Phát triển du lịch bền vững: Việt Nam đã sẵn sàng cho việc trở lại đường đua?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phát triển du lịch bền vững tác động đến toàn bộ kinh tế - xã hội cũng như môi trường hiện tại và tương lai. Sau đại dịch COVID-19, liệu Việt Nam đã sẵn sàng cho sự thay đổi và vươn lên trở thành một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới?

Phát triển du lịch bền vững: Việt Nam đã sẵn sàng cho việc trở lại đường đua? - 1

Vén màn các yếu tố kìm hãm phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch, cũng như người dân bản địa. Đồng thời, du lịch bền vững cũng quan tâm đến các vấn đề bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên phục vụ cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến ngành du lịch nói chung và du lịch bền vững nói riêng. Mới đây, Đại học RMIT Việt Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch và Khách sạn 2022 nhằm thảo luận về các xu hướng mới nhất trong ngành và đảm bảo Việt Nam đi đúng hướng với xu hướng toàn cầu 2030 vì sự phát triển bền vững.

Phát triển du lịch bền vững: Việt Nam đã sẵn sàng cho việc trở lại đường đua? - 2

Diễn đàn Du lịch và Khách sạn 2022 bàn về tiềm năng của du lịch Việt Nam trong thời kỳ sau đại dịch.

Về những điểm còn hạn chế, ông Jason Choi - Tổng Giám đốc Cathay Pacific Airways tại Việt Nam và Campuchia cho biết hệ thống sân bay của Việt Nam rất đông đúc, nhiều máy bay, nhiều đường bay gây tắc nghẽn, trì hoãn giờ bay mặc dù các hãng hàng không đã cố gắng để đối phó thực trạng này.

"Ngành hàng không ở Việt Nam còn dư địa tăng trưởng rất lớn nhưng cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để các hãng hàng không mở rộng phát triển với tốc độ có thể đáp ứng nhu cầu đang bùng nổ. Hơn nữa, Việt Nam sở hữu nhiều di sản, điểm du lịch hấp dẫn nhưng chưa được quảng bá rộng rãi bên ngoài đất nước. Tôi mong chính phủ sẽ đầu tư nhiều hơn để những địa điểm này phát huy hết tiềm năng", ông Choi nhận định.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Mỹ Trang - Giám đốc Kiểm soát Chất lượng Dịch vụ, Trưởng Bộ phận Trải nghiệm Khách hàng, Bamboo Airways cho rằng ngành du lịch và khách sạn của Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Tại sân bay, thậm chí không đủ nhân viên làm thủ tục check-in cho khách hàng. Vấn đề thiếu nhân sự cũng xảy ra đối với đội ngũ phi công, tiếp viên hàng không, hậu cần mặt đất như dịch vụ hành lý và nhiều bộ phận khác. Sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều nhân viên hàng không sau khi chịu ảnh hưởng đã chuyển ngành. Chúng tôi không thể đưa nhân viên có kinh nghiệm trở lại làm việc ngay lập tức, trong khi mất rất nhiều thời gian để đào tạo một nhân sự. Tình trạng thiếu hụt nhân sự ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không theo nhiều cách và sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa", bà Trang chia sẻ.

Phát triển du lịch bền vững: Việt Nam đã sẵn sàng cho việc trở lại đường đua? - 3

Các phiên thảo luận có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành du lịch.

RMIT và những nỗ lực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại Việt Nam, ngành du lịch đòi hỏi cần phải có sự bền vững vì tác động rất lớn đến kinh tế, chính trị, các chính sách của đất nước. Trong năm 2019, Việt Nam là một trong mười quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, chiếm gần 10% GDP và còn hứa hẹn tăng trưởng hơn nữa. Mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch sẽ đóng góp trực tiếp 12%-14% vào GDP và đến năm 2030 sẽ đóng góp 15%-17% vào GDP.

Năm 2022 cũng là năm đánh dấu mốc kỷ niệm năm năm thành lập ngành học Quản trị Du lịch và Khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam, đơn vị tổ chức diễn đàn Du lịch và Khách sạn 2022.

Phát triển du lịch bền vững: Việt Nam đã sẵn sàng cho việc trở lại đường đua? - 4

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Đại học RMIT Việt Nam, phát biểu tại sự kiện.

"Một trong những mục tiêu cốt lõi của đội ngũ giảng viên chúng tôi và sinh viên chính là đóng góp vào sự phát triển lâu bền của ngành du lịch Việt Nam. Chúng tôi không chỉ tập trung vào tăng trưởng số lượng khách du lịch và doanh thu, mà còn hướng tới sự tăng trưởng bền vững", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro – Giảng viên cấp cao, Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam nhận định.

Cụ thể hơn, Tiến sĩ Jackie Ong – Chủ nhiệm bộ môn Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ: "Phương pháp học lý thuyết tích hợp thực hành của RMIT với các liên kết ngành mạnh mẽ sẽ tạo điều kiện cho sinh viên sẵn sàng tham gia thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. Chúng tôi hiện thực hóa điều này theo nhiều khía cạnh như: mời các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao tới lớp học, đưa sinh viên đến thăm và tham gia với các doanh nghiệp tại nơi làm việc và với các chương trình thực tập chuyên sâu, nơi sinh viên được thực sự học hỏi tại chỗ… Phương pháp này trang bị cho sinh viên những kiến thức thực tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam".

Chương trình Quản trị Du lịch và Khách sạn tại RMIT sẽ cung cấp cho sinh viên cả kiến thức lý thuyết lẫn thực tiễn về ngành, cũng như nền tảng vững chắc về quản lý kinh doanh, tài chính, marketing, kỹ năng mềm và năng lực tiếng Anh ở trình độ cao nhất. Với chất lượng đạt chuẩn quốc tế, đồng thời giao thoa hòa hợp với các giá trị văn hóa Việt Nam, chương trình còn tạo điều kiện cho sinh viên đứng vào hàng ngũ thế hệ lãnh đạo có thể làm việc hiệu quả ở cả các tổ chức trong nước lẫn quốc tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhịp sống kinh tế (Chuyên trang Nhịp sống kinh tế Báo Tổ Quốc)

CLIP HOT