Tỉnh Sóc Trăng duyệt giấy phép đầu tiên cho khai thác cát sông

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Để phục vụ Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (thành phần 4), UBND tỉnh Sóc Trăng chính thức xác nhận khu vực để nhà thầu khai thác cát.

Sáng 31/5, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết đơn vị đã duyệt giấy phép đầu tiên khai thác cát sông mỏ cát 05 của Tổng Công ty  xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12). Doanh nghiệp này là đơn vị trúng thầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án thành phần 4.

Theo đó, mỏ cát 05 thuộc địa bàn xã An Thạnh 1 và xã An Thạnh Đông củ huyện Cù Lao Dung với diện tích 100 ha. Tổng trữ lượng cát san lấp được phép khai thác lá 1.141.691 m3, công suất khai thác năm thứ nhất là 1 triệu m3, năm thứ 2  là 141.691 m3, khai thác bằng phương pháp lộ thiên với tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên 7,7 tỷ đồng.

Theo quyết định do Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam ký một ngày trước, địa phương đã giao tổ công tác liên ngành có trách nhiệm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác và tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính của nhà thầu; thường xuyên theo dõi, giám sát khối lượng khai thác đảm bảo việc khai thác cung cấp cho Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (gói thầu số 11) đúng theo Bản đăng ký của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.

Tỉnh Sóc Trăng duyệt giấy phép đầu tiên cho khai thác cát sông - 1

Cát là vật liệu xây dựng rất cần thiết cho việc thi công cầu, đường ở miền Tây. Ảnh: Duy Khang.

Nửa năm trước, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ bàn giao hồ sơ mỏ cát cho nhà thầu thi công dự án thành phần 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Đây là động thái tích cực của tỉnh Sóc Trăng nhằm lập hồ sơ, thủ tục khai thác cát theo cơ chế đặc thù, đảm bảo đủ vật tư và tiến độ hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch.

Theo Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, từ quý 3 năm nay đến cuối năm 2026, tổng số cát đắp nền của dự án thành phần 4 là hơn 7,5 triệu m3, cát xây dựng 579.900 m3, 818.700 m3 đất đắp và hơn 1,1 triệu m3 đá xây dựng. Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia, thành phần 4 do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp quyết định và phạm vi thực hiện từ Sóc Trăng đến địa bàn Hậu Giang là 58,37 km.

Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết địa phương có 5 mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng loại vật liệu dùng đắp nền đường.

Cụ thể, mỏ cát ký hiệu MS03 tại khu 4 của quy hoạch, diện tích 52,9833 ha, trữ lượng 1.190.520 m3 tại xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách; mỏ cát MS05 thuộc khu 5, rộng 100 ha, trữ lượng phê duyệt 3.360.000 m3 tại xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung; mỏ cát MS06 thuộc khu 5, rộng 57,3 ha, trữ lượng 1.978.133 m3 tại xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung; mỏ cát MS11 thuộc khu 6, diện tích 73,62 ha, trữ lượng khoảng 1.987.740 m3 tại thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề) và xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung); mỏ cát MS14 thuộc khu 5, diện tích 167,93 ha, trữ lượng khoảng 2.518.950 m3 tại xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung.

Trong đó, 3 mó cát đã cấp phép thăm dò cho doanh nghiệp và phê duyệt trữ lượng từ năm 2011 (MS03, MS05, MS06). Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường, đối với các mỏ đã được khảo sát, thăm dò xác định chất lượng, trữ lượng trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án, UBND các tỉnh, thành thực hiện các thủ tục xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công dự án.

Hồ sơ của 3 mỏ cát này đã có bản đồ địa hình đáy sông trong diện tích khảo sát, chất lượng cát, các mốc tọa độ của khu mỏ, kết quả phê duyệt trữ lượng (thành phần hồ sơ phê duyệt trữ lượng).

Tỉnh Sóc Trăng duyệt giấy phép đầu tiên cho khai thác cát sông - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (giữa) chủ trì và chứng kiến lễ bàn giao các mỏ cát cho 4 nhà thầu thi công đường cao tốc vào tháng 12/2023. Ảnh: Duy Khang.

Đối với 2 mỏ cát chưa cấp phép thăm dò (MS11, MS14), Sở Tài nguyên - Môi trường Sóc Trăng đã phối hợp với Liên Bản đồ Địa chất miền Nam (đơn vị tư vấn) tiến hành khảo sát nhanh. Kết quả mỏ cát MS11 có tổng tài  nguyên cát san lấp cấp 333 sau tuyển rửa là 805.862 m3; mỏ cát MS14 trên 426.400 m3. Các mỏ cát này có địa thế nằm ở cuối nguồn sông Hậu, pha lẫn nhiều tạp chất nên không trực tiếp sử dụng làm vật liệu san lấp được mà cần phải qua khâu tuyển rửa mới đảm bảo phục vụ cho dự án.

Theo kết quả lựa chọn nhà thầu, Ban Quản lý Dự án 2 (chủ đầu tư) đã giới thiệu đơn vị đầu mối đại diện các nhà thầu thi công để thực hiện các thủ tục khai thác mỏ vật liệu cát đắp nền đường cho dự án thành phần 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Từ nhu cầu sử dụng cát của từng gói thầu, trữ lượng của các mỏ cát và đề xuất của các nhà thầu thi công, Sở Tài nguyên - Môi trường và Ban Quản lý Dự án 2 thống nhất đề xuất UBND tỉnh xin ý kiến Ban Chỉ đạo điều hành các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xem xét giao hồ sơ các mỏ cát cho 4 nhà thầu thi công để lập thủ tục đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ dự án thành phần 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có vốn đầu tư 44.700 tỷ đồng, đã khởi công từ giữa tháng 6/2023. Điểm đầu của cao tốc kết nối quốc lộ 91 tại TP Châu Đốc (An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km đi qua tỉnh Sóc Trăng.

Giai đoạn 1 của dự án làm trước 4 làn xe rộng 17 m, vận tốc 80 km/h. Khi hoàn thiện mặt đường sẽ được mở rộng lên hơn 32 m với 6 làn xe, hoàn thành cuối năm 2026 và khai thác toàn tuyến vào năm 2027.

Tỉnh Sóc Trăng duyệt giấy phép đầu tiên cho khai thác cát sông - 3

Ông Ngô Thái Chân (bìa trái), Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Sóc Trăng trao quyết định bàn giao các mỏ cát trên địa bàn cho 4 nhà thầu. Ảnh: Duy Khang.

Theo hồ sơ dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, nhu cầu sử dụng cát khoảng 7 triệu m3. Đây là vướng mắc, khó khăn của dự án vì khối lượng cát rất lớn, phải huy động chủ yếu trong 3 năm (2023-2025).

Thông tin từ Bộ Giao thông – Vận tải, quy hoạch đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.188 km, quy mô 4-6 làn xe, được phân bổ đều toàn vùng với ba trục dọc và ba trục ngang.

Hiện, khu vực này đã có 90 km cao tốc đã khai thác và đang thi công; đến năm 2025, sẽ có thêm 458 km, trong đó hoàn thành cao tốc Bắc Nam phía Đông từ TP.HCM đến Cà Mau.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Duy Khang

CLIP HOT