong dài hạn như hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, các trường đại học trong và ngoài tỉnh thành để phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch trong giai đoạn mới hiện nay. 

Ngoài ra, để công tác triển khai liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh thành được hiệu quả, cần thành lập các Tổ công tác chung giữa các ban ngành hữu quan TP.HCM và các tỉnh thành liên kết, các vùng kinh tế trọng điểm để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại nhằm tháo gỡ để tạo động lực cho ngành du lịch phát triển trở lại”, ông Duy nói.

Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist nhận định du lịch TP.HCM là bức tranh đa dạng, tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, khác biệt cần tiếp tục khai thác và làm mới liên tục nhằm phục vụ nhu cầu của 10 triệu dân Thành phố, đáp ứng yêu cầu kết nối với các tỉnh thành và phục vụ khách quốc tế. TP.HCM có rất nhiều tài nguyên du lịch, nhưng để tạo thành những chương trình tour khả thi phục vụ du khách cần đánh giá và khai phá yếu tố mới, sáng tạo phù hợp với xu thế du lịch an toàn nhưng phải mang tính đột phá, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, văn hoá bản địa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân xung quanh điểm tham quan

TP.HCM: Nâng tầm trải nghiệm và dịch vụ hướng tới du khách nội - 4

Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist

“Ở góc độ bao quát, đánh giá những tài nguyên có thể khai thác, kết hợp tạo thành sản phẩm du lịch có thể kể đến như Du lịch nội đô bằng xe đạp; Du lịch Bảo tàng; Du lịch lịch sử, văn hoá, kiến trúc đô thị Sài Gòn – TP.HCM; Du lịch văn hoá và ẩm thực; Du lịch vườn và du lịch cộng đồng; Du lịch sinh thái, trồng rừng;  Du lịch nông nghiệp chất lượng cao, kinh tế cao; Du lịch sông nước bằng bus đường sông/du thuyền; Du lịch kênh rạch nội đô; Du lịch bus 2 tầng Hop on - Hop off ngắm cảnh rừng; Du lịch tầng cao/trực thăng ngắm cảnh”, ông Mẫn chia sẻ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An - Hữu Long

CLIP HOT