Du khách, công ty du lịch lúng túng trước quy định của địa phương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các quy định về đi lại và y tế của địa phương chưa thống nhất khiến du khách cân nhắc chuyến đi, còn công ty du lịch gặp khó khi chuẩn bị sản phẩm.

Tháng 9, anh Đức An (Hải Phòng) dự định đưa gia đình tới Sa Pa (Lào Cai) để nghỉ dưỡng, kết hợp trekking sau thời gian dài ở nhà vì dịch Covid-19. Anh tìm hiểu trên hướng dẫn của Sở Y tế tỉnh Lào Cai thì Hải Phòng là vùng xanh, gia đình anh sẽ không phải cách ly mà chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 72h.

Tuy nhiên khi gọi theo đường dây nóng của Sở Y tế, anh được hướng dẫn nếu di chuyển qua Hà Nội để đến Lào Cai thì phải cách ly 7 ngày, vì vậy gia đình anh hủy chuyến đi.

Trung tuần tháng 10, khi biết Lào Cai đã xếp Hà Nội vào vùng xanh, anh An có mong muốn trở lại Sa Pa nhưng sẽ đợi thêm. Anh chia sẻ vì quy định mỗi nơi một khác và chưa công bố cấp độ thích ứng an toàn Covid-19 nên anh không chắc mình có bị cách ly khi đi và trở về địa phương.

Du khách, công ty du lịch lúng túng trước quy định của địa phương - 1

Hiện Hà Nội đã dừng kiểm tra phương tiện ở 22 chốt cửa ngõ. Ảnh chụp tại chốt giáp ranh Hà Nội - Bắc Ninh ngày 14/10, khi chốt còn duy trì. Ảnh: Gia Chính

Tương tự, chị Thảo Trang rất mong chờ được du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng) trở lại, dù vậy chuyến bay giữa Hà Nội - Đà Lạt vẫn chưa nối lại và thành phố cũng chưa mở đón khách ngoại tỉnh.

Chị Trang chia sẻ ngoài mục đích du lịch để giải tỏa căng thẳng còn muốn tới Đà Lạt để thăm người nhà đã 4 tháng không gặp vì Covid-19. Hiện chị rất quan tâm tới quy định xét nghiệm, cách ly đối với người Hà Nội (vùng xanh) và du khách có thể đi tự do hay buộc phải theo tour ở các địa phương. Với chị, nếu phải đi Đà Lạt theo tour khép kín thì sẽ không còn thấy hấp dẫn.

Không chỉ du khách, quy định kiểm soát đi lại và y tế ở các địa phương cũng đang gây khó cho doanh nghiệp du lịch, để chủ động chuẩn bị chương trình tour.

Ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, chia sẻ các địa phương đang gấp rút thực hiện phân loại cấp độ dịch, tuy nhiên vẫn chưa đồng nhất, đặc biệt là thiếu công bố phân cấp cụ thể tới từng phường, xã.

Điều này gây lúng túng cho doanh nghiệp du lịch. Ông ví dụ, hiện quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được tính là vùng xanh, tuy nhiên khu vực Bệnh viện Việt Đức lại là vùng đỏ. Vì vậy để hướng dẫn cho du khách đi tour ngoại tỉnh, các công ty cần tìm rất nhiều quy định, không chỉ ở nơi đến mà còn cả ở các địa phương đi qua.

Hay trước đó, sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, công ty đã chủ động đề xuất với Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Ninh... tổ chức thí điểm loại hình tour tự lái xe khép kín. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất gặp phải là quy định ở mỗi nơi khác nhau và còn e dè trong việc tổ chức tour cho khách từ Hà Nội, là vùng đỏ theo phân loại của nhiều địa phương.

Ông Thái chia sẻ du lịch ngoài hấp dẫn, thì du khách còn quan tâm tới sức khỏe và an toàn. Về góc độ doanh nghiệp lữ hành, công ty không thể chỉ đơn thuần đăng bán tour mà còn phải tư vấn rất kỹ việc quy định ở địa phương thế nào, du khách có thể quay lại nơi cư trú sau chuyến đi không, chi tiết cơ sở lưu trú, nhà hàng thế nào...

"Trong thời gian ngừng hoạt động vì Covid-19, doanh nghiệp cần sự chuẩn bị từ sớm nhất để khôi phục trở lại. Du lịch thì cần đơn giản hóa thủ tục, chung sống và thích ứng với dịch bệnh", ông nói. Doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương nên sớm ban hành bộ quy tắc chung, có sự thống nhất để khai thông việc khôi phục hoạt động du lịch. Đối với các hãng hàng không, cần xem xét kế hoạch bay giữa các tỉnh thành phố, giá vé phù hợp theo từng nhóm nhỏ và khách dưới 18 tuổi.

Du khách, công ty du lịch lúng túng trước quy định của địa phương - 2

Tỉnh Quảng Bình đã đón đoàn khách đầu tiên trở lại từ TP HCM ngày 15/10, du khách cần kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 72h trước chuyến bay, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: SDLQB

Sự thống nhất, đồng bộ những chính sách vĩ mô chung trong cả nước là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi. Đây là ý kiến của bà Nguyễn Lê Hương, Phó tổng Giám đốc Vietravel, trong một tọa đàm ngày 15/10. Theo bà Hương, an toàn là điều kiện ưu tiên số một nhưng hiện nay các thủ tục hành chính giữa các địa phương rất nhiều, đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm. Nếu vẫn duy trì thế này, du lịch không thể phát triển.

"Trong Nghị quyết 128 cũng có đề cập đến vaccine hiện nay là điều kiện tiên quyết. Chúng ta hiểu rằng, chỉ khi vaccine được tiêm, nơi đến và nơi đi an toàn, người dân mới trở lại với du lịch, còn mọi nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng không thể nào kích cầu lại du lịch", bà nói.

Bà Hương kiến nghị Tổng cục Du lịch có ý kiến gửi các địa phương để thống nhất chính sách đón khách. Đặc biệt cần nhìn nhận lại khái niệm, không phải những nơi có dịch là vùng đỏ, yêu cầu khách phải cách ly, mà còn phải căn cứ theo độ phủ vaccine theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá cao Nghị quyết 128 của Chính phủ khi đề xuất rất cụ thể các biện pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả. Ông khẳng định, hành khách sẽ chỉ đi du lịch trở lại trong điều kiện được bảo đảm an toàn và những thủ tục thuận tiện nhất có thể.

Đại diện cho doanh nghiệp lữ hành, ông Bình đề xuất các địa phương tập trung tiêm vaccine cho những trọng điểm kinh tế, du lịch. Ngành du lịch cũng cần được trao thẩm quyền chọn các trọng điểm, xác định các điểm an toàn, qua đó các bộ ngành liên quan có thể ủng hộ và hỗ trợ.

Tới ngày 16/10, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Long An đã công bố tình hình dịch ở cấp 2. Các địa phương như Nam Định, Quảng Ninh quy định người đến từ các địa phương vùng 1, 2, 3 không cần kết quả xét nghiệm nCoV, cách ly. Các trọng điểm du lịch khác như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Đà Nẵng... vẫn có những quy định kiểm soát đi lại nhưng không đồng nhất.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lan Hương (Vnexpress)

CLIP HOT