An Giang sau hợp nhất: Vùng đất mới – Tầm nhìn mới
Tại hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030”, Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã trình bày những suy nghĩ ban đầu với mong muốn góp thêm góc nhìn, từ trải nghiệm và tình cảm gắn bó với Tứ giác Long Xuyên, với vùng đất, con người Đồng bằng sông Cửu Long, với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo ông Phó chủ tịch Quốc hội, năm 1819, Thoại Ngọc Hầu, vị quan trấn thủ kiên trung, chỉ huy đào con kênh Vĩnh Tế dài gần 90 km, chạy dọc biên giới Tây Nam, nối liền Châu Đốc với Hà Tiên. Trong điều kiện cực kỳ gian khó, ông không chỉ nghĩ đến chuyện khơi nước cho ruộng đồng, mà còn định hình không gian phát triển chiến lược: giữ đất biên cương, khai mở kinh tế và gắn kết giao thương. Ông không chỉ đào một con kênh mà ông còn đào sâu tầm nhìn hàng trăm năm.
Năm 2025, chúng ta đứng tại thời điểm giao mùa của lịch sử, của không gian hành chính mới, của sắp xếp, tổ chức bộ máy mới, giữa những xáo trộn, bất định toàn cầu, khi thời tiết diễn biến cực đoan, khi dòng Cửu Long không còn chảy theo cách cũ, khi nông nghiệp không còn là cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương. Chúng ta đang cùng nhau trả lời câu hỏi: “Chúng ta cần làm gì để tiếp nối bậc tiền nhân, dốc hết sức, cùng “đào” ra tương lai tươi đẹp cho An Giang?”.
Vùng đất mới – Tầm nhìn mới
An Giang – Kiên Giang, hợp lực trong dáng hình của tỉnh An Giang mới, không chỉ là mở rộng về diện tích, địa giới, mà là một không gian cơ hội mới. An Giang giờ đây vừa là đầu nguồn, vừa là cuối sông; vừa có đất ngập nước, vừa có đất chuyển tiếp ra biển; vừa là vùng sản xuất, vừa là hệ sinh thái đa dạng, độc đáo.
An Giang giờ đây là vùng đất hội tụ, đó là rừng tràm, đất phèn, đồng lúa, núi thiêng và sông lớn; có sông Hậu, có kênh Vĩnh Tế, có biển Tây, có biên giới với nước bạn Campuchia; những cánh đồng tôm - lúa luân canh, những vùng nuôi trồng thủy sản ven rừng, ven biển, ven đảo, những lễ hội tôn giáo đa dạng, những khu du lịch thu hút đông đảo du khách, những làng chài, làng nghề nông gắn bó bao đời.
Theo ông Lê Minh Hoan, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tư duy kinh tế, trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo và định hướng kinh tế xanh, là yêu cầu cấp thiết. Thay vì phân ngành đơn lẻ, chia tách nông nghiệp với lâm nghiệp hay ngư nghiệp, cần tiếp cận theo tư duy mới: nông nghiệp như một hệ sinh thái đa tầng, đa lĩnh vực, nơi mọi giá trị được tích hợp, gắn kết chặt chẽ.Ông Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo.
Giá trị sinh thái: Tăng trưởng, phát triển ngành nông nghiệp mà không làm tổn thương đến chất lượng đất, nguồn nước, rừng, nguồn lợi thuỷ sản, không gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Giá trị kinh tế: Tăng năng suất, nhưng phải đảm bảo chất lượng, đa dạng sản phẩm, gắn với nhu cầu, yêu cầu liên tục thay đổi của thị trường toàn cầu; không chỉ quan tâm đến giá bán, mà còn chú trọng tối ưu chi phí sản xuất, cắt giảm hiệu quả chi phí đầu vào; thúc đẩy sức mạnh của kinh tế hợp tác, của mua chung – bán chung, của “chia sẻ lợi ích – san sẻ rủi ro”.
Giá trị xã hội - văn hóa: Gắn nông nghiệp với nâng cao năng lực cộng đồng, với du lịch, giáo dục, bản sắc văn hóa, với tài nguyên bản địa.
Giá trị công nghệ - tri thức: Sản xuất gắn với ứng dụng các tiện ích thông minh, chuyển đổi số, dự báo biến đổi khí hậu.
Giá trị đổi mới sáng tạo: An Giang không chỉ là “vùng nguyên liệu” mà còn là “vựa ý tưởng mới”. Nông nghiệp gắn kết từ đất liền đến mặt nước, từ trung tâm đến biên giới, từ đồng bằng đến biển Tây.
Kênh Vĩnh Tế, không chỉ là kênh dẫn nước, mà là kênh dẫn gắn kết công nghiệp hoá, hình thành hành lang logistics đường thuỷ nội địa, gắn với các cụm liên kết công - nông nghiệp: lúa - gạo, thuỷ sản, trái cây - chế biến, hay trục động lực kinh tế xanh gồm nông sản, thủy sản - du lịch – logistics: trung tâm nuôi trồng, chế biến cá tra, tôm nước lợ công nghệ cao, khôi phục hoạt động chợ nổi, khai thác du lịch sinh thái sông nước, lễ hội, tôn giáo.
Việc hình thành không gian kinh tế nông nghiệp kết nối “đồng bằng - biên giới - biển Tây”, trong đó, đồng bằng là Tứ giác Long Xuyên như vùng lõi để thực nghiệm các mô hình nông nghiệp thông minh - tuần hoàn; khu vực biên giới giúp tận dụng lợi thế kinh tế biên mậu, quy hoạch vùng đệm sản xuất kết nối xuất khẩu sang nước bạn Campuchia; biển Tây kết hợp điện gió, nuôi biển công nghệ cao, chế biến sâu – hình thành chuỗi giá trị thủy sản bền vững.
Phát triển kinh tế biển
“Chiều xuống đứng bên cầu nghe sóng biển. Nắng thu vàng chiếu rạng bến bờ… Nghề đánh cá an nhàn nơi sóng biển. Thấy ăn làm nhớ chuyện thánh thần”, lời bài hát thể hiện sự gắn bó đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh bao đời, kinh tế biển của An Giang có dư địa phát triển rất lớn, góp phần quan trọng đưa nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển”.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, kinh tế biển gắn kết chặt chẽ với ba trụ cột trong chiến lược kinh tế thuỷ sản là “Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng - Bảo tồn biển”. Kinh tế biển hiện thực hóa “Chiến lược Tam Ngư”: Ngư nghiệp - Ngư dân - Ngư trường. Kinh tế biển bắt đầu từ những giải pháp thiết thực cùng nhau hành động để tháo gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU. Kinh tế biển được tạo dựng từ các “Cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thuỷ sản” - một thiết chế phát huy sức mạnh của cộng đồng.Phú Quốc phát triển mạnh về kinh tế biển.
Nghị quyết 57, Nghị quyết 68 – Phát triển nông nghiệp dựa trên khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và vai trò dẫn dắt của kinh tế tư nhân, của doanh nghiệp dẫn đầu. Định hướng tăng trưởng, phát triển nông nghiệp An Giang cần kết nối với vai trò chủ đạo của các viện nghiên cứu, trường đại học, đặc biệt trong lĩnh vực: thủy sản, lúa gạo, biến đổi khí hậu. Kết nối với các tổ chức quốc tế tìm kiếm những ý tưởng canh tác nông nghiệp vượt trội, những kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia có điều kiện tương đồng.
Mô hình thử nghiệm an toàn “sandbox” trong nông nghiệp hoàn toàn có thể được mạnh dạn triển khai từ các hợp tác xã, tổ liên kết của bà con nông dân để ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới như số hóa đồng ruộng, ao nuôi, tưới tiêu cảm biến, mô hình tuần hoàn, canh tác hữu cơ, giảm phát thải…
Bên cạnh đó, An Giang cần tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân, nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, theo tinh thần Nghị quyết 68 - “Lộc Phát”. Doanh nghiệp dẫn đầu dẫn dắt ngành hàng, đầu tư logistics, công nghệ chế biến. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp địa phương tham gia như “vệ tinh”, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp được khuyến khích thử nghiệm các mô hình, giải pháp mới, ứng dụng số hóa, du lịch cộng đồng, truyền thông số cho nông nghiệp...
Thịnh vượng khởi đầu từ người nông dân
“Tri thức hóa nông dân”, nâng cao năng lực của cộng đồng dân cư nông thôn, của bà con nông dân sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực và bền vững. Định hướng phát triển nông nghiệp An Giang cần xác định vai trò chủ thể của nông dân.
Bà con nông dân không chỉ làm nông, nuôi trồng thủy sản đơn thuần, mà được hướng dẫn, đồng hành để tiếp cận kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường, công nghệ và hợp tác làm trung tâm. Hơn hết, vai trò, vị thế của người nông dân được tái định vị: không chỉ là người sản xuất mà là người chủ động ra quyết định, sẵn lòng thích ứng với sự thay đổi, sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, liên kết.
Chính bà con nông dân sẽ tạo nên cộng đồng dân cư nông thôn học tập suốt đời, khi được tiếp cận hạ tầng số, được đào tạo kỹ năng số. Mô hình “bình dân học vụ số” có thể được triển khai tại nhà văn hóa, điểm sinh hoạt hội quán nông dân – nơi bà con được giới thiệu các tựa sách hay,các giải pháp khuyến nông thiết thực, các chính sách, yêu cầu mới thị trường, hay kỹ năng canh tác, sản xuất không gây tác hại cho môi trường…
Bà con nông dân có chương trình OCOP – mỗi làng một sản phẩm, thế thì tại sao cán bộ, công chức chúng ta không nghĩ đến việc triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sáng kiến chuyển đổi”?
Cán bộ xã, phường phụ trách lĩnh vực nông nghiệp hôm nay không thể chỉ làm theo chức năng, mà phải làm bằng năng lực, làm bằng sự thấu hiểu và lòng chân thành. Không thể chỉ ngồi tại bàn ký giấy tờ, mà phải biết về làng, xuống tận thôn xóm, đến từng hộ nông dân, lắng nghe, thấu hiểu từng vấn đề cụ thể của cộng đồng dân cư nông thôn.
“Ba cùng” là cùng làm, cùng hiểu, cùng tạo dựng, cần là châm ngôn hành động của cán bộ nông nghiệp. Phải xuống tận nơi để biết vì sao hộ dân này vẫn chưa thoát nghèo, vì sao hợp tác xã kia hoạt động chưa hiệu quả, vì sao thanh niên chưa mặn mà với khởi nghiệp. Trả lời những câu hỏi từ thực tiễn chính là một sáng kiến chuyển đổi thiết thực.
Tại hội thảo này, ông Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh rằng hướng đến APEC 2027, An Giang đang tất bật triển khai 21 dự án hạ tầng trọng điểm. Ngành Nông nghiệp có thể đề ra dự án thứ 22 – dự án mềm với tên gọi chủ đề xuyên suốt “Ấn tượng Nông nghiệp An Giang”.
Các sản phẩm được giới thiệu, phục vụ tại sự kiện APEC 2027 là sự kết tinh của chất lượng, của giá trị kinh tế nông nghiệp, của thương hiệu nông sản chuyển tải thông điệp sản phẩm. Là từng bữa cơm từ hạt gạo phát thải thấp trong Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Là từng sản phẩm thủy sản được chọn lựa kỹ lưỡng, theo quy trình quản lý chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí môi trường nước. Là từng sản phẩm rơm rạ tái chế, tuần hoàn, thân thiện với môi trường được tinh tế giới thiệu đến từng đại biểu, khách dự quốc tế. Là hình ảnh tươi tắn, thân thiện của bà con nông dân, ngư dân chăm chút cho từng sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn.
“Hôm nay, chúng ta không chỉ thảo luận, đóng góp cho văn kiện Đại hội Đảng bộ Tỉnh, mà chúng ta cùng nhau phác thảo và hành động vì một An Giang của năm năm tới, mười năm tới và xa hơn nữa. An Giang sẽ là địa phương nghĩ mới, làm mới bằng những dòng chảy tự nhiên, linh hoạt và sáng tạo, bằng tinh thần đổi mới, năng động của “dòng kênh Vĩnh Tế thời đại số”. Bậc tiền nhân đã dày công đào kênh bằng tay, bằng cuốc xẻng, bằng tất cả sức lực và tâm huyết, thì hôm nay chúng ta quyết tiếp nối, khơi nguồn phát triển bằng trọn vẹn trí tuệ, niềm tin và tình yêu thương với quê hương, xứ sở”, Phó chủ tịch Quốc hội chia sẻ.