Mở cửa từng giai đoạn, du lịch TP.HCM sáng tạo mô hình mới
Mở cửa du lịch trong giai đoạn “bình thường mới”, TP.HCM sẽ tập trung vào nguồn nhân lực và sáng tạo nhiều sản phẩm du lịch cho thời kỳ hậu giãn cách.
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành với lãnh đạo TP.HCM chiều 4/10, đại diện các cơ quan và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh nguồn nhân lực và mô hình, sản phẩm du lịch mới.
Áp lực của “người đi đầu”
Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, ngành du lịch thành phố đã nỗ lực, quyết tâm triển khai những chương trình mới nhằm thu hút khách du lịch, tuy nhiên do khó khăn vì dịch bệnh, nhiều chương trình chưa được thông qua.
Bà Khánh đề nghị thành phố lập danh sách các điểm đến an toàn, khách sạn an toàn, và thường xuyên cập nhật cho các địa phương, để khách du lịch từ các địa phương khác tới, tạo thành những tour khép kín xuyên địa phương.
“Về việc chuẩn bị cho khách quốc tế trong những năm tiếp theo, chúng ta sẽ không dàn trải mà chọn lựa thị trường phù hợp để có sản phẩm phù hợp cho từng thị trường, nhằm tối ưu hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn”, bà Khánh cho biết.
Theo bà Khánh, mặc dù chưa thống kê hết nhưng TP.HCM cần rà soát lại và có giải pháp để giải quyết thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực của ngành du lịch sau đại dịch.
TP.HCM sẽ rà soát lại lực lượng hướng dẫn viên và người lao động trong ngành, tìm cách thu hút để sớm phục hồi ngành du lịch. Ảnh: ĐHCC.
“Chúng tôi với áp lực vai trò đầu tàu, áp lực phải đi trước để các địa phương khác có hướng áp dụng tương tự, vì thế chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của các cấp, ban, ngành”, bà Khánh bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, ngành du lịch thành phố xác định lộ trình, giải pháp từng bước phục hồi hoạt động theo hướng thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và theo nguyên tắc: “An toàn tới dâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Hữu Long.
Bà Hoa cũng nhấn mạnh mục tiêu trong thời gian tới của ngành Du lịch Thành phố là xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi, tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn thành phố, đồng thời chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng.
Cần có bộ tiêu chí an toàn chung
Đề xuất tại hội nghị, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Vietravel, cho rằng cần nhấn mạnh TP.HCM là điểm đến an toàn, căn cứ vào tỉ lệ tiêm vaccine. Yêu cầu khách du lịch phải tiêm vaccine đầy đủ, có xét nghiệm âm tính không quá 72 giờ. Ông Duy cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố làm việc với các địa phương và khu liên kết du lịch để thống nhất đưa ra bộ tiêu chí an toàn chung, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch trong giai đoạn mới.
Về du lịch quốc tế, thành phố có thể chủ động đón khách Việt Nam hồi hương hoặc khách quốc tế đến Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, đây là lượng khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ rất lớn.
Đồng tình với ý kiến xây dựng mới thương hiệu của ngành du lịch Thành phố, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt, cũng đề xuất giải pháp đẩy mạnh truyền thông, tạo hình ảnh thành phố an toàn, thành phố xanh.
“Các cơ quan chức năng cần tính toán thật nhanh để đón khách quốc tế, điều này giúp tăng doanh thu rất lớn cho các dịch vụ VIP, nhà hàng khách sạn 5 sao”, ông Phan Xuân Anh nhấn mạnh, đồng thời đề nghị giảm thuế, phí đăng kiểm xe, tàu, phí nhập cảng.
Đảm bảo nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới
Cảm ơn ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố lắng nghe, sớm hoàn thiện các đề xuất. Bên cạnh đó, bà đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu thêm nhằm đưa ra các hướng giải quyết cụ thể hơn, qua đó giúp kế hoạch sắp tới của Sở Du lịch có tính định hướng và bám sát thực tế.
“Hiện tại thành phố đang thực hiện Chỉ thị 18 với những bộ tiêu chí đi kèm, chúng ta sẽ dựa vào đó để lên kế hoạch. Các kế hoạch này khi đặt ra, chúng ta sẽ cùng thực hiện do đó phải bám sát với thực tế nhất có thể, các doanh nghiệp cũng có thể áp dụng một cách linh hoạt tùy vào điều kiện thực tế ở cơ sở mình,” bà nói.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết thêm, thành phố đã thống nhất ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên, người lao động của ngành dịch vụ, du lịch. Các doanh nghiệp có thể đăng ký với Sở để chủ động hơn, tự tổ chức tiêm vaccine thay vì để nhân viên đến điểm tiêm ở phường, xã.
“Đối với người lao động đã về quê mà đặc biệt là trong những ngày gần đây, chúng tôi có kế hoạch đến từng tỉnh để đi thăm, kèm theo đó là chính sách hỗ trợ cụ thể, việc này nhằm đảo bảo nguồn nhân lực đang thiếu của thành phố. Chúng tôi sẽ thông báo nhu cầu của thành phố cho từng tỉnh để có hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và khi có thể người lao động sẽ trở lại ngay. Tôi cho rằng đây là công việc cần nhanh chóng làm ngay để đảm bảo lực nguồn nhân lực,” bà Thắng nhấn mạnh.
Đi từng bước, tính toán thật kỹ ở từng giai đoạn
Đại diện UBND TP cũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc chia quá trình phục hồi du lịch thành các chặng: “Trước mắt chúng ta sẽ chia theo giai đoạn, sau đó tùy vào tình hình thực tế mà tiếp tục có hành động cụ thể tương ứng. Tình hình thực tế không chỉ ở TP.HCM, mà còn là các tỉnh lân cận, các địa phương khác.
Bên cạnh đó, chúng ta đang bước vào mùa lễ hội, chẳng hạn như Noel, năm mới nên phải có các sản phẩm du lịch phù hợp. Thực tế cho thấy, nếu không mạnh dạn làm các “tour tri ân” y, bác sĩ thì có lẽ hôm nay chúng ta chưa chắc đã mở cửa được như vậy. Chúng ta phải đi từng bước, tính toán thật kỹ ở từng giai đoạn.”
Bà Thắng cho biết TP.HCM đóng vai trò như người đi đầu trong mở cửa du lịch, các địa phương lân cận theo dõi và thực hiện khi thấy thành phố triển khai thành công. Để làm được như vậy, bà cho biết thời gian này sẽ tập trung vào các tour khép kín và dẫn ví dụ với Cần Giờ.
Lực lượng tuyến đầu tham quan rừng ngập mặn ở Cần Giờ, một mô hình du lịch độc đáo tại địa phương.
“Chúng ta đã biết Cần Giờ hiện tại được đưa vào khai thác du lịch, nơi đây có hải sản rất ngon tuy nhiên hàng quán, nơi nghỉ ngơi sạch đẹp, sang trọng thì rất ít, khó thu hút được dân thành phố và do đó người ta sẽ có xu hướng chọn Vũng Tàu. Vì vậy, tôi nghĩ thay vì cố gắng biến Cần Giờ thành Vũng Tàu, ta có thể tìm kiếm một mô hình mới, chẳng hạn đánh bắt hải sản rồi nướng, ăn ngay tại một không gian mở trên bãi biển, tạo thành điểm du lịch sinh thái, cắm trại,... Chúng ta cứ tính toán và đưa ra mô hình, người dân tại đó sẽ thực hiện ngay,” bà chia sẻ.
UBND đề xuất các doanh nghiệp liên hệ với Sở Công thương để tính toán các số liệu, từ đó đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu. Tùy theo mức độ giãn cách xã hội, thành phố và các doanh nghiệp có thể tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao với quy mô vừa đủ mà vẫn vừa thúc đẩy du lịch phát triển.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho biết thêm, hiện tại đang thảo luận với ngành y tế để sớm ban hành bộ tiêu chí về an toàn trong du lịch giai đoạn này, chẳng hạn nếu trong chuyến đi có F0 thì sao, nhân viên du lịch cần tiêm ngừa và xét nghiệm âm tính như thế nào.
Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.
Cuối Hội nghị, bà Thắng gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, dù thiệt hại nặng nề nhưng vẫn rất ủng hộ thành phố trong công cuộc chống dịch, điều xe đưa đón y bác sĩ, mở khách sạn để các y bác sĩ nghỉ ngơi miễn phí và tạo điều kiện tốt nhất cho tuyến đầu chống dịch.
“Ở góc độ của thành phố, chúng tôi không thể một mình xây dựng chính sách được, mà rất cần sự đóng góp ý kiến và cùng xây dựng từ các doanh nghiệp. Tôi chúc các doanh nghiệp du lịch sẽ mạnh mẽ vượt qua những khó khăn này, tiếp tục giữ vững để phát triển. Chúng tôi sẽ sát cánh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong mọi khả năng, thẩm quyền của mình", Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Với tỉ lệ tiêm vaccine cao, TP.HCM cần đẩy mạnh truyền thông là điểm đến an toàn và mạnh dạn xây dựng các sản phẩm...