Du lịch trực tuyến tăng tốc tại Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các tour du lịch và quảng bá trực tuyến được nhiều địa phương đẩy mạnh nhờ hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Đây được coi là giải pháp hiệu quả, vừa thúc đẩy quảng bá du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa tạo bàn đạp phát triển cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Từ tháng 9 đến tháng 12, Ninh Bình tổ chức hàng loạt tour du lịch trực tuyến vào sáng Chủ nhật hàng tuần, đưa du khách tham quan Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch Tràng An, Vườn quốc gia Cúc Phương… Nhiều đặc sản của Ninh Bình như nem Yên Mạc, mắm tép, miến lươn, canh cá rô Tổng Trường… cũng sẽ được giới thiệu trong các tour du lịch này. 

Du lịch trực tuyến tăng tốc tại Việt Nam - 1

Tour du lịch trực tuyến tại Ninh Bình công chiếu hôm qua (3/10) đã thu hút hàng nghìn lượt người theo dõi. Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình.

Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình cho biết: “Du lịch trực tuyến đang trở thành xu hướng được nhiều quốc gia hướng tới, khi mà mọi hoạt động đều phải tạm dừng do dịch Covid-19. Mong rằng khi dịch Covid-19 được kiểm soát, du khách có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện đáng nhớ để chọn Ninh Bình cho chuyến du lịch, khám phá”. Đại diện đơn vị này cho biết, 2 chương trình đầu tiên đã thu hút gần 30.000 lượt xem và tương tác trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Twitter.

Du lịch trực tuyến tăng tốc tại Việt Nam - 2

Khung cảnh khu di tích lịch sử ATK Định Hóa trên nền tảng trực tuyến. Ảnh chụp từ website.

Tại Thái Nguyên, khu di tích lịch sử ATK Định Hóa đã triển khai bản đồ số và tour VR (thực tế ảo) tại khu di tích thông qua địa chỉ https://atk.vimap.vn; qua đó khán giả có thể quan sát cận cảnh hoặc di chuyển qua lại các điểm tham quan. Ông Bùi Huy Toàn - Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa cho biết, giải pháp về du lịch ảo và bản đồ số đã giúp cho du khách thập phương được tham quan điểm đến ATK ngay cả trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Theo bà Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, chuyển đổi số trong du lịch một hướng đi đúng đắn và vô cùng quan trọng đối với ngành du lịch Thái Nguyên. Trong thời gian tới, các điểm đến, tour du lịch tại Thái Nguyên sẽ tiếp tục được ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D, 4D, kết hợp với ứng dụng thuyết minh tự động trên thiết bị di động của du khách. Ngoài ra tỉnh Thái nguyên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động website thainguyentourism.vn, cổng du lịch thông minh mythainguyen.vn, tăng cường quảng bá du lịch trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube…

Du lịch trực tuyến tăng tốc tại Việt Nam - 3

Thực hiện tour du lịch trực tuyến tại cơ sở làm bún khô ngũ sắc Đà Vị, Na Hang, Tuyên Quang. Nguồn: Trung tâm Xúc tiến đầu tư Tuyên Quang.

Tại Tuyên Quang, một số tour trực tuyến như trải nghiệm làm bún khô ngũ sắc Đà Vị, ruộng bậc thang Hồng Thái, vẻ đẹp Na Hang - Lâm Bình, lễ hội độc đáo tại Tuyên Quang… đang chuẩn bị giới thiệu tới du khách. Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, các sản phẩm du lịch này được xây dựng để phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách trong nước và quốc tế. Đây là biện pháp quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch Tuyên Quang đến với du khách liên tục, kịp thời nhằm thích ứng với dịch Covid-19.

Tại Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang đã có Kế hoạch số 242/KH-UBND về truyền thông giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, văn hóa trà và sản phẩm đặc trưng tỉnh Hà Giang qua ứng dụng công nghệ số. Qua đó, nhiều hình ảnh, video về văn hóa, con người, du lịch của Hà Giang như ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, múa trống của người Lô Lô, văn hóa thưởng trà Hà Giang, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao… được quảng bá rộng rãi tới du khách trong nước và quốc tế.

Du lịch trực tuyến tăng tốc tại Việt Nam - 4

Giới thiệu lễ cấp sắc của người Dao tới du khách Nhật Bản trong tour du lịch trực tuyến. Nguồn: Hồ Trọng Tiến

Ngoài ra, tỉnh Hà Giang còn tổ chức triển lãm ảo để giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.   Ông Đặng Quốc Sử - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Hà Giang cho biết Hà Giang không chỉ quảng bá, giới thiệu du lịch trên nền tảng số mà còn hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp xây dựng, tiếp thị sản phẩm trực tuyến phục vụ kinh doanh. "Chúng tôi tạo điều kiện, hỗ trợ phương tiện di chuyển và định hướng về xây dựng sản phẩm trực tuyến để doanh nghiệp giới thiệu tới du khách; sao cho các điểm đến vẫn được quảng bá và doanh nghiệp, lao động ngành du lịch cũng có thêm thu nhập trong lúc khó khăn" – ông Đặng Quốc Sử nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Nam (Báo VOV)

CLIP HOT