Thương hồ bỏ đi, nguy cơ mất chợ nổi Cái Răng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sự phát triển nhanh của giao thông đường bộ ảnh hưởng lớn đến lượng ghe tàu trên chợ nổi, nhiều người lo lắng chợ nổi sẽ mất đi do nhiều hộ dân và ghe đang di dời sang nơi khác.

Thương hồ bỏ đi, nguy cơ mất chợ nổi Cái Răng - 1

Chợ nổi Cái Răng sôi động trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả. Ảnh: DUY KHÔI

Theo báo cáo từ UBND quận Cái Răng, chợ nổi hiện nay có khoảng 250-300 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản, khoảng 30 ghe nhỏ mua bán trái cây, ẩm thực địa phương. Bình quân mỗi ngày vào thời gian cao điểm có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách du lịch. Qua khảo sát có hơn 70% khách du lịch dến Cần Thơ lựa chọn tham quan chợ nổi Cái Răng.

Xác định chợ nổi Cái Răng có tầm quan trọng trong phát triển du lịch, UBND thành phố Cần Thơ  cũng đã phê duyệt Ðề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”. Qua 5 năm thực hiện đề án vẫn còn 2 hạng mục chưa hoàn thành là cầu tàu và trạm dừng chân.

Công tác bảo tồn và gìn giữ chợ nổi cũng gặp nhiều khó khăn, như chức năng quản lý nhà nước trên chợ nổi thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, với nhiều cấp chính quyền quản lý nên vẫn chưa có ban quản lý; sự phát triển nhanh của giao thông đường bộ ảnh hưởng lớn đến lượng ghe tàu trên chợ nổi; công tác bảo vệ môi trường còn bất cập; sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa phong phú, đa dạng…

Nhiều công ty du lịch đang lo lắng chợ nổi sẽ mất đi do nhiều hộ dân và ghe đang di dời sang nơi khác.

Tại các hội nghị, hội thảo gần đây, đã có nhiều kiến nghị các giải pháp giữ chân thương hồ, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, tổ chức lại hoạt động mua bán trên chợ nổi, xây dựng bến tàu du lịch nội địa, nâng chất Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng...

Thương hồ bỏ đi, nguy cơ mất chợ nổi Cái Răng - 2

Chợ nổi Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng. Ảnh: N.N

Chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái răng khoảng 600m với diện tích mặt nước khá rộng lớn, thuận lợi cho hoạt động của chợ nổi. 

Hình thức chào hàng khá độc đáo ở chợ nổi Cái Răng là sử dụng cây bẹo. Người bán loại hàng nông sản nào thì treo loại hàng đó lên một cây sào trên ghe để chào hàng. Những loại hàng hóa được bày bán trên ghe, thường thì mỗi ghe sẽ chuyên bán một loại mặt hàng.

Trước mỗi ghe hàng, thường có một cây xào chống, trên đó treo loại mặt hàng mà ghe có. Ví dụ như, nếu ghe chuyên bán khoai lang thì trên cây xào sẽ treo lủng lẳng vài củ khoai, còn nếu ghe bán xoài thì trên cây xào sẽ có treo vài quả xoài như thể muốn người mua biết rằng “Ở đây có bán khoai” hoặc “Ở đây có bán xoài”. Những ghe như thế gọi là ghe bẹo.

Thương hồ bỏ đi, nguy cơ mất chợ nổi Cái Răng - 3

Thuyền bán thơm sẽ trưng bày như thế này. Ảnh: N.N

Chợ nổi Cái Răng họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Ngày xưa, người dân thường dùng xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản để về họp chợ nổi. Bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Người chèo xuồng như nghệ sĩ uốn dẻo với cây chèo điều khiển những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà không hề va quệt.

Người miền Nam vốn chân chất, dân thương hồ trên sông nước miền Tây còn chân chất và đáng yêu hơn. Bởi họ phải vất vả mưu sinh trên sông nước hàng ngày, nên họ sống với nhau bằng cái tình của sông, của nước mênh mông và cởi mở. Không cố gắng tranh giành phần thắng, mà lựa nhau, nhìn nhau mà đi, lựa nhau mà bán, nhường nhịn, giúp đỡ, chia sẻ nhau mà sống. Đó là văn hóa tình người, điều làm nên sự đặc sắc của văn hóa chợ nổi Cái Răng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Như Ngọc

CLIP HOT