Thương Sài Gòn, nhớ Gia Định
Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương (First News và NXB Tổng Hợp TP.HCM) của Cù Mai Công tuy ra sau rất nhiều tác phẩm viết về mảnh đất Sài Gòn, nhưng độc giả vẫn không thấy cũ.
Như chuyện mà không phải ai cũng biết: trong một thời gian dài chợ Bến Thành không có bảng tên, hay ngôi chợ Bến Thành đầu tiên đã bị xóa sạch vết tích sau một cơn binh lửa. Đành rằng chợ Bến Thành ngày nay được xem là một trong những biểu tượng của Sài Gòn, nhưng giở trang sách, lần hồi về quá khứ của một nơi chốn ta thường tới lui, đi qua, bỗng thấy như lạc về cõi miền nào xa lạ. Lịch sử đã đập đi rồi dựng lại, trả cho Sài Gòn - TP.HCM một biểu tượng trường tồn bền lâu.
Tác phẩm được in 6.000 bản trong lần ấn hành đầu tiên.
Nhưng cần bao lâu để một người đi hết Sài Gòn? Địa lý thì chẳng nói, nhưng đi hết Sài Gòn của lịch sử, văn hóa, của lớp lớp mới cũ chồng chất lên nhau, mỗi bước đi là một lần khám phá và tái khám phá. Đi đến tường tận như thế, mới coi như là trọn tình với thành phố này.
Tác phẩm mới này của Cù Mai Công là những chuyến đi lùi về quá khứ. Có thể thấy điều này qua cấu trúc cuốn sách. Dù mang tên Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương, nhưng "Sài Gòn thương" xuất hiện trước rồi mới đến "Gia Định nhớ". Mà cũng hữu lý thôi, ta phải thật thương, thật yêu một vùng đất; từ cái lẽ thương yêu đó mới khiến ta nhớ nhung từng mảnh hồn của nơi chốn đó hoặc bồi hồi trước mỗi sự đổi thay.
Nhớ và có cả tiếc, như tiếc một khu rừng cao su giữa Sài Gòn đã biến mất, chỉ còn lại trong ký ức của người xưa. Tác giả cũng thuộc vào lớp người xưa ấy, bồi hồi nhớ lại những khoảnh rừng cao su cuối cùng, thuở ông cùng bè bạn vào đó chơi, "bày trận" đánh nhau với trẻ con xóm bạn.
Khu rừng cao su Phú Thọ không phải biến mất sau một đêm "bể dâu" mà cứ lần hồi thu hẹp, để rồi thế hệ hôm nay sẽ ngơ ngác lắm nếu có ai đó hỏi về một khu rừng cao su ở Sài Gòn. Những ai sống ở đây trong hơn non mười năm trở lại sẽ nhớ, hóa ra hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng cũng đã biến mất như thế, chỉ còn trong ký ức.
Vốn thuộc một gia đình miền Bắc, đến Sài Gòn từ năm 1954, nhà báo Cù Mai Công có sự gắn bó với vùng đất này, đặc biệt là khu Ông Tạ, chốn sinh trưởng của tác giả. Vì vậy, tính biên khảo trong Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương đã được "làm mềm" đi bằng những tình cảm gắn bó, sự háo hức tìm kiếm lịch sử của đất lành phương Nam.
Từ khu Ông Tạ, đứa trẻ lớn lên, đi xa hơn, khám phá các ngóc ngách của Sài Gòn, cho đến tuổi trung niên vẫn say mê với cuộc tìm kiếm của mình và đem được sự say mê đó vào trang sách; giới thiệu cho những cư dân của Sài Gòn hôm nay (và cả mai sau) về một Sài Gòn - Gia Định thuở ban đầu, với những nền móng quy hoạch, những con đường ký ức, "khung trời đại học" và cả những cư dân Sài Gòn của mấy thế kỷ trước.
Sách còn có nhiều hình ảnh, bản đồ, như thể tác giả trở thành một hướng dẫn viên tận tụy và nhiệt thành chỉ dẫn cho độc giả đường đi lối về của Gia Định - Sài Gòn. Những kỷ niệm cá nhân, những hồi ức chung về một thành phố sẽ chẳng bao giờ là cũ dù sách nói toàn chuyện cũ người xưa.
Thành phố vẫn không ngừng vận động và đổi thay. Nhưng nói như tác giả Cù Mai Công: "Dưới ánh nắng sớm rực rỡ của một ngày mới, Sài Gòn lại tinh khôi và tràn đầy sức sống như ngày đầu tiên, như cách mà nó đã từng vượt qua bao cuộc thăng trầm trong suốt hơn ba thế kỷ".
Trong tín ngưỡng Đạo giáo xưa kia của người Hoa, Bà Thiên Hậu hay còn gọi là Thiên Hậu Thánh Mẫu – là một nữ thần...