Phải chặn mối nguy tiềm ẩn: F0 'lang thang' chưa rõ lây nhiễm từ đâu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong khi đa số bệnh nhân COVID-19 xác định được nguồn lây, TP.HCM đối diện với khá nhiều ca F0 "lang thang" chưa rõ lây nhiễm từ đâu. Đây chính là mối nguy tiềm ẩn vì có thể sẵn sàng bùng lên chuỗi lây mới bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Phải chặn mối nguy tiềm ẩn: F0 'lang thang' chưa rõ lây nhiễm từ đâu - 1

Người dân nhận hàng từ bên ngoài phải giữ khoảng cách trên 2m tại hẻm 477 Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH

Trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 gần đây, các ngành chức năng của TP.HCM đều có chung nhận định "các chuỗi lây nhiễm đã từng bước được khống chế". Tuy vậy, vẫn còn có những ca chưa rõ nguồn gốc được phát hiện trong cộng đồng.

Liên tục có ca "chưa rõ nguồn lây"

Những ngày gần đây, số ca nhiễm chưa rõ nguồn lây được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cập nhật liên tục. Các ca này phân bố rải rác từ Hóc Môn, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, TP Thủ Đức... với đặc điểm chung được phát hiện qua xét nghiệm diện rộng hoặc vào bệnh viện khám sàng lọc khi có triệu chứng. 

Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế, có ít nhất 38 ca nhiễm COVID-19 chưa xác định được nguồn lây, trong đó có 8 ca được phát hiện nhờ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, 30 ca còn lại được phát hiện ở các bệnh viện khi người bệnh đến khám sàng lọc.

Liên quan một trường hợp nghi nhiễm làm việc tại Công ty PouYuen (Q.Bình Tân), HCDC truy vết xác định đây là một chuỗi chưa rõ nguồn lây nhưng hiện đã lây cho 8 người. Chuỗi lây nhiễm này khởi đầu từ một cư dân ở chung cư Ehome 3 (P.An Lạc, Q.Bình Tân) được xác định dương tính từ ngày 6-6. 

Quá trình truy vết, cơ quan y tế phát hiện thêm một ca nhiễm khác ở cùng tòa nhà và sau khi lấy mẫu xét nghiệm thì phát hiện thêm 5 ca khác. 

Ca nghi nhiễm làm việc tại Công ty PouYuen vừa được phát hiện là vợ của 1 trong 5 ca nhiễm nêu trên. Như vậy, nếu tính cả ca nghi nhiễm chưa được Bộ Y tế công bố, chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn này đã phát triển sang chu kỳ thứ 3 (F3).

HCDC cho biết trong số 39 ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố ngày 9-6, có 2 ca chưa xác định nguồn lây đang được điều tra dịch tễ. Trước đó một ngày (8-6), HCDC cũng cho biết có 8 ca chưa rõ nguồn lây tại các quận 11, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Phú và TP Thủ Đức. 

Trong số này có các ca là F1 của các ca bệnh còn chưa xác định được nguồn lây. Đơn cử ca bệnh tại phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức (BN9016) trước đó có tiếp xúc gần với hai ca bệnh khác (BN8126 và BN8127), mà bản thân 2 ca này đang được cơ quan chức năng tích cực truy tìm nguồn lây.

Đánh giá về nguy cơ của việc xuất hiện các ca F0 "lang thang" này, ngành y tế TP.HCM cho rằng đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nên "nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan đến 1, 2 thành viên trong gia đình". 

Về nguồn gốc, có thể dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước trong dịp nghỉ lễ và có thể người dân đã tiếp xúc với ca bệnh hoặc đi qua các địa điểm có ổ dịch trong cả nước.

Phải chặn mối nguy tiềm ẩn: F0 'lang thang' chưa rõ lây nhiễm từ đâu - 2

                 Xét nghiệm mẫu tại khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM  Ảnh: DUYÊN PHAN

Quyết liệt nhiều giải pháp

Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đến nay TP ghi nhận có 22 cơ sở y tế có người nhiễm COVID-19 từng đến khám chữa bệnh. 

Trong đó có 13 cơ sở chủ động phát hiện và cách ly xét nghiệm kịp thời, 9 bệnh viện hoàn toàn bị động. Hậu quả của việc bị động này là có 2 bệnh viện có nhân viên y tế mắc COVID-19, bệnh viện cũng buộc phải phong tỏa và ngưng hoạt động.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết việc tồn tại nhiều F0 chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng là điều rất nguy hiểm. "Nếu không được phát hiện ngăn chặn kịp thời, những F0 mất dấu này vẫn tồn tại lang thang ngoài cộng đồng và đẩy mức độ lây lan dịch bệnh ngày càng rộng. 

Nếu cắt được F0 đồng nghĩa với việc cắt được nguồn lây và từ đó ngăn chặn được chuỗi lây nhiễm bệnh" - bác sĩ Hùng nói. 

Lấy ví dụ về chuỗi lây nhiễm ở nhóm truyền giáo Phục Hưng, bác sĩ Hùng khẳng định "ngành y tế đã đi sau một bước". Điều này kéo theo việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả mang lại không được triệt để như mong muốn.

Để kiểm soát các ca F0 "lang thang", theo bác sĩ Hùng, có rất nhiều giải pháp, trong đó giãn cách xã hội đang là một giải pháp hiệu quả nhất, gần như ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh, nếu mọi người dân đều ý thức tuân thủ nghiêm túc. 

Bởi khi giãn cách xã hội thì dù một người có bị bệnh thực sự, nếu tuân thủ cách ly trong gia đình, không tiếp xúc ai sẽ không có khả năng lây bệnh. Ngoài ra, theo bác sĩ Hùng, cần phải đẩy thật nhanh quá trình xét nghiệm diện rộng để "bắt" các ca F0 "lang thang". 

"Nếu xét nghiệm đại trà với tốc độ cao trên diện rộng sẽ lòi ra các ca F0 không có triệu chứng. Việc này nếu đủ nguồn lực có thể làm xoay vòng 3 ngày/lần và làm trong 3 lần liên tục sẽ gom hết được các ca F0 trong cộng đồng" - ông Hùng phân tích.

Một vấn đề "khả thi nhất", theo bác sĩ Hùng, là triển khai test nhanh. Việc này mọi người dân có thể tự test được và khi "có vấn đề" sẽ gọi điện thoại cho HCDC để được hướng dẫn làm thêm xét nghiệm khẳng định. 

Áp dụng test nhanh đồng thời cũng sẽ giúp sàng lọc được ca bệnh ở trên diện rộng, nhanh và nhiều lần. Tuy vậy, theo bác sĩ Hùng, test nhanh hiện nay không được triển khai đại trà bởi chi phí khá cao.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

P.V (Theo Báo Tuổi trẻ)

CLIP HOT