Nhiều tỉnh, thành phố công bố cấp độ thích ứng an toàn dịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Căn cứ vào hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố cấp độ thích ứng an toàn với dịch bệnh. 6 địa phương đạt tiêu chí "bình thường mới".

Một tuần sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhiều địa phương công bố mức độ dịch và đưa ra các hướng dẫn thực hiện với các loại hình kinh doanh, dịch vụ, hoạt động vận tải hành khách...

6 tỉnh, thành phố công bố "bình thường mới"

Tại Lào Cai, UBND tỉnh này công bố dịch Covid-19 trên địa bàn hiện ở cấp 1, nguy cơ thấp và đạt mức "bình thường mới". Theo đó, địa phương cho phép tổ chức đám hỏi, đám cưới, đám tang, nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng chống chống dịch như giữ khoảng cách 1 m giữa các bàn ăn, hạn chế việc mời khách ngoại tỉnh.

Lào Cai cũng cho phép tổ chức các hoạt động tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch được phép hoạt động.

Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao,... cũng được phép hoạt động với yêu cầu đảm bảo 5K, giới hạn số người tham gia cùng lúc.

Nhiều tỉnh, thành phố công bố cấp độ thích ứng an toàn dịch - 1

Lào Cai cho phép rạp chiếu phim hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Chí Hùng.

Tương tự, các địa phương miền Bắc như Nam Định, Bắc Ninh, Cao Bằng, Quảng Ninh, cũng công bố cấp độ dịch ở cấp 1. Với cấp độ này, toàn tỉnh, thành phố cơ bản về trạng thái "bình thường mới", hầu hết hoạt động được khôi phục với điều kiện đảm bảo các biện pháp an toàn với dịch bệnh.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai ngày 15/10, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phan Huy Anh Vũ cho biết căn cứ Nghị quyết số 128, tỉnh Đồng Nai thuộc cấp độ 1 (bình thường mới).

Ở quy mô cấp huyện, Đồng Nai không ghi nhận địa phương nào ở cấp độ 3, 4. Có 3 địa phương ở cấp độ 2 (TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom). 8 địa phương còn lại xếp cấp độ 1. Ở quy mô cấp xã, không ghi nhận xã nào ở vùng cấp độ 4; còn 8 xã xếp cấp độ 3; 12 xã cấp độ 2 và 150 xã cấp độ 1.

Với cấp độ bình thường mới, Nghị quyết 128 cho phép địa phương hoạt động lại tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, cơ sở làm đẹp…

Tuy nhiên, đến 15h ngày 17/10, Đồng Nai chưa có văn bản chính thức công bố việc cho phép hoạt động trở lại các lĩnh vực này. Riêng Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu chưa công bố cấp độ dịch.

Dịch ở cấp độ 2 được hoạt động những gì?

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa ra văn bản về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở cấp độ 2 trên toàn tỉnh, dựa theo các tiêu chí nêu trong Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Với cấp độ này, người dân tỉnh Vĩnh Phúc được yêu cầu không tập trung quá 50 người tại khu vực công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và khi thực hiện các hoạt động thể thao ngoài trời.

Các cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục thể thao trong nhà được hoạt động nhưng không quá 30 người mỗi ca. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thư viện, triển lãm, chiếu phim, bảo tàng và các cơ sở văn hóa khác, giải đấu thể thao được phép hoạt động nhưng không quá 50% công suất.

Trong khi đó, nhà hàng ăn uống được phép hoạt động nhưng không quá 70% công suất, đóng cửa trước 23h hàng ngày.

Nhiều tỉnh, thành phố công bố cấp độ thích ứng an toàn dịch - 2

TP Đà Nẵng bắt đầu cho hoạt động lại nhiều loại hình dịch vụ trong đó có quán ăn, cà phê tại chỗ. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tương tự, Hưng Yên cũng công bố tỉnh hiện đạt cấp độ dịch ở cấp 2. Địa phương này yêu cầu không hoạt động quá 50% công suất, không quá 10 người trong một phòng kín với các dịch vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán giải khát; cơ sở cắt tóc, gội đầu, spa, chăm sóc sắc đẹp, massage, gym, yoga...

Địa phương tiếp tục dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vỉa hè; dịch vụ vũ trường, karaoke, quán bar, game, Internet.

Tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến cho biết theo hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, địa phương sẽ mở nhiều hoạt động, dịch vụ tương đương với cấp độ 2.

Theo đó, Đà Nẵng cho phép cơ sở ăn uống, nhà hàng được phép mở cửa bán tại chỗ với mật độ tập trung không quá 50%, các hoạt động hội nghị tập trung không quá 40 người. Địa phương cũng chưa cho phép mở lại hoạt động kinh doanh karaoke, massage, vũ trường, spa.

Cùng với 3 tỉnh, thành phố trên, nhiều địa phương khác cũng công bố mức độ dịch ở cấp 2 là: Quảng Trị, Bình Phước, Long An, Cần Thơ.

Dịch tại TP.HCM và Hà Nội ở cấp độ nào?

Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn đáp ứng ở cấp độ 1, nguy cơ thấp và ở trạng thái "bình thường mới". Hai tiêu chí được đánh giá gồm: tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian và độ bao phủ vaccine.

Hà Nội đang trong tiến trình mở cửa từng bước một. Ngày 15/10, TP cho hoạt động lại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Trong khi đó, đến chiều 17/10, UBND TP.HCM chưa chính thức công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tuy nhiên, tại chương trình livestream "Dân hỏi – Thành phố trả lời" tối 15/10, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đánh giá thành phố đang ở cấp độ 3 (vùng cam) và có thể sớm chuyển sang cấp độ 2 (vùng vàng).

Theo ông, mức độ nguy cơ về dịch bệnh ở TP.HCM thay đổi theo từng ngày nên Sở Y tế đang yêu cầu các quận, huyện hàng tuần đánh giá lại tùy theo số ca mắc mới. Việc đánh giá thường xuyên sẽ thuận lợi cho người dân khi lưu thông đến khu vực, địa bàn khác.

Để thích ứng an toàn với dịch bệnh, TP.HCM duy trì hình thức tầm soát ngẫu nhiên ở nơi nguy cơ như trường học, bệnh viện, siêu thị. Trung tâm y tế các quận, huyện hoặc HCDC sẽ thực hiện việc này bằng cách xét nghiệm ngẫu nhiên 10-20% người đang làm việc trong cùng cơ quan, thay vì xét nghiệm tầm soát hàng loạt như trước đây

Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất cũng phải tổ chức xét nghiệm khi phát hiện nhân viên nào có triệu chứng nghi ngờ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mỹ Hà - Thu Hằng (Zing News)

CLIP HOT