Hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch như thế nào?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19.

Hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch như thế nào? - 1

Phố ông Đồ trong một sự kiện tổ chức ở TP.HCM

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành có liên quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách và được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể:

* Chính sách giảm giá điện

Năm 2020, chính sách cho phép các cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng theo giá điện sản xuất đã được thực hiện 2 đợt:

- Đợt 1 (tháng 4,5,6/2020) theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quyết định giá bán điện;

- Đợt 2 (tháng 10,11,12/2020) theo Nghị quyết số 180/NQ-CP ngày 17/12/2020  của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện theo đề xuất của Bộ Công Thương tại Báo cáo số 919/BC-BCT ngày 01/12/2020;

Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02/6/2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 cho các khách hàng sử dụng điện. Theo đó, các cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục được giảm giá điện từ tháng 6 đến tháng 12/2021.

* Chính sách giảm tiền thuê đất

Năm 2020, chính sách giảm tiền thuê đất được triển khai theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, theo đó, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất.

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, theo đó, thời gian gia hạn là 06 tháng kể từ ngày 31/5/2021. Quy định này áp dụng cho cả trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân có nhiều Quyết định, Hợp đồng thuê đất trực tiếp của nhà nước và có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau trong đó có các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh doanh như: dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch (Điểm a, b, Khoản 2, Điều 2).

* Giải pháp về giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên

Mức phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành đã được giảm 50% theo quy định tại Thông tư số 35/2020/TT-BTC ngày 05/5/2020 và Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (đến hết tháng 6/2021). Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 kéo dài quy định về giảm phí trên trong năm 2021.

* Giải pháp hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo đó đã có chính sách hỗ trợ 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

* Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch hoặc người lao động vay với lãi suất ưu đãi

Ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo đó đã có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc hoặc vay vốn trả lương cho người lao động để khôi phục sản xuất kinh doanh.

* Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động

Ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, theo đó người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

* Chính sách giảm tiền ký quỹ

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 trong đó có giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, theo đó cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch trong thời hạn 02 năm.

Ngày 24/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2167/BVHTTDL-TCDL gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 168/2017/NĐ-CP. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ  Tư pháp đối với dự thảo Nghị định. Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành, thời gian áp dụng giảm tiền ký quỹ là 02 năm vì ước tính sau 02 năm, khi việc tiêm phòng vắc xin đã được triển khai rộng rãi, hoạt động du lịch quốc tế có khả năng phục hồi trở lại.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

P.V

CLIP HOT