Mùa hè u ám với ngành du lịch "kinh đô ánh sáng" Paris

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngành du lịch tại "kinh đô ánh sáng" tiếp tục có một mùa hè ảm đạm. Ba tháng qua, lượng khách đến Paris chưa tới 4,7 triệu lượt, so với 10 triệu lượt vào mùa hè năm 2019. Các khoản nợ và nguy cơ phá sản khiến nhiều ông chủ đóng cửa hoặc rao bán khách sạn.

Theo LeFigaro, trước đại dịch Covid-19, mỗi năm thủ đô Paris đón khoảng 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó 75% là khách châu Âu còn 25% là đến từ các châu lục khác. Mặc dù Pháp đã nới lỏng các hạn chế trước mùa hè, các bảo tàng và địa điểm văn hóa tại Paris mở cửa trở lại nhưng lượng khách không như kỳ vọng. Từ tháng 6 đến tháng 8/2021, Paris chỉ đón khoảng 3,6 đến 4,7 triệu lượt khách.

Mùa hè u ám với ngành du lịch "kinh đô ánh sáng" Paris - 1

Du khách tham quan tại khu vực đồi Montmartre, Paris. Nguồn: AFP

Ngành du lịch Paris hồi phục chậm hơn so với nhiều địa phương, khi các khu du lịch ven biển tại Pháp tăng trưởng nhanh chóng trong mùa hè. Công suất phòng tại Paris kém hơn các nơi khác và doanh thu sụt giảm 60%. Lý do được cho là du khách từ thị trường xa không thể tới Paris. Sau 9 tháng đóng cửa, tháp Eiffel đón khách trở lại vào giữa tháng 7, nhưng tại đây chỉ có 13.000 khách mỗi ngày - bằng một nửa so với bình thường. 

Chủ một khách sạn hạng sang ở Paris nói: "Trước Covid-19, không ai trong chúng tôi tưởng tượng ra cảnh đóng cửa dù chỉ một ngày. Bây giờ chúng tôi phải làm điều đó, lựa chọn giữa đóng cửa và sa thải nhân viên". Pascal Mousset - Chủ tịch Tập đoàn khách sạn và nhà hàng GNI Île-de-France cho biết, các nhà hàng phục vụ khách châu Á và Mỹ đã đóng cửa. Khoảng 20% trong số hàng nghìn các khách sạn ở Paris đang trong tình trạng tài chính cực kỳ khó khăn.

Theo hiệp hội hướng dẫn viên FNGIC, lực lượng hướng dẫn viên du lịch cũng chứng kiến hoạt động giảm hơn 80% ở khu vực Île-de-France, bao gồm cả Paris. Romain Jouhaud - giám đốc một công ty cung cấp tour tham quan bằng xe cổ tại Paris cho biết đơn vị chỉ có 120 khách hàng trong mùa hè này. "Hầu hết khách hàng của chúng tôi đến từ Mỹ và Australia. Chúng tôi cố gắng có thêm khách trong nước, nhưng gặp khó vì giá dịch vụ cao so với mức chi tiêu thông thường của du khách Pháp".

Ông Didier Arino, Giám đốc Công ty Protourisme cho rằng, ngành du lịch Paris cũng giống như các thủ đô lớn tại châu Âu, vì phụ thuộc vào khách nước ngoài nên gặp khó khăn để hồi phục sau đại dịch Covid-19. Tại Paris, lượng khách nước ngoài từng chiếm 50% tại Bảo tàng tượng sáp Grévin, nhưng nay chỉ còn 10%. Trên sông Seine, công ty   du thuyền Vedettes de Paris đã chịu sụt giảm 50% ​​doanh thu so với năm 2019. Khách nước ngoài từng chiếm một nửa số lượng hành khách của công ty này.

Nhận thức được vấn đề, các doanh nghiệp du lịch tại Paris đang cố gắng điều chỉnh để thu hút du khách trong nước. Thời gian gần đây, tỷ lệ khách Pháp đến tháp Eiffel đã tăng lên khoảng 50%, so với 20% trước đây. Giám đốc Công ty Vedettes de Paris – bà Marie Bozzonie cho biết: "Chúng tôi đã học cách tự thay đổi, trả lại sông Seine và tháp Eiffel cho người dân Paris. Công ty đã bổ sung những đồ uống và âm nhạc trên tàu, đồng thời lắp đặt các khu vui chơi tại bến tàu".

Mùa hè u ám với ngành du lịch "kinh đô ánh sáng" Paris - 2

Tháp Eiffel nhìn từ khách sạn Crillon tại Paris. Nguồn: AFP/Patrick Kovarik

Các chủ khách sạn buộc phải giảm giá và thu hẹp quy mô ngay trong mùa hè cao điểm. Giá phòng 4 sao chỉ khoảng 70 EUR/đêm so với 150 EUR. Giá phòng 5 sao tại khách sạn Palace sang trọng chỉ còn 200 EUR/đêm, so với 800 EUR trước đại dịch. Chuỗi khách sạn của GNI đã đóng 6 trên 10 cơ sở, để tập trung lượng khách ít ỏi vào các khách sạn còn lại. Kevin Machefert, giám đốc tập đoàn sở hữu 21 khách sạn tại Paris cho biết sẽ phải bán 2 hoặc 3 khách sạn trong năm nay, nhưng không chắc sẽ có người mua. 

Kevin Machefert không phải ông chủ duy nhất nghĩ đến việc bán khách sạn. Từ mùa xuân năm nay, thị trường khách sạn Paris chứng kiến một đợt "rao bán hoảng loạn", khi giá bán khách sạn giảm 20% đến 40%. Du lịch Paris được kỳ vọng sẽ phục hồi khi đăng cai Cúp Bóng bầu dục thế giới 2023 và Thế vận hội mùa hè 2024, tuy nhiên trước nguy cơ phá sản, các chủ khách sạn không biết làm gì để cầm cự cho tới lúc đó.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Nam (Theo VOV)

CLIP HOT