Quảng Ninh: “Hồi sinh” Công viên Sinh viên
Giai đoạn 2010-2015, trong bối cảnh cần tận dụng triệt để quỹ đất khả thi để tạo nguồn thu, nhằm đẩy mạnh lộ trình thành lập thành phố và nâng cấp đô thị, Uông Bí vẫn quyết định để lại diện tích đất 4,5ha ở vị trí rất thuận lợi (giáp QL18A, đối diện Trường Đại học Hạ Long) để làm Công viên Sinh viên.
Đây là nơi vui chơi giải trí, không gian công cộng tiện ích cho sinh viên và người dân trong khu vực… Để Công viên Sinh viên thực sự hoạt động như mục đích đặt ra, từ các nguồn vốn, trong đó chủ lực là vốn ngân sách thành phố, Uông Bí cân nhắc đầu tư 45 tỷ đồng cho công trình này.
Bí thư Thành ủy Uông Bí Nghiêm Xuân Cường kiểm tra hiện trạng Công viên Sinh viên.
Nói về quyết định này, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Bùi Văn Thành cho biết: Quan điểm của lãnh đạo thành phố khi đó xác định rất rõ giá trị kinh tế và giá trị xã hội, nhân văn, hướng tới mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững đô thị. Mặc dù thời điểm đó, nếu diện tích đất này quy hoạch vào mục đích sử dụng khác, ví dụ như chia lô làm nhà ở thì khu đất này có giá thị trường 400-500 tỷ đồng… Ngoài ra, mặc dù nằm trong bối cảnh rất khó khăn về thu ngân sách, song TP Uông Bí vẫn cố gắng tiết kiệm chi để dành kinh phí đầu tư cho công trình này. Thời điểm năm 2013, toàn bộ số tiền hơn 7 tỷ đồng từ tiết kiệm 10% chi dự toán các đơn vị công của thành phố đã được đầu tư cho phần xây dựng công viên…
Theo thiết kế, Công viên Sinh viên chia làm 5 phân khu thể hiện 5 chủ đề khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo tính liên hoàn, kết nối. Tạo hình đặc thù của công viên là các đảo cây xanh (chiếm 1/2 diện tích), hồ điều hoà, đường nội bộ, nhà dịch vụ, hệ thống các khối tạo hình Disneyland, hệ thống điện chiếu sáng và các công trình phụ cận...
Các khu vực này đều có thể triển khai những hoạt động dịch vụ phù hợp, làm giàu giá trị nội hàm công viên và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. TP Uông Bí đã thu hút và giao cho 3 đơn vị doanh nghiệp triển khai các hoạt động dịch vụ.
Một khu trưng bày, giới thiệu cá Koi tại Công viên Sinh viên.
Sau quá trình đầu tư và hoàn thiện, năm 2019, Công viên Sinh viên chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là trong năm 2020-2021, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, có nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, cấm tập trung đông người nơi công cộng nên Công viên Sinh viên chưa được khai thác đúng mức.
Cùng với đó, cũng do tác động của đại dịch, các đơn vị, doanh nghiệp được giao phát triển hệ thống dịch vụ tại Công viên Sinh viên gặp khó về nguồn lực, chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung theo hợp đồng đã ký. Kết hợp với việc Công viên Sinh viên đang trong lộ trình chuyển giao về Trường Đại học Hạ Long quản lý theo quy định của tỉnh nên có thời điểm công tác đảm bảo vệ sinh môi trường chưa tốt, gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.
Các đơn vị triển khai dọn dẹp vệ sinh, mở cửa trở lại Công viên Sinh viên.
Trước tình trạng này, mới đây TP Uông Bí kiên quyết yêu cầu các đơn vị chuyên môn khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, các đơn vị được giao quản lý công viên phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ theo các hợp đồng đã ký với UBND thành phố về quản lý, khai thác, đầu tư công trình, đảm bảo đúng mục đích, phù hợp với quy định của pháp luật.
Ghi nhận tại Công viên Sinh viên, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP Uông Bí, các đơn vị đã tiến hành dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên, cắt cỏ, phát quang toàn bộ khu vực, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, đảm bảo vệ sinh môi trường; duy tu, bảo dưỡng các tài sản hiện có thuộc phạm vi khuôn viên; mở tất cả các cổng thuộc khuôn viên từ sáng sớm và buổi chiều tối để phục vụ nhu cầu công cộng (tập thể dục, vãng cảnh...) của sinh viên, nhân dân trong và ngoài khu vực. Với không gian xanh, thoáng đãng, người dân bắt đầu quay trở lại tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tại đây.
Nhân viên Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Uông Bí cắt tỉa cây cảnh tại Công viên Sinh viên.
Theo Bí thư Thành ủy Uông Bí Nghiêm Xuân Cường, những hoạt động trên mới chỉ là chuyển động ban đầu. Để Công viên Sinh viên thực sự trở lại, là công trình sôi động, thiết yếu theo đúng mục tiêu thành phố đề ra cần phải có chiến lược đầu tư một cách bài bản, hiện đại. Ở đây sẽ là sự cộng hưởng của thành phố và các doanh nghiệp, trong đó đối với doanh nghiệp, yêu cầu phải là những đơn vị có năng lực, thực sự tâm huyết, trách nhiệm với công trình này.
Được thiết kế dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng, tinh thần tôn trọng văn hóa bản địa và nỗ lực đi đầu...