Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch cộng đồng của tỉnh Thái Nguyên vẫn đang "loay hoay" vì thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.

Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn là một trong 4 dòng sản phẩm du lịch chính tại Thái Nguyên. Thế nhưng đến nay, địa phương này chưa có nhiều mô hình du lịch cộng đồng nổi bật và hấp dẫn du khách, ngoài không gian văn hóa trà và vùng chè đặc sản Tân Cương hay khu bảo tồn sinh thái làng nhà sàn dân tộc Thái Hải.

Một số mô hình du lịch cộng đồng đang được hình thành, như ở xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), xã Phú Đình (huyện Định Hóa)… Tuy nhiên, không ít hộ dân hoặc cơ sở dịch vụ tại các địa phương này vẫn đang "loay hoay" vì thiếu nguồn lực hoặc kiến thức về du lịch cộng đồng.

Tại xã La Bằng, một nhà hàng chuyên về cá tầm khai trương thêm các phòng lưu trú, với mục tiêu đón khách trải nghiệm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, việc thiếu kiến thức và kỹ năng làm du lịch khiến chủ cơ sở này rất lo lắng: "Lúc đầu tôi chỉ đơn giản nghĩ đến đâu làm đến đó, không theo hướng dẫn hay tư vấn của ai. Vì tự phát nên cơ sở còn nhiều thiếu sót, chúng tôi vẫn đang cố gắng để hoàn thiện và mong được các chuyên gia du lịch hỗ trợ".

Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên - 1

Homestay Tân Sơn tại xã La Bằng, huyện Đại Từ. Ảnh: Báo VOV

Cũng tại huyện Đại Từ, vùng chè xã Hoàng Nông đã có quy hoạch và đề án phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng. Đến nay, hoạt động du lịch vẫn chưa được đầu tư, không có dịch vụ vui chơi giải trí nên sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Du khách chỉ đến đồi chè chụp ảnh rồi ra về. "Không có tiền để làm du lịch, chúng tôi đành chờ doanh nghiệp đến đầu tư để thúc đẩy du lịch, như thế mới mong có đời sống khấm khá hơn", người dân tại xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông cho biết.

Theo đánh giá của Sở VHTT&DL Thái Nguyên, mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh trong thời gian qua đã có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển tự phát với tâm lý "mạnh ai nấy làm" sẽ khiến du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn hoạt động kém hiệu quả và thiếu bền vững. Để hỗ trợ người dân, Sở VHTT&DL Thái Nguyên đã đưa đoàn doanh nghiệp và chuyên gia đến khảo sát một số cơ sở du lịch cộng đồng tại huyện Đại Từ và huyện Võ Nhai, qua đó tư vấn, nâng cao kiến thức kỹ năng đón khách và giúp người dân quảng cáo sản phẩm qua mạng xã hội.

Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên - 2

Sở VHTT&DL Thái Nguyên tổ chức đoàn doanh nghiệp khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Đại Từ và huyện Võ Nhai. Ảnh: Báo VOV

Qua chuyến khảo sát, ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc công ty du lịch AZA Travel cho biết, ngoài thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên và ẩm thực, nhiều hộ dân chưa biết cách làm du lịch: "Có những nhà sàn không phù hợp cho khách ngủ vì mùa đông sẽ rất lạnh, không thể để hai khách nam nằm chung đệm mà chỉ có một cái chăn. Nhà vệ sinh cũng chưa đảm bảo. Người dân chưa biết cách khuyến khích du khách chi tiêu, mua sắm. La Bằng là vùng chè nổi tiếng cả nước nhưng chưa có ai giới thiệu hay kể chuyện về sản phẩm này, trong khi khách du lịch luôn có mong muốn được tiêu tiền".

Theo chuyên gia du lịch này, nếu La Bằng xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà thì phải nâng trải nghiệm trà thành môn nghệ thuật, đầu tư cho công tác thuyết minh và làm các sản phẩm từ trà như bánh trà xanh, trà matcha… phù hợp với thị hiếu của du khách hiện nay. Đặc biệt, các cơ sở lưu trú phải được tư vấn để không chỉ đầy đủ tiện nghi mà còn đẹp mắt, ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương và thân thiện với môi trường.

Ông Vũ Văn Tuyên – Giám đốc công ty Travelogy bày tỏ lo ngại, nếu "thả lỏng" cho người dân tự ý xây dựng và vận hành các homestay thì rất khó phát triển bền vững: "Địa phương cần tập trung hỗ trợ cho một xóm hoặc một homestay cụ thể, từ cách vận hành, sử dụng vật liệu bản địa, đào tạo nhân lực, cách tạo ra thu nhập cho cộng đồng và giới thiệu sản phẩm tới du khách. Cần tạo ra một chuỗi cung ứng dịch vụ tại đó, như nhóm văn nghệ, nhóm tổ chức trò chơi dân gian hay nhóm làm sản phẩm phục vụ khách mua sắm… Ví dụ có một hộ dân trồng rau hoặc cây ăn quả, vừa cung ứng cho chuỗi dịch vụ du lịch, vừa đón khách đến trải nghiệm hoạt động nông nghiệp. Khách du lịch không thể đến La Bằng uống chè từ sáng đến tối mà cần phải có những hoạt động khác nữa".

Bên cạnh việc kết nối doanh nghiệp du lịch cho các hộ dân làm du lịch cộng đồng, Sở VHTT&DL Thái Nguyên cũng đang đẩy mạnh các đề án về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn mới. Trong đó, các nội dung về xây dựng nông thôn mới cũng gắn với thúc đẩy du lịch nhằm tạo sinh kế để người dân giảm nghèo.

"Tại Thái Nguyên, các di tích, di sản thường gắn với các vùng nông thôn hoặc cộng đồng người dân tộc thiểu số. Bằng việc hỗ trợ người dân phát triển du lịch bền vững, cả cộng đồng sẽ cùng có trách nhiệm giúp các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Phát triển du lịch cũng giúp người dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng để thu hút khách", ông Lê Ngọc Linh – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Thái Nguyên cho biết.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Nam (Báo VOV)

CLIP HOT