Mở cửa du lịch: Doanh nghiệp thấp thỏm vì sát giờ G vẫn chờ hướng dẫn
Chỉ còn 3 ngày nữa là đến thời điểm mở cửa du lịch hoàn toàn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về cách ly y tế cũng chính sách thị thực. Tất cả hiện vẫn ở dạng đề xuất của các Bộ, ngành.
Doanh nghiệp đang rất lúng túng
Với việc ấn định ngày mở cửa du lịch quốc tế, phục hồi các hoạt động du lịch trong nước vào ngày 15/3, Chính phủ đã mang đến nhiều kỳ vọng cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Các chương trình xúc tiến du lịch cơ bản cũng được thực hiện tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt vẫn đang rất lúng túng khi chưa nhìn thấy được từng bước đi cụ thể để hiện thực hóa hoạt động đón khách du lịch quốc tế đã bị bỏ ngỏ trong gần 2 năm qua.
Bên cạnh việc chưa nắm được quy định rõ ràng và cụ thể về thủ tục dành cho khách du lịch quốc tế kể trên, các doanh nghiệp cũng chưa thể xác định được thị trường nào mở cửa với Việt Nam để xây dựng chiến lược cụ thể cũng như quảng bá sản phẩm phù hợp với thị hiếu.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc công ty Oxalis Adventure khai thác tour du lịch tại hang Sơn Đoòng, tha thiết cho biết: “Sau 2 năm, lao động ngành du lịch đã chuyển sang các ngành nghề khác như bán hàng, bất động sản… Vì vậy, doanh nghiệp cần có lộ trình để tái đào tạo và lôi kéo nhân lực du lịch trở lại làm việc”. Ông cũng nêu quan điểm về việc cần thực tế nhìn nhận một lộ trình cụ thể và xác định những công việc cần làm.
Hồ nước ngầm dưới chân cửa hang Sơn Đoòng, Quảng Bình
Chuỗi khách sạn Phát Linh có các cơ sở lưu trú tại Hạ Long và Sapa, với 90% khách quốc tế trong mùa cao điểm, cũng mong muốn chính phủ nới lỏng các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Bà Nguyễn Ngọc Phương Nhi, Quản lý lĩnh vực thương mại điện tử của chuỗi khách sạn, cho hay doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm đưa ra chính sách nhất quán về các thủ tục đón khách quốc tế trong thời gian tới, nới lỏng các rào cản của thủ tục cách ly. Các văn bản cần rõ ràng, giúp điều hướng doanh nghiệp khách sạn cũng như các công ty lữ hành có đường lối cụ thể để triển khai tìm kiếm, khai thác các nguồn khách hàng.
Cũng theo bà Nhi, việc ra nhiều công văn, văn bản nhưng không đưa ra cách giải quyết cụ thể gây khó khăn và tốn thời gian rất nhiều cho các doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận và quảng bá du lịch Việt Nam sau đại dịch.
“Đến nay các doanh nghiệp vẫn rất đang lúng túng vì không rõ cụ thể chính phủ sẽ tái thiết lập các đường bay cũng như nhận đón khách du lịch quốc tế với những yêu cầu và điều kiện bắt buộc nào. Trong khi đó các nước lân cận (Thái Lan, Malaysia) đều có những chính sách mở rất thuận lợi cho khách quốc tế đến mà không có các rào cản về biện pháp phòng dịch”, bà Nhi bày tỏ. Trong năm 2022, đơn vị này cũng đặt mục tiêu thị phần khách quốc tế lưu trú vào khoảng 30-50%.
Vịnh Hạ Long
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, e ngại Việt Nam khó đón được khách quốc tế vì tới giờ chúng ta vẫn chưa có thông tin cụ thể về chính sách visa, về quy định y tế. Chưa kể, sau khi tuyên bố mở cửa du lịch cần làm gì cũng chưa rõ ràng. Đồng quan điểm, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, thực sự lo lắng vì gần tới ngày mở cửa mà không có hướng dẫn chính thức về cách ly y tế cũng chính sách thị thực, tất cả hiện vẫn ở dạng đề xuất của các Bộ, ngành. Theo ông, không phải cứ mở cửa là có khách, mà còn phải xúc tiến quảng bá, cung cấp thông tin về sản phẩm, các chính sách phòng chống dịch của Việt Nam cho đối tác…
Yêu cầu để đón khách quốc tế trong điều kiện mới
Khác hoàn toàn với cơ chế mở khi chưa có đại dịch, điều kiện bình thường mới yêu cầu việc kiểm soát cao hơn để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cũng như thích ứng linh hoạt. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, cũng như giúp khách du lịch quốc tế ý thức được ngành du lịch Việt ưu tiên cho an toàn sức khỏe của chính họ.
Thu hoạch hoa súng ở Long An. Ảnh: Nguyễn Tấn Tuấn
Điều đó đòi hỏi phải có những chính sách và quy định cụ thể về thủ tục dành cho khách du lịch đến từ nước ngoài, từ việc cấp visa cho đến các chính sách tiêm vaccine, cách ly y tế hay các yêu cầu xét nghiệm khi đến và rời khỏi Việt Nam.
Với việc tham khảo các nước trong khu vực đã mở cửa cho khách quốc tế trước đó như Thái Lan, Hàn Quốc,… Việt Nam có thể thúc đẩy nhanh hơn để tạo ra bộ quy tắc thân thiện, hợp lý dành cho du khách quốc tế. Đồng thời, đó cũng là nội dung mà toàn bộ doanh nghiệp du lịch quan tâm để chủ động tiếp đón, làm việc với các đối tác.
Mặt khác, khách du lịch mong muốn sự thuận tiện trong việc di chuyển và cách ly. Điều này cần sự làm việc của Chính phủ với các nước để nới lỏng quy định, tạo sự thuận lợi trong việc đón khách.
Ông Nguyễn Châu Á cũng đề xuất những việc cần làm ngay và luôn, trong đó có việc đàm phán với các nước để thống nhất chính sách mở cửa qua lại bình thường với Việt Nam. Đồng thời, tái khởi động chương trình cấp visa cho khách nước ngoài vào Việt Nam, có thể cấp visa online và tạo điều kiện để khách du lịch lấy visa một cách dễ dàng nhất.
Cùng với đó cần hỗ trợ cho các hãng hàng không và cấp phép slot sân đỗ máy bay cũng như hỗ trợ cho các hãng hàng không Việt Nam trong quá trình mở lại đường bay quốc tế. Các bộ, ngành, từ địa phương đến trung ương cần thống nhất và quy định cụ thể về hộ chiếu vaccine, cách ly, xét nghiệm một cách rõ rang và tổng lực truyền thông quốc tế về việc Việt Nam mở cửa trở lại.
Mùa hè du lịch đang bắt đầu, việc đẩy nhanh hơn và gấp rút hơn trong mọi công tác về chính sách là điều cần thiết. Từ đó, những kỳ vọng được đưa ra từ đầu năm 2022 dành cho ngành du lịch mới có thể hiện thực hóa.
Thành phố Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp du lịch địa phương đã sẵn sàng phương án đón khách quốc tế. Thế nhưng...