Thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 24/9, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe báo cáo phương án thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, làm việc với các doanh nghiệp về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái - 1

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Đường cao tốc của tỉnh Quảng Ninh có chiều dài 176km, bắt đầu từ Cầu Bạch Đằng chạy qua 8 huyện, thị, thành phố đến cửa khẩu Móng Cái, kết nối liên thông với cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất cả nước dài gần 600km, là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ 3 sân bay quốc tế (Nội Bài – Cát Bi – Vân Đồn) cùng hệ thống cảng biển và logistics, các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Phát triển du lịch đường bộ dọc tuyến Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái sẽ mang lại một loạt các hoạt động du lịch hấp dẫn và từ đó thúc đẩy cơ hội kinh doanh du lịch thông qua việc phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ phụ trợ. Bên cạnh đó, giúp cho các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương gia tăng lợi nhuận, tìm kiếm việc làm, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo sản phẩm mới, tăng cường hợp tác. Từ đó, có thể tạo ra tăng trưởng thêm cho hoạt động du lịch từ 15-20%.

Thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái - 2

Đại diện Sở Giao thông - Vận tải đóng góp ý kiến.

Theo phương án của Sở Du lịch, dự kiến sẽ phát triển sản phẩm du lịch theo tuyến cao tốc trên cả hai hướng: Hình thành các sản phẩm du lịch theo chủ đề (con đường chủ đề) về sản phẩm dọc tuyến và hình thành các sản phẩm đặc thù, riêng có của từng địa phương trên tuyến. Điều này sẽ khai thác một cách hiệu quả thế mạnh của các khu vực, tạo ra một chuỗi các điểm đến bản sắc xuyên suốt, đồng thời phân bổ lợi ích kinh tế xã hội ra nhiều địa phương.

Các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch được đưa ra bám sát tài nguyên du lịch của tỉnh: Nhóm tài nguyên tại TX Quảng Yên và TP Uông Bí (tâm linh, văn hóa, lịch sử, gốm sứ mỹ nghệ, du lịch đồng quê..); khu vực TP Hạ Long (khai thác giá trị Vịnh Hạ Long, nghỉ dưỡng, sinh thái trên các đảo; du thuyền tham quan, thương mại, mua sắm, MICE…); khu vực Vân Đồn và Cẩm Phả (nghỉ dưỡng, ẩm thực biển, du thuyền tham quan…); khu vực Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà (du lịch sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm); khu vực TP Móng Cái (vui chơi, giải trí, ẩm thực biển, MICE, casino..)

Thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái - 3

Quang cảnh buổi họp.

Từ đó, phát triển các sản phẩm du lịch trên tuyến, định hướng theo các loại hình: Sản phẩm du lịch sinh thái; du lịch biển; du lịch lịch sử - văn hóa, tâm linh; du lịch khám phá, mạo hiểm. Sở Du lịch cũng đưa ra phương án phát triển thị trường khách, chương trình du lịch cụ thể và tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.

Tại cuộc họp, các đơn vị đóng góp ý kiến về việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng vùng miền để thu hút du khách; chủ động tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; sớm xây dựng và đưa vào hoạt động các điểm dừng chân trên cao tốc….

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Sau khi nghe phương án thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Du lịch cần lắng nghe ý kiến của các đơn vị để hoàn thiện phương án, rút gọn các sản phẩm đặc trưng để xây dựng điểm đến cụ thể, tour tuyến phù hợp, hình thành các gói combo để đáp ứng các phân khúc và yêu cầu của các đối tượng du khách. Từ đó, các địa phương có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, chỉnh trang, phát triển cho các điểm đến đó. Đồng chí cũng yêu cầu bổ sung thêm huyện Cô Tô và TX Đông Triều để gia tăng nguồn khách và động lực phát triển cho các địa phương này. Thời gian tới, Sở Du lịch cần sớm tổ chức chương trình hội thảo để các đơn vị, sở, ngành, lữ hành, kinh doanh du lịch đóng góp ý kiến và đưa ra giải pháp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền có trọng điểm, trong đó quan tâm đến hình thức quảng bá trực tuyến một cách hiệu quả.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Quỳnh (Báo Quảng Ninh)

CLIP HOT